​ĐD Phan Quốc Kiệt: Áp lực lớn nhất là chính mình

20/04/2013 - 05:52

PNO - PNO - Là một trong những gương mặt đạo diễn (ĐD) trẻ hiếm hoi của sân khấu cải lương, nhưng từ sau vở Một ngày bên mẹ (2007), Phan Quốc Kiệt (Nhà hát Trần Hữu Trang) bỗng dưng “mất hút”.

Trở lại sau năm năm, anh đã tạo những ấn tượng tốt với vở Tiếng vạc sành tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Ở cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ 2013 diễn ra từ 22/4 đến 2/5 sắp tới, anh cũng là một trong năm ĐD trẻ ở lĩnh vực cải lương dự thi bằng tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ: Trái tim trong trắng.

* ​Được đánh giá khá tốt sau Tiếng vạc sành, anh có bị áp lực khi bắt tay vào dàn dựng Trái tim trong trắng?

​DD Phan Quoc Kiet: Ap luc lon nhat la chinh minhĐạo diễn Phan Quốc Kiệt: Áp lực lớn nhất của tôi là chính mình - phải làm sao tìm được cho mình lửa nghề, cảm xúc và nỗi khát khao được làm nghề sau năm năm chuyển sang làm công tác biên tập và quản lý. Tôi từng mất phương hướng và hụt hẫng khi làm Tiếng vạc sành. Để tìm cảm xúc và định hướng cho bản thân tôi đã về miền Tây để sống gần gũi với không khí, với cuộc sống miền quê Nam bộ và hiểu hơn cảm xúc, suy nghĩ của những người dân nơi đây. Tôi không nghĩ mình thành công với Tiếng vạc sành mà chỉ dám nói vở này giúp tôi tự tin hơn, hiểu mình hơn để tiếp tục thực hiện những tác phẩm tiếp theo.

So với Tiếng vạc sành, tôi hoàn toàn không bị áp lực gì khi dựng Trái tim trong trắng. Đây là vở diễn nằm trong kế hoạch dàn dựng và biểu diễn của Nhà hát, hơn nữa chúng tôi đã có “đơn đặt hàng” cho vở đề tài này. Mục đích chính khi tôi dựng Trái tim trong trắng là để biểu diễn, không phải để thi thố nên không lo lắng nhiều, chỉ biết tâm niệm là cố gắng làm hết mình để được khán giả đón nhận. Chỉ khi xem lại tôi mới bị áp lực vì chưa cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm.

* Dù được đánh giá tốt nhưng Tiếng vạc sành lại không có nhiều cơ hội đến với công chúng. Anh nghĩ gì về việc các tác phẩm dự liên hoan về chỉ để…cất kho?

- Với Tiếng vạc sành, tôi chỉ được mời với tư cách là đạo diễn dựng vở. Kế hoạch biểu diễn tôi không thể quyết định hay can thiệp mà phụ thuộc vào ban lãnh đạo của Đoàn 1. Thông thường các vở diễn tham gia các cuộc liên hoan được đầu tư hoàn chỉnh từ khâu chọn kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, âm nhạc... nên hầu hết được đánh giá cao về mặt chuyên môn cũng như về chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên để được công chúng đón nhận cần phải phù hợp với thị hiếu công chúng.

Tiếng vạc sành cũng là thuộc đề tài nóng, dễ xem, tuy nhiên cũng do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan làm cho vở ít có cơ hội được biểu diễn. Khâu tổ chức biểu diễn còn nhiều khó khăn trong việc bán vé cũng như tìm hợp đồng biểu diễn ở các địa phương, tỉnh thành... Không chỉ riêng Tiếng vạc sành mà nhà hát còn có nhiều vở tốt (trong đó có các vở tham gia các liên hoan), bảo đảm về chất lượng cũng như nội dung nhưng do thiếu tổ chức biểu diễn cũng như quảng bá nên ít có điều kiện phục vụ khán giả hoặc diễn nhiều nơi.

* Những khó khăn, áp lực lớn nhất mà các ĐD trẻ như anh hiện nay phải vượt qua là gì?

- Trong các cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, hơn 50% các đoàn đều mời những ĐD có tên tuổi, kinh nghiệm tham gia công tác dàn dựng cũng như cố vấn nghệ thuật. Điều này khiến những ĐD trẻ ít có cơ hội được thử sức mình trong những cuộc chơi lớn và tạo lòng tin cho các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, ĐD trẻ còn phải đối mặt với không ít khó khăn khác như: áp lực từ nhà sản xuất, từ các nghệ sĩ đã quen với phong cách làm việc của các ĐD lớn. Không ít nghệ sĩ không mấy tin tưởng vào khả năng sáng tạo cũng như phong cách dàn dựng mới. Điều này đòi hỏi ĐD trẻ phải nỗ lực hết mình để vừa tạo lòng tin cho diễn viên, vừa phải bản lĩnh để đủ sức thuyết phục nghệ sĩ và nhà sản xuất, bảo vệ tư duy, ý tưởng của mình.

