ĐBSCL nên chủ động đầu tư hạ tầng xanh

18/12/2024 - 16:10

PNO - Sáng 18/12, tại An Giang đã diễn ra phiên toàn thể của diễn đàn Mekong Connect 2024 với chủ đề “Nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực cho liên kết bền vững vùng ĐBSCL - TPHCM và cả nước”, thu hút hơn 600 đại biểu tham dự.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng để kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các địa phương trong vùng nên chủ động làm việc nhiều hơn những nơi đã là trung tâm phát triển trước mình như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… để xem những lĩnh vực gì có thể chuyển dịch được để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chuẩn bị thêm về các mặt hạ tầng cần thiết cho nhà đầu tư, ngoài lĩnh vực giao thông thì chú ý hạ tầng điện trên cơ sở xanh.

Đầu tư hạ tầng điện xanh một trong những giải pháp để kêu gọi đầu tư tại vùng ĐBSCL - Ảnh Phú Hữu
Đầu tư hạ tầng điện xanh một trong những giải pháp để kêu gọi đầu tư tại vùng ĐBSCL - Ảnh: Phú Hữu

Nếu đảm bảo được cung cấp nguồn điện xanh thì nhiều nhà máy về dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ đầu tư tại khu vực ĐBSCL. Hiện tại và tương lai, đa phần các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng sang các thị trường lớn như châu Âu hay Bắc Mỹ, đều phải chứng minh sử dụng năng lượng xanh. Trong khi đó, ĐBSCL có thế mạnh trong phát triển các ngành năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời… sẽ dễ mời gọi đầu tư.

Ý kiến từ một số chuyên gia khác cho rằng, để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hướng bền vững, ĐBSCL cần phải quy hoạch định hướng - đầu tư; định hướng tích hợp dựa trên nguyên tắc bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường; chú trọng đầu tư hệ thống canh tác trong nông nghiệp - đổi mới công nghệ...

Ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - bày tỏ: “An Giang sẵn sàng hợp tác và chia sẻ có trách nhiệm với tất cả các bên trong tất cả các lĩnh vực từ việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hợp tác phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh yếu tố liên kết vùng, phát triển các hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM phát biểu - Ảnh CTV
Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM phát biểu - Ảnh: CTV

Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - cho biết, để hoạt động liên kết vùng thực chất và hiệu quả cao trong bối cảnh mới, TPHCM với nhiều điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu. Nhất là trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các chiến lược đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho ĐBSCL và các địa phương trong cả nước.

Trong đó, ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư như: chú trọng phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng hạ tầng cả đường bộ, đường thủy, cảng biển, sân bay và các hệ thống logistics, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, cầu cảng, hệ thống kho bãi hiện đại để giảm chi phí vận tải và thời gian vận chuyển hàng hóa; nghiên cứu, khai thác các phương thức vận tải để phát triển du lịch kết hợp với phát triển giao thương hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thiện hạ tầng, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ địa phương.

Các địa phương cần tăng cường các hoạt động quảng bá tiềm năng và lợi thế của khu vực, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước; TPHCM sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng ĐBSCL, tạo động lực đồng hành chính quyền đối với các doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh, thành.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI