Tiến một bước dài từ một người làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng sang giới showbiz, hiện Trần Vi Mỹ được đánh giá là một trong số những đạo diễn sân khấu ca nhạc hàng đầu. Nhiều người nói Trần Vi Mỹ kiêu lắm, giá cao lắm. Quả thật, anh có kiêu - cái kiêu của một kẻ thích chọn ca sĩ để gửi… cảm xúc của mình, chứ không liên quan đến chữ tiền như nhiều người nhầm tưởng.
Không chỉ thế, Trần Vi Mỹ tự gọi mình là kẻ liều với ý tưởng thực hiện liveshow riêng dự kiến diễn ra cuối năm nay. Không ít người cho rằng đây là điều “không tưởng”…
Chân dung “đạo diễn vàng” của sân khấu ca nhạc
* Chương trình riêng của một đạo diễn sẽ như thế nào trong việc để người khác nhận diện anh? Vì dù sao anh cũng là đạo diễn - người luôn đứng phía sau tấm màn sân khấu chứ không phải phía trước?
- Tôi ấp ủ rất lâu về chương trình cá nhân này. Dĩ nhiên, việc xem show và nhận ra Trần Vi Mỹ ở đó không phải dễ, không thể ẩn dụ cũng không thể trực diện, vì tôi đâu phải ca sĩ. Nhưng, nếu đó là một show riêng biệt, để lại dấu ấn trong lòng khán giả, được người ta nhắc khi nghĩ về tiến trình nhạc Việt… nghĩa là rất riêng, thì lo gì người ta không nhìn thấy tôi.
Tôi dự định đặt tên chương trình này là Bước chân Việt Nam - khái quát âm nhạc Việt Nam từ lúc hình thành với những cây đa cây đề như Văn Cao, Phạm Duy… cho đến Phú Quang, Thanh Tùng, Trần Tiến… sau đó nữa là Lê Quang, Việt Anh, Phương Uyên… và bây giờ. Tôi muốn trải chiều dài âm nhạc Việt Nam không phải bằng sử sách, mà bằng chính âm nhạc. Tôi làm nghề đã 10 năm rồi và kiếm tiền không phải là điều tôi hướng tới. Tôi muốn làm một chương trình âm nhạc thật sự.
Tôi không mang đến một đêm nhạc nặng nề về học thuật đâu, đó là thứ âm nhạc đúng nghĩa mà công chúng cần, từ chất lượng âm thanh đến dàn dựng, biên tập… Cũng không có quá nhiều chiêu trò mà nhường phần lớn cho âm nhạc - một chương trình chúng tôi muốn nhấn mạnh về thẩm mỹ âm nhạc. Tất nhiên phần không thể thiếu là những nhạc sĩ hòa âm giàu kinh nghiệm. May mắn là các anh em nghệ sĩ khi nghe qua đều ủng hộ.
Chương trình của tôi dành cho khán giả đã đi làm, đã trải nghiệm cuộc sống. Tôi tin nếu mình làm đàng hoàng, có lương tâm, nghĩa là mình lấy tiền của người ta và ít nhất phải mang lại chất lượng tương đương, thì sẽ được ủng hộ.
* Lòng tin đó đã được đo lường bằng thực tế chưa? Nhạc Việt là một thị trường mà nhiều người vẫn bảo chẳng có nguyên tắc nào...
- Tôi đo lường rồi chứ! Tôi làm Q show của Lệ Quyên cháy vé, Thương hoài ngàn năm, Số phận của Đàm Vĩnh Hưng cháy vé, tất nhiên là cộng hưởng từ nhiều thứ… nhưng nghĩ lại, công thức của điều này chỉ có một thôi: làm đàng hoàng. Dĩ nhiên trong bối cảnh này thì không nên trông mong sẽ thu được lãi to. Tôi đầu tư tiền bao nhiêu đây và tôi lấy lại bằng mức chi tức là tôi đã có lời. Lời ở đây là cảm xúc bản thân được thỏa mãn, được anh em gật đầu, báo chí gật đầu, khán giả gật đầu.
Thú thật bây giờ làm chương trình mà nói làm 10 đồng mong thu 15 đồng thì hơi khó. Thu 10,1 - 10,2 đồng là quá được rồi. Điều quan trọng nhất mà tôi chốt lại, và rất cần cho tôi, là cảm xúc.
Ngồi một góc, uống cà phê quan sát các ca sĩ tập luyện trong liveshow Thanh Thảo năm 2011
* Cảm xúc? Chẳng phải công việc của một đạo diễn cần sự tính toán, cần lý tính nhiều hơn sao?
- Không hề, cảm xúc là thứ đầu tiên khiến tôi nhận lời có làm chương trình nào đó hay không. Nói thật, công việc đạo diễn này không nuôi sống tôi đâu, một năm tôi làm vài sô, thu về vài trăm triệu, nó không đủ cho tôi sống và lo lắng cho những người quanh mình.
Xưa nay tôi vẫn sống bằng công việc khác, vì vậy mà khi nhận lời làm show, tôi chưa bao giờ quan tâm tới việc được bao nhiêu tiền. Điều đó giúp tôi đủ khả năng chọn lựa chương trình kỹ càng mà không lo lắng gì. Còn việc tính toán, dĩ nhiên là không thể thiếu, nếu hiểu theo nghĩa thông thường.
Việc không bị áp lực về cơm áo gạo tiền quan trọng lắm. Tôi từng từ chối rất nhiều ca sĩ, trong đó có cả ca sĩ đang nổi, dù tôi biết nếu làm thì sẽ nhàn, vì họ gần như chả cần ý tưởng gì nhiều. Nhiều người thậm chí còn nói, thôi anh không làm cũng được, anh cho em mượn cái tên để ghi vào thông tin chương trình. Dĩ nhiên việc đó không xảy ra, vì tôi dại gì tự giết mình bằng cách đó.
* Vậy mà người ta lại bỏ nhỏ nhau rằng Trần Vi Mỹ bây giờ lại đi làm truyền hình thực tế, chắc liveshow sân khấu ít rồi…
- Tôi làm truyền hình thực tế vì tôi thích. Ít ai biết rằng chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tôi làm là Giọng hát Việt mùa đầu tiên, đêm liveshow đầu tiên ấy. Có rất nhiều người tổ chức chương trình truyền hình thực tế mời tôi, nhưng tôi không nhận, vì nó không cho tôi cảm xúc, không khiến tôi nhìn thấy sự sáng tạo của mình.
Chương trình có định dạng nước ngoài mà, mọi thứ đều theo khuôn mẫu có sẵn, chán lắm. Tuyệt đỉnh tranh tài thì khác, tôi thấy ở đó những bức tranh rõ rệt. Mỗi đêm thi là một dòng nhạc khác nhau, với những cá tính âm nhạc khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao bật lên được một con người âm nhạc khác bên trong ca sĩ, rất khác với những gì lâu nay công chúng vẫn biết về họ.
Còn nói liveshow sân khấu ít rồi ư? Nói thật, một năm tôi phải từ chối ít nhất bốn-năm liveshow, bởi họ tổ chức liveshow mà “chất live” trong show không nhiều.
Chỉ đạo từ xa trong liveshow Dương Triệu Vũ
* Anh không có lòng tin ở ca sĩ trẻ sao? Hay anh cho rằng họ không đủ tầm để anh “ra tay”?
- Có rất nhiều lý do để tôi từ chối một ca sĩ nào đó. Hoặc do họ hát quá yếu, không thể đảm đương nổi một liveshow. Trời ơi, ca sĩ gì mà hát live không được, chưa hát với ban nhạc bao giờ. Ngoài ra, có ca sĩ giọng hát tốt, nhưng gu âm nhạc có vấn đề. Tôi cũng từ chối nhiều ca sĩ hải ngoại, không phải tôi không thích cá nhân ca sĩ đó, mà tôi không thích nhà tổ chức.
Ngoài ra, có một dạng khác để tôi từ chối, là tôi nhìn thấy liveshow không mang lại gì cho ca sĩ đó. Làm một liveshow gọi là coi cho được thì ít nhất cũng bỏ ra một-hai tỷ trở lên, nhưng làm xong mà không thu lại được gì thì có nên làm không? Tôi lấy tiền người ta, nhưng người ta không được gì, thì tôi chẳng vui.
Dĩ nhiên đó chỉ là vài trường hợp, còn về ca sĩ trẻ nói chung, tôi có lòng tin vào họ, cho dù ai chê bai hay phản bác. Quan điểm của tôi là các bạn trẻ cũng có gu thưởng thức của họ. Thời chúng ta trẻ, chúng ta sống trong một xã hội khác, còn bây giờ thế hệ 9X sống trong không gian khác.
Bây giờ mọi người sống quá nhanh nên họ phải nghe cái gì đó dễ nhớ, nghe mà phải vắt óc suy nghĩ thì họ không tiếp nhận. Họ chẳng có gì sai cả. Chúng ta không thể mang suy nghĩ của mình, cách tiếp nhận của mình để bắt họ phải làm theo. Ta là ta, họ là họ. Cũng như, không thể nào lấy khán giả của Sơn Tùng để nói về Lệ Quyên, rồi so sánh ai tốt ai không tốt.
* Vậy, một cách thẳng thắn, anh có thể tiết lộ đã từng có ca sĩ nào từ chối anh không?
- Họ từ chối hay không thì tôi không có cơ hội để biết, vì chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề với nhau, nhưng có những người mà tôi rất muốn làm, như Lê Cát Trọng Lý, như Nguyên Thảo… Họ có thẩm mỹ âm nhạc và họ cho tôi cảm xúc, cho tôi cái cảm giác “bay” cùng họ. Với những người này, tiền không là vấn đề để trao đổi. Tôi không ngại nói rằng, có một chương trình truyền hình thực tế mà tôi rất muốn làm nhưng họ chưa mời là So you think you can dance. Chương trình này cho tôi rất nhiều cảm xúc, khi tôi xem nó, tôi hình dung ra ở chỗ này mình sẽ làm cái này, chỗ kia đặt cái gì…
* Có vẻ anh thuộc týp người rất hiểu rõ mình muốn gì, thích gì. Còn sự sợ hãi trong nghề thì sao? Những chữ “cạn kiệt ý tưởng” có bao giờ khiến một người như anh hoảng hốt?
- Với những người làm nghề này, cạn ý tưởng là điều ám ảnh, bởi việc cạn ý tưởng đồng nghĩa với việc anh đã hết thời. Cho nên sợ cạn ý tưởng là một cảm giác thường trực. Bản thân tôi, vừa xong một chương trình, khi tấm màn đóng lại là lúc tôi lại mang nỗi lo lớn hơn. Lo rằng sô tiếp theo mình sẽ làm gì, làm sao để không lặp lại, làm sao để tốt hơn sô này.
Thời gian vừa rồi có thông tin tôi sẽ không kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng nữa, cũng là bắt đầu từ việc này đây. Ngay sau khi sô Thương hoài ngàn năm 2 ở quận 7, TP.HCM (tháng 12/2014) của Đàm Vĩnh Hưng vừa kết thúc, tôi nhắn cho Hưng: “Hưng, anh sẽ không làm sô cho em nữa đâu, vì anh không biết sẽ làm gì nữa”. Áp lực treo trên người tôi quá lớn và Hưng là người hiểu hơn ai hết. Tôi sợ lặp lại chính mình đến nỗi tôi nghĩ thôi mình dừng, đến khi nào có cái mới thì hẵng làm.
Cùng Đàm Vĩnh Hưng bàn bạc về ý tưởng cho liveshow
* Và sau đó?
- Tôi bắt đầu hành trình đi tìm ý tưởng mới. Nó chẳng ở đâu xa xôi mà ngay xung quanh mình, hoặc trong mỗi trang sách. Thế giới văn chương là thế giới bay bổng và khơi gợi, giúp chúng ta rất nhiều trong hình thành nhân sinh quan. Tôi thích đọc sách, không chỉ cho việc tìm ý tưởng, may mắn là thế. Tôi là dân kinh tế, nhưng thật ra đầu tiên tôi thi vào một trường sư phạm, khoa Anh văn. Học được hai năm thì tôi bỏ, quay về thi kinh tế.
Từ bé tôi đã thích đọc sách, sở thích đó giúp tôi hình thành một thế giới quan đa chiều. Bây giờ thì tôi siêng coi phim. Tôi coi đủ hết, từ phim bộ đến phim lẻ, từ phim thị trường đến phim nghệ thuật. Tôi cũng quan sát cuộc sống xung quanh mình. Đôi khi người ta lướt qua một chi tiết nhỏ nhặt, nhưng tôi thì ghi nhớ.
* Lúc nãy anh có nhắc đến áp lực từ các sô của Đàm Vĩnh Hưng, có phần nào trong áp lực đó đến từ cái tên Huỳnh Phúc Điền không? Nhiều người vẫn nhắc đến cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền mỗi khi Trần Vi Mỹ lại làm sô cho Đàm Vĩnh Hưng, anh biết điều này không?
- Tôi biết chứ. Nói không có áp lực là không thật lòng. Liveshow Thương hoài ngàn năm là format của anh Huỳnh Phúc Điền. Sau liveshow của anh Điền ngày nào, Hưng mới được phong “ông hoàng nhạc Việt”. Dấu ấn của anh Điền quá lớn, nên nối tiếp công việc của anh cũng là tôi thách đấu với bản thân mình. Nhưng tôi không thấy phiền khi họ đặt tên tôi bên cạnh tên anh Điền để so sánh, ngược lại tôi hạnh phúc.
Khi nhận lời Đàm Vĩnh Hưng, tôi đi Bình Dương, đến mộ anh Điền xin phép anh cho tôi làm sô cho Hưng. Bản thân tôi coi anh Điền là một người để mình học hỏi.
Tôi may mắn gặp Hưng, làm sô cho Hưng, dù áp lực quá lớn vì không chỉ Hưng từng có anh Điền mà còn vì Hưng là một người luôn yêu cầu cao. Giờ thì quan hệ của tôi và Hưng đã vượt qua mối quan hệ kinh tế từ lâu rồi, chúng tôi như người nhà.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Sinh năm 1973 tại Sài Gòn, Trần Vi Mỹ là con út trong gia đình có sáu anh em. Từ lúc còn là nhân viên ngân hàng, anh đã có một công ty chuyên tổ chức sự kiện. Khi Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn trong sự kiện của công ty này, nam ca sĩ đã chứng kiến “ngón nghề độc” của anh và mời Trần Vi Mỹ đạo diễn cho liveshow Hồng Ngọc. Hiện tại, Trần Vi Mỹ vẫn chưa thôi công việc phân tích tài chính. |
VÕ HÀ