Những năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều ĐD trẻ trong lĩnh vực kịch nói. Họ đã và đang khẳng định tên tuổi, phong cách của mình, nhưng ở cải lương thì lại khá hiếm. Tôi cho rằng để làm tốt trong công tác dàn dựng đòi hỏi người ĐD phải biết về cải lương, hiểu được bài bản, tính chất, những phong cách đặc trưng của cải lương trong khi đó cơ hội được dàn dựng lại không nhiều. Ngay như Nhà hát Trần Hữu Trang một năm cũng chỉ dàn dựng từ 2 - 4 vở mà thôi. Ngoài ra còn những yếu tố khác cũng ảnh hưởng rất nhiều trong công tác dàn dựng như: kinh phí hạn chế, điều kiện sân khấu hiện đại chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu trong sáng tạo nghệ thuật.

* Nhiều người vẫn hay kêu ca ĐD trẻ của sân khấu cải lương bây giờ có quá ít vốn liếng và sự am hiểu về nghệ thuật cải lương nên dựng cải lương thiếu chất cải lương. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi vẫn ủng hộ các ĐD trẻ dàn dựng theo tiết tấu, phong cách của kịch nói. Điều đó phù hợp với khán giả trẻ hiện nay. Tôi thích các tác phẩm mang tính “đột phá” nhưng vẫn phải giữ đặc trưng của cải lương. Riêng bản thân, tôi biết để làm tốt vai trò của mình tôi cần phải học hỏi nhiều lắm. Những gì trên ghế nhà trường chỉ là cơ bản, tôi còn phải tìm tòi những tư liệu, thực tế cuộc sống, học từ những nghệ sĩ đi trước, các bậc lão thành nhiều kinh nghiệm. Tôi hiểu vốn sống, kiến thức của tôi cũng chưa đủ đầy. Tôi vẫn còn phải học nhiều hơn nữa bởi tình yêu nghề, sự đam mê hy sinh và cống hiến để giữ được lửa nghề là điều kiện cần nhưng chưa đủ với những người làm nghề chúng tôi trong điều kiện xã hội phát triển và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày càng cao như hiện nay.

* Các kỳ liên hoan, hội diễn khi khép lại luôn để lại nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều và cả những nỗi thất vọng, nuối tiếc cho giới làm nghề. Tâm trạng của anh ra sao khi đứng trước cuộc thi lần này?

- Tôi yêu mỗi mùa hội diễn vì đó là dịp để anh em nghệ sĩ chúng tôi được gặp gỡ, học hỏi, ủng hộ cho nhau và chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc đời làm nghệ thuật. Băn khoăn, lo lắng trước các kỳ liên hoan, hội diễn là chuyện của muôn thuở. Nhưng suy cho cùng, những ý kiến tranh cãi cũng như nỗi thất vọng rồi cũng sẽ tan vào quá khứ, cái quý giá nhất là trong thời buổi đầy khó khăn của cải lương là lửa nghề vẫn giữ trong mỗi người nghệ sĩ. Tôi chờ đợi và hy vọng cuộc thi thực sự là cơ hội để lớp ĐD trẻ chúng tôi học được những bài học giá trị cho công tác ĐD.

* Ở cương vị là phó Đoàn 3 - Nhà hát Trần Hữu Trang, trong tình hình khó khăn chung của sân khấu cải lương hiện nay, anh có nghĩ đến giải pháp nào để đưa cải lương đến gần với khán giả trẻ và kéo nghệ sĩ gần hơn với công chúng?

- Trong thời gian qua tôi cùng anh em trong Đoàn đã nỗ lực rất nhiều và những cố gắng của chúng tôi cũng ít nhiều đã được đền bù. Hiện chúng tôi đã có một lượng khán giả ủng hộ khá ổn định trong các suất diễn. Họ hiểu được tâm huyết của nghệ sĩ trẻ chúng tôi và cả những gian nan, vất vả mà chúng tôi đã đối mặt. Hạnh phúc hơn khi trong số khán giả, cộng tác viên của Đoàn 3 còn có cả những bạn sinh viên trẻ. Các bạn hỗ trợ chúng tôi về tinh thần, tự nguyện phụ giúp cho đoàn một số công việc nho nhỏ và nỗ lực giới thiệu cải lương đến với bạn bè của mình. Bên cạnh đó, trong năm nay chúng tôi sẽ tổ chức những buổi giao lưu để kéo nghệ sĩ và khán giả trẻ đến gần với nhau hơn. Chương trình bán vé qua mạng và giảm giá vé cho HSSV vẫn tiếp tục được thực hiện. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên trang wep thapsangniemtin.net để giới thiệu rộng rãi thông tin, hoạt động của đoàn nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.

* Làm nghề với quá nhiều khó khăn, có bao giờ anh cảm thấy nản?

- Nghề nào cũng có những khó khăn nhất định. Thật ra có những lúc tôi mệt mỏi, muốn buông xuôi… Nhưng tôi tin vào duyên phận. Tổ nghiệp đã chọn cho tôi nghề này và tôi cứ thắp sáng niềm tin mà đi tiếp. Cha mẹ là nghệ sĩ, từ nhỏ tôi đã gắn bó với sân khấu cải lương đã quen với tiếng đàn, tiếng ca và ánh đèn sân khấu. Tôi trân quý nghề nghiệp của cha mẹ và yêu cải lương bằng chính tình yêu mà cha mẹ đã truyền lại cho tôi. Có lẽ đó là những điều níu giữ tôi với cải lương dù biết con đường mình đi sẽ còn nhiều khó khăn.

THẢO VÂN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI