Nhiều ngôi trường mới
Cuối tháng Tư, giữa trời nắng nóng gay gắt, công trường xây dựng cụm 3 trường học ở góc đường Chấn Hưng và Hưng Hóa (phường 6, quận Tân Bình) vẫn tấp nập công nhân làm việc.
Với tổng diện tích hơn 28.000m2, công trình được chia làm nhiều khu. Bên trái, một nhóm công nhân thay nhau kéo sắt thép, gạch, vữa lên giàn giáo để làm cốt thép sàn, tường… Bên phải, một nhóm công nhân khác liên tục đổ đá để kịp cho xe lu cán bằng, dần hình thành đường đi, khuôn viên cho dự án.
Phía mặt ngoài công trình, các kỹ sư đang hướng dẫn công nhân làm đường ống nước… Tất cả đang nỗ lực để thành phố sớm có thêm những ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp.
|
Công nhân đang xây dựng cụm 3 trường học tại góc đường Chấn Hưng và Hưng Hóa (phường 6, quận Tân Bình) - Ảnh: Nguyễn Loan |
Khởi công từ tháng 12/2023, sau hơn nửa năm xây dựng, hình hài cụm công trình theo tiêu chuẩn quốc gia trên đã dần hình thành.
Ông Phan Văn Quang - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình - thông tin: dự án bao gồm 3 trường là Trường mầm non Sơn Ca (tổng diện tích 6.348,5m2 với 20 phòng học, các phòng chức năng, tổng mức đầu tư hơn 122 tỉ đồng), Trường tiểu học Hùng Vương (tổng diện tích 9.434,5m2 với 30 phòng học, các phòng chức năng, tổng đầu tư trên 147 tỉ đồng), công trình có quy mô lớn nhất Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (tổng diện tích 12.283,5m2 với 45 phòng học, các phòng chức năng, tổng đầu tư hơn 196 tỉ đồng).
“Đó là các trường trong hàng trăm trường học thuộc đề án xây dựng 4.500 phòng học do UBND TPHCM phê duyệt, thông qua hồi tháng Ba. Tất cả đều đang được xây dựng khẩn trương để kịp khánh thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2025 nhằm chào mừng sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Phan Văn Quang chia sẻ.
Tại TP Thủ Đức, trên đường Nguyễn Duy Trinh, công trình Trường THCS Phú Hữu đang bước vào những công đoạn cuối. Trên diện tích đất 14.343m2, trường gồm 1 trệt 2 lầu, 45 phòng học và các phòng chức năng, tổng mức đầu tư gần 124,5 tỉ đồng.
Bà Phương Thông - 60 tuổi, nhà ở đối diện công trình - nói: “Chiều nào tôi cũng cùng mấy người trong xóm đi dạo quanh đây, nhìn thấy ngôi trường dần thành hình, rộng và đẹp lắm. Tôi có 2 đứa cháu đều chuẩn bị lên cấp II, trường xây xong chắc nó sẽ được về đây học, vừa tiện đưa đón, vừa có môi trường học tốt thì còn gì bằng. Dân ở đây ai cũng nôn nao hết”.
Cháu bà là em Hoàng Bảo - học sinh Trường tiểu học Phú Hữu - bẽn lẽn: “Con với mấy bạn cũng mong được học ở đó, trường lớn vậy là tụi con tha hồ học và chơi luôn”.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - chia sẻ: “Dù mới khởi công từ tháng 10/2023 nhưng đến nay, trường đã hoàn thành được khoảng 75%. Chúng tôi đang tập trung tối đa nguồn lực để có thể đưa công trình vào sử dụng trước đợt tuyển sinh vào tháng Bảy năm nay. Ngoài công trình này, 2 trường học quy mô lớn khác là Trường mầm non Trường Thọ và Trường mầm non Sen Hồng cũng đang trong quá trình xây dựng”.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: Đề án Xây dựng 4.500 phòng học bắt đầu được triển khai xây dựng vào tháng 9/2023. Đến nay có 2 công trình đã hoàn thành và dự kiến có khoảng 12 công trình trường học đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025 sắp tới.
|
Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6, TPHCM) đã hoàn thành với diện mạo khang trang, hiện đại - Ảnh: Trang Thư |
Trong số 14 dự án trên, dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6) có quy mô lớn nhất gồm 40 phòng học và các khối phòng chức năng phụ trợ, đã hoàn thành vào đầu năm 2024.
Ông cũng cho biết TP Thủ Đức có 22 công trình, dự án xây mới và cải tạo, sửa chữa bổ sung phòng học. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, trong năm tới, thành phố sẽ có thêm 300 phòng học.
“Hiện TP Thủ Đức là một trong những địa phương có học sinh đông nhất TPHCM. Nhiều nơi thuộc khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Dương rất thiếu trường, lớp. Những phòng học mới không chỉ giải quyết tình trạng này, mà còn cải thiện môi trường học tập, làm việc cho học sinh, giáo viên” - ông nói.
Quận Tân Bình là một trong những quận có học sinh đông và tăng mạnh mỗi năm. Ông Phan Văn Quang cho hay, cả giáo viên, học sinh và mọi người đều mong chờ ngày khánh thành cụm 3 trường học mới. 95 phòng học mới được đưa vào sử dụng sẽ góp phần giúp quận giải quyết bài toán thiếu trường, lớp.
Cô Phương Hà - giáo viên ngữ văn tại một trường THCS ở quận Tân Bình - bày tỏ: “Nghe tin có nhiều trường học mới được xây dựng, tôi vui lắm. Vui vì đồng nghiệp và học sinh sẽ được làm việc và học tập ở một nơi mới mẻ, hiện đại. Vui vì sĩ số học sinh theo lớp có thể giảm đi, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện”.
Chia sẻ về kỳ vọng của đề án, ông Lê Hoài Nam nói: “Thực hiện thành công đề án xây dựng 4.500 phòng học sẽ góp phần giải quyết áp lực về chỗ học; tạo được môi trường học tập khang trang, tiện nghi, an toàn để học sinh thoải mái và hứng thú hơn trong học tập.
Đây cũng là cơ sở để đội ngũ giáo viên phát huy sự năng động, sáng tạo trong giáo dục học sinh. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thành phố một cách đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiến tới mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo của khu vực Đông Nam Á, châu Á, và có năng lực cạnh tranh toàn cầu”.
Thay đổi bộ mặt thành phố Giáo dục và đào tạo là động lực quan trọng để TPHCM phát triển bền vững. Vì vậy, thành phố đã bố trí nhiều nguồn lực, đổi mới cơ chế tài chính, phát triển đội ngũ nhân lực ngành giáo dục. Đồng thời ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp khang trang hiện đại để góp phần nâng cao chất lượng của ngành một cách đồng bộ. Việc xây dựng, triển khai đề án 4.500 phòng học là một nhiệm vụ cấp thiết, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo của thành phố. Hướng đến xây dựng TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đề án sẽ mang lại sự thay đổi lớn lao cho ngành giáo dục TPHCM nói riêng và bộ mặt toàn thành phố nói chung. Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM |
110 dự án xã hội hóa với 2.638 phòng học Theo ông Lê Hoài Nam, đề án 4.500 phòng học thuộc 2 nhóm đầu tư công và xã hội hóa. Trong đó, thành phố dự kiến có 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn đầu tư dự kiến hơn 541.052 tỉ đồng, thực hiện kêu gọi xã hội hóa. Nhóm đầu tư công chia thành 3 nhóm nhỏ hơn. Đầu tiên là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nhóm này có 118 dự án, với 2.872 phòng học xây mới, tổng đầu tư là 17.045,428 tỉ đồng. Trong đó có 79 dự án với 1.825 phòng học đã được đưa vào kế hoạch trung hạn và thông qua chủ đầu tư; 39 dự án với 1.047 phòng học đã có và đề xuất trong kế hoạch trung hạn nhưng chưa được thông qua chủ trương đầu tư. Tiếp theo là các công trình trường học đề xuất mới (chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn) gồm 76 dự án với 1.357 phòng học xây mới, tổng mức đầu tư 6.099,129 tỉ đồng. Nhóm này có thuận lợi về pháp lý đất đai, quy hoạch để triển khai đầu tư nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho chỗ học hiện nay, được yêu cầu khởi công trong năm 2024 và đưa vào sử dụng năm 2025. Cuối cùng là các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai, có thể đẩy nhanh đầu tư, gồm 83 dự án với 1.705 phòng học xây mới, tổng mức đầu tư là 9.063,434 tỉ đồng. Các dự án sẽ khởi công trong quý I/2025. |
Nguyễn Loan - Trang Thư