Để ai cũng được mưu sinh trên quê hương mình

06/09/2023 - 06:29

PNO - Ngay khi hết dịch, đất quê vẫn không giữ chân được người quê. Họ lại quay về cuộc sống bấp bênh nơi phố thị để tìm kiếm việc làm.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng, có 16.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Các nữ công nhân làm việc trong một công ty dệt may ở khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Làm việc cho doanh nghiệp trong tỉnh nhà giúp họ có điều kiện chăm sóc gia đình - Ảnh: Huỳnh Lợi
Các nữ công nhân làm việc trong một công ty dệt may ở khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Làm việc cho doanh nghiệp trong tỉnh nhà giúp họ có điều kiện chăm sóc gia đình - Ảnh: Huỳnh Lợi

Mặc dù Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định tiếp tục hỗ trợ 1-3 triệu đồng từ kinh phí công đoàn cho người bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc từ ngày 1/4 đến ngày 31/12 năm nay, nhưng đó cũng chỉ là nguồn động viên trong muôn vàn khó khăn của lao động ngoại tỉnh và không phải ai cũng được hưởng. Trong tình thế chông chênh, nhiều người lao động mất việc phải chọn con đường hồi hương trong thế bị động.  

Người tứ xứ lâu nay chọn TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để tìm cơ hội việc làm. Đằng sau con số gần 1,3 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long rời quê là nhiều phận đời.

Nhiều năm qua, không ít phụ nữ chọn con đường đi làm ăn xa, phải giã biệt người thân. Nhiều người ra đi với ước mơ đơn giản là kiếm tiền để sau này về quê xây lại căn nhà khang trang hơn, có vài công ruộng, miếng vườn. Họ chấp nhận sống lay lắt nơi đô thị trong những phòng trọ chật hẹp, tạm bợ.

Lao động nữ suốt ngày quanh quẩn trong nhà máy, xí nghiệp, không còn thời gian cho bạn bè hay nghĩ đến chuyện lấy chồng. 

Con của các cặp vợ chồng nhập cư không được chăm sóc y tế, giáo dục đàng hoàng khi theo cha mẹ mưu sinh ở xa. Những đứa trẻ được gửi lại quê nhờ ông bà trông coi thì sống trong điều kiện thiếu thốn vật chất, tinh thần. Thực tế, có người tha hương nhiều năm nhưng giấc mơ mãi không thành.

Đã từng có những cuộc hồi hương tránh dịch COVID-19 của hàng trăm ngàn người lao động miền Tây. Nhưng ngay khi hết dịch, đất quê vẫn không giữ chân được người quê. Họ lại quay về cuộc sống bấp bênh nơi phố thị để tìm kiếm việc làm. 

Chính vì vậy mà cuộc “di dân ngược” đó cần được xem xét trên các bình diện khác nhau. Cần tiếp cận tổng thể, đa ngành, phối hợp giải quyết liên ngành để vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tính đến các phương kế lâu dài cho vấn đề lao động, việc làm. 

Không thể phủ nhận rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới các năm qua đã tạo ra nhiều điểm sáng trong nông nghiệp, nông thôn. Khu vực Tây Nam Bộ đã hình thành các vùng sản xuất nông sản, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục, góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo làng quê, tạo ra không gian sống, lao động và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân. 

Song, sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu đất sản xuất, lao động chưa qua đào tạo là những nguyên nhân “đẩy” lao động nông thôn ra khỏi khu vực truyền thống, khiến nhiều người phải sống bấp bênh nơi đô thị.

Để việc hồi hương không phải là chọn lựa chẳng đặng đừng của nhiều lao động làm thuê ở xa, cần tạo dựng niềm tin nơi người dân. Theo đó, cần ưu tiên cho tam nông, làm cho việc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới có thực chất hơn chứ không là khẩu hiệu. 

Cần định vị vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển bền vững, bố trí không gian và huy động các nguồn lực với mục tiêu đưa vùng này thành nơi đáng sống với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư. Có như vậy mới mong không còn tình trạng đồng loạt ly hương như trong hàng chục năm qua.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI