ĐD Phan Hoàng: “Tôi luôn giữ cho mình một chữ tâm”

23/06/2013 - 03:34

PNO - PNCN - Lần đầu tiên một bộ phim truyện về đề tài lịch sử phát trên khung giờ mà người xem còn kẹt xe ngoài đường (17g30 mỗi ngày trên HTV9) đã đạt kỷ lục với 18 spot quảng cáo. Người đưa Bình Tây Đại nguyên soái đạt kỷ lục...

Năm 1984, khi còn là phóng viên Đài Truyền hình Cà Mau, người ta đã thấy cái tên Phan Hoàng nổi lên cùng với một loạt phim tài liệu điều tra xung quanh việc bảo vệ rừng ngập mặn ở miền đất cuối trời Tổ quốc. Bẵng đi một thời gian, năm 1993, Phan Hoàng xuất hiện trở lại với bộ phim chiếu rạp Chuyện tình Mỵ Châu (cộng tác với Phương Nam phim), khởi đầu cho niềm đam mê phim lịch sử của mình. Ít lâu sau, năm 2000, khi bộ phim Giao thời phát sóng, cái tên Phan Hoàng trở thành mục tiêu “lên án” của truyền thông, bởi đã “bôi xấu chế độ và coi thường phụ nữ”. Suốt thời gian dài ông co mình chịu trận búa rìu dư luận.

Và rồi với lần trở lại này, Phan Hoàng được nhắc đến với tư cách giám đốc một hãng phim tư nhân chuyên làm các chương trình thời sự nông thôn, sản xuất phim truyền hình đề tài lịch sử. Giờ đây, sau thành công của Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Phan Hoàng đang gây “sóng gió” cùng Bình Tây Đại nguyên soái - bộ phim lịch sử trong sê-ri phim “anh hùng miền Tây” của ông.

DD Phan Hoang: “Toi luon giu cho minh mot chu tam” 

Ngoài cái tâm, nhà báo luôn cần dũng khí

* Sau hơn 30 làm nghề, với đủ vị trí, chức danh... anh nghĩ thế nào về nghề báo của mình?

- Bằng thực tế, tôi cho rằng đây là một nghề sòng phẳng nhất trong các nghề. Người làm báo không giấu diếm được khả năng và cái tâm của mình trước độc giả hoặc khán giả. Ngôn từ trên bài viết, hình ảnh trên những thước phim phơi bày hết trình độ tri thức, vốn sống của mình trước sự kiện mà mình muốn thông tin. Những người chọn nghề báo để dấn thân, ngoài những yếu tố cơ bản của nghề nghiệp cần thêm dũng khí của một hiệp sĩ hành đạo. Chỉ khi có dũng khí thì ngòi bút mới không bị bẻ cong, lẽ phải mới được khẳng định, công bằng mới được giám sát, thực thi. 

* Cà Mau là hai từ anh luôn đau đáu trong lòng, đã trở thành máu thịt, sao anh lại bỏ quê để đi làm nghề ở phương xa?

- Tôi không muốn như vậy. Nhưng đây là một thách thức cụ thể về cái gọi là dũng khí của nhà báo. Năm 1981, khi là sinh viên năm hai, sau vụ cháy rừng lớn nhất Việt Nam tại quê hương mình, trong chuyến đi thực tế, tôi viết loạt bài phóng sự điều tra về sự bất hợp lý trong cách quản lý rừng ngập mặn Cà Mau. Tuy là bài viết của một phóng viên thực tập nhưng không tờ báo địa phương nào dám đăng, bởi nội dung dám đề cập thẳng đến những sai lầm nghiêm trọng của địa phương trong việc bảo vệ rừng. May là có một nhà báo đàn anh, là đồng hương - anh Trần Thanh Phương - Phó Tổng biên tập tờ Đại Đoàn Kết - lúc bấy giờ hiểu và chia sẻ nên đã đăng loạt bài phóng sự hai kỳ này với tựa đề Hãy chung thủy với rừng. Bài viết đã đánh động được dư luận xã hội, nhưng đồng thời tôi đã phải trả giá bằng sự lạnh nhạt của chính quyền địa phương. Năm 1986, khi là phóng viên truyền hình Cà Mau, tôi thực hiện bộ phim phóng sự tài liệu Chuyện rừng mắm, kể về anh thương binh Lâm Việt Bắc, phản ứng trước dự án hủy diệt rừng mắm ở địa phương. Bộ phim như một lời phản biện xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng phim không được phổ biến và khi ấy tôi cũng tự biết mình hết đường... tại quê nhà, đành ly hương để dấn thân theo nghề .

DD Phan Hoang: “Toi luon giu cho minh mot chu tam” 

* Hiện bộ phim Giao thời do anh thực hiện từ năm 2000 đang phát sóng trở lại. Những vấn đề xã hội được đặt ra trong bộ phim giúp người xem hiểu thêm một giai đoạn chuyển mình của đất nước. Nhưng Giao thời cũng là bộ phim đã khiến đạo diễn Phan Hoàng lận đận một thời gian dài. Bây giờ xem lại phim, nhiều người vẫn thấy chất nhà báo trong những thước phim đầy hiện thực đó, chắc anh hãnh diện về đứa con tinh thần của mình?

- Năm 2001, 20 tập phim của Giao thời được chiếu đầu tiên trên kênh HTV7. Bộ phim nói về cuộc sống của một gia đình cán bộ về hưu có ba cô con gái trưởng thành. Từng sống trong thiếu thốn suốt thời bao bao cấp, nên khi mở cửa ai cũng muốn đổi đời. Đó là tâm lý bình thường và rất điển hình trong giai đoạn giao thời. Vậy nhưng khi phim chiếu, đã có những ý kiến theo kiểu nâng quan điểm, quy chụp chứ không phải chỉ ra những vấn đề thuần nghiệp vụ để rút kinh nghiệm hoàn thiện kỹ thuật làm phim. Tôi biết làm đạo diễn là làm dâu trăm họ, tôi sẵn sàng tiếp thu ý kiến nhiều chiều để hoàn thiện mình. Không có cơ hội, và đúng hơn tôi cũng không muốn tranh luận. Tôi chỉ biết im lặng, cô đơn cùng cơn bệnh hiểm nghèo của mình nhưng vẫn luôn tin rằng thời gian sẽ chứng minh ai đúng ai sai.

Nhắc lại chuyện cũ, tôi thật sự mang ơn anh Mã Diệu Cương, Phó tổng giám đốc phụ trách nội dung của HTV lúc bấy giờ, dù sóng gió dư luận đầy bất lợi cho HTV nhưng anh vẫn “lì đòn” cho phát sóng. Kết quả đây là bộ phim truyền hình có số người xem cao nhất năm ấy. Đầu tư ba tỷ, trong đợt phát sóng đầu tiên, Giao thời đã giúp HTV thu về bảy tỷ. Nhưng quá nhiều lời phê bình nên bộ phim đành xếp xó. Mãi đến bốn năm sau, khi VTV1 chính thức phát sóng trên phạm vi toàn quốc thì các đài địa phương mới rộ lên chiếu theo. “Oan Thị kính” được giải tỏa. Bây giờ, Giao thời đang được chiếu lại, vẫn rất thu hút người xem, đương nhiên là tôi vui và hãnh diện rồi.

DD Phan Hoang: “Toi luon giu cho minh mot chu tam” 

Đừng nhìn phim lịch sử bằng con mắt phim giải trí

* Phim Bình Tây Đại nguyên soái đang được phát sóng trên truyền hình, thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả khắp nơi trong cả nước. Ngoài anh hùng Nguyễn Trung Trực (2011), anh hùng Trương Định (2012) đã lên sóng, được biết trong tay anh hiện có nhiều kịch bản về các nhân vật anh hùng lịch sử - văn hóa như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Thủ khoa Huân, Thiên Hộ Dương... có vẻ như anh đã chọn đúng hướng đi cho hãng phim của mình?

- Giới trẻ đang có lỗ hổng lớn về lịch sử Việt Nam. Hôm 19/5, trên chương trình Chiếc nón kỳ diệu của VTV3, bảng chữ hiện hết ra, chỉ còn thêm thao tác bỏ dấu vô nữa là hoàn thành vậy mà cả ba thí sinh đều không nói đúng “trống đồng Ngọc Lũ”. Khi casting phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tôi hỏi một người mẫu nam khá phù hợp với gương mặt tôi kiếm tìm, rằng em biết Nguyễn Trung Trực là ai không? Cậu ấy trả lời hình như đó là vị vua đầu tiên của Việt Nam!... Lỗ hổng này nguy hại vô cùng, nếu không hiểu về lịch sử cha ông thì sao mang bản sắc dân tộc, làm sao định hướng được tương lai. Chọn dòng phim lịch sử, không phải tôi có ý tưởng cao siêu mà chỉ mong nhặt nhạnh tư liệu, tìm hiểu và làm lại một phim có ý nghĩa cho xã hội. Hơn nữa, phim sử không có “đát”. 5 năm, mười năm... bất cứ lúc nào cũng có thể chiếu lại để giúp cho con người hiểu thêm lịch sử dân tộc mình. Quả thật, sau Anh hùng Nguyễn Trung Trực, thì Bình Tây Đại nguyên soái đang được dư luận phản hồi rất tốt. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng đường, làm đúng mong muốn. 

* Để hoàn tất một bộ phim lịch sử phải mất khá nhiều thời gian. Nói như anh, khâu chuẩn bị mất sáu tháng, thêm từ tám đến mười tháng để quay, sau đó gần nửa năm để làm hậu kỳ. Tức, để ra đời được 40 tập phim, anh phải mất hai năm, trong khi nếu chọn dạng phim tâm lý xã hội hiện đại, mỗi năm anh có thể làm một trăm tập phim. Kinh doanh như thế này liệu hãng phim Cửu Long tồn tại... bền vững không?

- Đúng là lợi nhuận không bao nhiêu. Bởi vì, hai năm trời mình ngâm máy móc, thiết bị, xe cộ, con người... mà hai năm sau mới thu hồi khoản tiền bỏ ra. Tôi lại muốn lịch sử của mình được tái hiện đúng như những gì đã có để kích thích tình yêu nước. Nhưng quay những cảnh đánh nhau cho hoành tráng thì tiền bỏ ra bao nhiêu cho vừa... mà làm sơ sài thì khán giả không chấp nhận, nhà đài không chấp nhận. Để quay cảnh năm 1850, toàn bộ phục trang, đạo cụ phải làm mới hoàn toàn. Chỉ riêng quấn khăn trên đầu cho 100 diễn viên quần chúng mình cũng phải kiểm tra từng người một. Nhưng lợi nhuận lớn nhất mà tôi có chính là tác phẩm phim sử để đời. Đúng là số tiền bỏ ra sau hai năm mới lấy lại được, việc quay vòng vốn như thế là chậm, nhưng mình vui là có việc làm ý nghĩa cho những người khác. Chỉ tính riêng trong tám tháng quay, đã có hơn 5.000 người tham gia vai quần chúng, mà làm xong ngày nào có tiền ngày nấy. Để có hơi theo đuổi dòng phim về đề tài lịch sử, tôi còn làm thêm ba chương trình truyền hình theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Tôi tin tâm huyết của mình sẽ truyền được lửa cho nhiều người cộng tác, họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, nếu có, và điều đó là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển một cách bền vững.

DD Phan Hoang: “Toi luon giu cho minh mot chu tam”

Đạo diễn Phan Hoàng chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trên phim trường 

* Vạn sự khởi đầu nan. Người đi tiên phong bao giờ cũng thiệt thòi. Từ thực tiễn cọ xát của anh trong thời gian làm phim lịch sử, anh thấy vấn đề nào gây khó khăn khiến dòng phim này không phát triển mạnh được?

- Thật ra, mình cũng từng có nhiều phim lịch sử được đầu tư rất cao. Như Đại thắng mùa xuân, Con thuyền không số, Huyền thoại 1C... nhưng những phim này được bao cấp và tiếng vang cũng không được như mong đợi. Nếu xem việc làm phim sử là trách nhiệm của những người làm truyền thông với lịch sử, với dân tộc thì đừng đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Hiện nay, trừ HTV, tất cả các đài truyền hình, kể cả VTV, đều có quan niệm cực kỳ sai lầm là... họ nhìn thể loại phim sử bằng con mắt phim giải trí truyền hình. Cho nên luôn đặt vấn đề đầu tư phim sử dưới góc nhìn của quảng cáo. Mà muốn làm quảng cáo thì “rating” phải cao, nhưng làm sao cao được khi kết quả phim biết trước rồi, ông Nguyễn Trung trực chết vì bị chặt đầu, ông Trương Định khởi nghĩa thành công rồi bị Huỳnh Công Tấn phản bội... tất cả đã biết trước rồi coi gì nữa, chỉ có một số người lớn tuổi người ta coi để nhớ lại hồn quê... phim sử nhiều người không xem cũng chiếu cho họ xem, lâu ngày nó thấm vào người... chứ bây giờ đòi hỏi phim lịch sử phải có “rating” như phim giải trí thì các hãng làm phim sử sẽ chết dần chết mòn. Cá nhân tôi, hai năm làm một phim lịch sử. Mà lịch sử mình có mấy ngàn năm, chỉ có Cửu Long làm thì biết chừng nào. Do vậy, cần thống nhất quan điểm: đừng nhìn phim lịch sử bằng con mắt của phim giải trí truyền hình, để nhiều hãng phim mạnh dạn đầu tư... 

* Xin cám ơn ông!

Nguyễn Thiện (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI