ĐD Nguyễn Khắc Huy: “Bạo lực trong phim Việt có thể bị hiểu sai”

01/08/2013 - 02:59

PNO - PN - Theo học điện ảnh ở trường International Film school Sydney, Úc (IFSS), năm 2011 về VN tham gia dự án 89600km+… của hãng Blue Productions, làm phim ngắn Chuyện tào lao, rồi đến phim truyện đầu tay Đường đua, cái tên đạo diễn Nguyễn Khắc...

DD Nguyen Khac Huy: “Bao luc trong phim Viet co the bi hieu sai”

* Đường đua cuối cùng cũng được ra rạp nhưng số phận cũng gian nan không kém Bụi đời Chợ Lớn khi bị yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần. Hỏi thật, lúc biết Bụi đời Chợ Lớn chỉnh sửa vẫn bị cấm chiếu, anh có lo “đứa con tinh thần” của mình cũng chung số phận?

- Sau khi phim đóng máy toàn thể ê kíp đều hốc hác, sụt cân. Bản thân tôi cũng mất 5kg. Thú thật là tôi đã trải qua một thời gian hoang mang đến suy sụp tinh thần khi Đường đua không thể ra rạp, phải chỉnh sửa nhiều lần. May là bên cạnh tôi có nhiều người quyết liệt đầy tâm huyết.

* Khi bắt tay vào làm, anh có nghĩ phim mình sẽ gặp khó ở khâu kiểm duyệt vì nội dung bạo lực không? Anh nghĩ gì về bạo lực trên phim ảnh? Có rất nhiều đề tài, sao nhất thiết phải làm phim đánh đấm?

- Khi viết kịch bản Đường đua, tôi có tham khảo ý kiến của một số người đi trước và cả Luật Điện ảnh. Trong quá trình sản xuất, tôi cố gắng giữ đúng giới hạn mà Luật Điện ảnh hiện nay cho phép. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực trong phim Việt có thể đang bị hiểu sai. Thẳng thắn mà nói thì không có đạo diễn nào muốn cổ xúy bạo lực, kêu gọi mọi người đâm chém nhau. Đôi khi muốn ngăn chặn bạo lực, chúng ta cần phải trải nghiệm hậu quả của nó. Giống như việc sử dụng những hình ảnh tai nạn giao thông để cảnh báo trên các tuyến đường nguy hiểm. Đó là quan điểm của tôi khi thực hiện Đường đua. Với tôi, làm phim không phải là kể chuyện mà là dẫn dắt khán giả đến một thế giới họ chưa biết tới và để chính họ tự trải nghiệm trong thế giới đó. Tất nhiên, điện ảnh có nhiều thể loại, nhiều phong cách, nhiều trường phái, cũng như mỹ thuật, văn học. Thử tưởng tượng, nếu như âm nhạc chỉ có nhạc cổ điển hoặc chỉ có rock thì sẽ như thế nào.

* Sự cố kiểm duyệt có giúp anh rút ra bài học kinh nghiệm nào cho lần làm phim sau? Anh nghĩ gì về vấn đề kiểm duyệt phim ở ta?

- Vấn đề kiểm duyệt là một trong những đề tài rất đáng quan tâm của điện ảnh Việt. Tôi tin cơ quan quản lý đang và sẽ có những động thái tích cực trong việc phát triển nền điện ảnh nước nhà. Dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh mới đây là một minh chứng. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần Luật Điện ảnh chi tiết, rõ ràng hơn. Điện ảnh Việt không thiếu tài năng, nếu không nói là khá nhiều. Quan trọng là không gian sáng tạo của những người làm nghệ thuật cần được mở rộng.

* Bàn về nội dung phim, có một số điểm người xem chưa thấy thỏa mãn lắm, hình ảnh ánh sáng xanh phát ra từ va li phải chăng chỉ là cách gây tò mò, hóa giải tất cả những điểm còn bất hợp lý trong đường dây kịch bản?

- Tôi vẫn nghĩ con người rất nhỏ bé. Có quá nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thế giới mà tôi muốn tạo ra trong Đường đua cũng vậy, với những thân phận nhỏ bé hoang mang không định hướng. Tôi đã muốn xây dựng các tình tiết vượt tầm kiểm soát của Lộc, ập đến một cách tự nhiên nhất. Các trường đoạn sẽ là các mắt xích liên kết lại với nhau. Tiếc là sau khi chỉnh sửa, nó không còn giữ được mạch ban đầu. Nối tiếp A đúng ra phải là B thì giờ lại là E, “E+” rồi “D+”. Nói vậy không có nghĩa khiếm khuyết không phải do tôi. Lỗi lớn nhất ở phía tôi là đã chấp nhận thỏa hiệp mà còn thiếu trách nhiệm với sự thỏa hiệp của mình. Chi tiết ánh sáng xanh là chủ đích của tôi. Cái giỏ đen Tarantino là một phần của cả chuỗi mắt xích. Còn cái gì ở bên trong đó thì tôi cũng có nói qua trong phim. Nó đáng giá nhiều hơn 100 triệu mà nhân vật của Quý Bình sẵn sàng trả cho Lộc để chở anh đi, thậm chí, hơn cả mạng sống của nhiều người. Nó có thể cho Lộc một lối thoát khi anh nhìn thấy nó và quyết định chôn xác của ba người để giữ cái giỏ cho mình. Còn cụ thể là gì tôi xin được giữ lại lúc này, vì cái cụ thể đó là mắt xích để nối Đường đua với một “thế giới” khác và nó không ảnh hưởng gì đến các mắt xích còn lại.

* Theo anh, những khó khăn nào các đạo diễn trẻ thường gặp phải khi muốn được nhà sản xuất tin tưởng giao phim cho làm? Con đường làm phim độc lập có phải là cách duy nhất để các đạo diễn trẻ có được nguồn tiền để làm phim đầu tay?

- Khó khăn lớn nhất của người làm phim trẻ chính là ở tuổi đời của họ. Xưa nay, luôn có quan niệm là đạo diễn phải lớn tuổi. Một số đạo diễn 35 - 40 tuổi vẫn được gọi là “đạo diễn trẻ”. Vì điện ảnh là môn nghệ thuật tốn kém cả về tiền bạc, thời gian và nhân lực, đầu tư trong điện ảnh lại đầy rủi ro nên chỉ khi nào khán giả bắt đầu nhàm chán với những giá trị cũ thì cơ hội mới “rụt rè” đến với những người trẻ. Tuy nhiên, hiện thế giới đã thay đổi rất nhiều. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin mở ra một kỷ nguyên số. Điều này ảnh hưởng đến điện ảnh một cách tích cực, đặc biệt là với sinh viên hoặc những người yêu điện ảnh. Dòng phim độc lập một phần cũng vì thế mà ra đời. Theo kinh nghiệm bản thân, để làm phim, phải nắm bắt tất cả các cơ hội, tìm đến tất cả các kênh và từng bước thực hiện mục tiêu đề ra. Tất nhiên là trong bối cảnh tình hình tài chính chung không mấy sáng sủa hiện nay thì cũng phải cân nhắc vấn đề hạn mức kinh phí.

* Cám ơn anh.

 Nguyễn Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI