Đó là thông tin được các Bộ ngành hữu quan cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố tại cuộc họp về “Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo” do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì vào ngày 27/2 tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Giá lúa tăng nhẹ nhưng nông dân vẫn nặng lòng vì lợi nhuận chưa đạt mức 30% như quy định của Chính phủ
Giá lúa tăng nhẹ… nông dân nặng lo
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 400 ngàn/1,53 triệu ha vụ Đông xuân 2012-2013 với năng suất khoảng 66,5 tạ/ha. Từ ngày 20/2, đã có 119 đơn vị được phân bổ chỉ tiêu, trong đó thành viên của Hiệp hội lương thực (VFA) có 97 đơn vị, đã triển khai thu mua lúa tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 25/2, đã có 62 đơn vị báo cáo về VFA thu mua được 102.000 tấn quy gạo, qua đó đã tác động giá lúa tăng nhẹ trở lại so với đầu vụ.
Cụ thể, giá lúa bình quân (lúa tươi) dao động từ 4.350-4.400đ/kg (lúa thường), 4.600-4.900đ/kg (lúa chất lượng cao) và 5.200-5.300đ/kg đối với lúa thơm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc tiêu thụ lúa trong dân hiện vẫn còn bất cập và phần lớn nông dân vẫn khó đạt được lợi nhuận 30% như chỉ đạo của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ lúa chưa tương xứng với sản lượng, thời hiệu mua tạm trữ có trễ so tiến độ thu hoạch….Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Vụ Đông Xuân, Đồng Tháp gieo sạ 208.267ha, với năng suất bình quân, nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp (DN)) được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ 58.000 tấn gạo. Trong khi đó, hiện toàn tỉnh còn đến 9 DN đã đáp ứng được các quy định của Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo”.
Theo ông Dương, so với giá thành sản xuất ở Đồng Tháp do Bộ Tài chính công bố là 4.160đ/kg, thì nhiều nông dân khó tiếp cận được mức lãi 30% do trên thực tế diện tích lúa thường (bán với giá 4.350-4.400đ/kg) chiếm tỷ lệ khá lớn. Mặt khác, cũng như nhiều tỉnh vùng đầu nguồn, Đồng Tháp sẽ thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân 2012-2013 rất sớm (trong tháng 2/2013) vì vậy việc mãi đến ngày 20/2 mới triển khai thu mua tạm trữ, đã đẩy nhiều nông dân đứng ngoài vòng chính sách hỗ trợ.
Cá tra: Người nuôi lỗ, doanh nghiệp khổ
Trong khi đó việc sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn chồng chất từ năm 2012, gây bất lợi cho cả người nuôi, nhà xuất khẩu cá và nhà máy chế biến thức ăn. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2012, tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu diễn ra vô cùng phức tạp: Sau thời gian tăng cao ở những tháng đầu năm với mức giá 26.500-28.500đ/kg, giá cá đã liên tục lao dốc, có thời điểm xuống còn 18.000đ/kg. Hiện nay tuy giá cá có tăng trở lại: 19.200đ-23.500đ/kg, nhưng người nuôi vẫn lỗ từ 2.000đ - 5.000đ/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thức ăn tăng thêm 7.000-1.200đ/kg, mặt khác do cá bị bệnh bởi vi khuẩn (gan thận mủ, trắng mang, xuất huyết), ký sinh trùng (sán lá gan, tích bào tử)… gây chết rải rác.
Cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều đang gặp khó khăn
Tình hình người nuôi cá gặp khó khăn, phải treo ao, bỏ nghề cùng với việc khó khăn trong vay vốn ngân hàng… đã ảnh hưởng trực tiếp đến 96 nhà máy chuyên chế biến thức ăn cho cá tra. Trong bối cảnh này, có không ít DN “tung chiêu” cạnh tranh thiếu lành mạnh, như: không tuân thủ về công bố hàm lượng đạm tiêu hóa trong thức ăn cũng như hàm lượng đạm thấp hơn so với công bố trên nhãn mác sản phẩm. Điều này đã khiến cho việc nuôi cá vốn đã khó càng lún sâu vào… khổ. Trong khi đó, bản thân các DN chế biến cá xuất khẩu cũng đang đứng bên bờ vực thua lỗ. Hiện toàn vùng có 70 DN có nhà máy chế biến cá, nhưng chỉ 5 nhà máy có công suất chế biến trên 100 tấn/ngày, trong khi đó có tới 40 nhà máy có mức sản xuất dưới 100 tấn/ngày, và 50% trong số này có mức sản xuất dưới 30 tấn cá nguyên liệu/ngày và đang hoạt động cầm chừng vì thua lỗ.
Trong khi đó các DN lớn vẫn chế biến sản phẩm thô, sơ chế, giá trị gia tăng chiếm tỷ lệ thấp nhất trong các mặt hàng chủ lực (1-5% sản phẩm giá trị gia tăng) nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đã vậy, lại phải đối mặt với việc cạnh tranh không lành mạnh về giá trong chào bán cho các nhà nhập khẩu nước ngoài nên ngày càng khó khăn hơn.
Những kỳ vọng từ đề xuất…
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, để việc thu mua tạm trữ lúa đạt được mục tiêu hỗ trợ nông dân lãi tối thiểu 30%, bên cạnh việc phát huy yếu tố tích cực của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” để hướng tới sản xuất quy mô lớn, giá thành thấp-chất lượng cao-giá trị lớn nhằm rộng đường tiêu thụ trong và ngoài nước … tới đây Chính phủ cần ban hành cơ chế thu mua lúa sớm hơn để các địa phương chủ động thực hiện sát với tiến độ thu hoạch tại từng địa phương. Mặt khác, nên hợp lý hóa việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa tương xứng với sản lượng của từng địa phương và nên giao chỉ tiêu mua tạm trữ cho UBND các tỉnh phân giao cho các DN trên địa bàn.
Riêng với việc sản xuất, tiêu thụ cá tra, theo các đại biểu, bên cạnh việc tổ chức theo hướng liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa sản xuất và chế biến theo hướng: DN chế biến xây dựng vùng nuôi bằng cách liên kết với người nuôi theo quy trình tiên tiến và hợp đồng tiêu thụ đảm bảo quyền lợi hợp lý và dài lâu… tới đây rất mong các ngành chức năng sớm hoàn chỉnh thể chế và chính sách về tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ và nhất là cơ chế để phát huy vai trò của Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, sớm thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, sau khi đánh giá cao những nỗ lực của các bộ ngành và địa phương trong điều hành sản xuất lúa, cá tra trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hứa sẽ ghi nhận các kiến nghị hợp lý trình lên Thủ tướng xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất . Theo Phó Thủ tướng, sẽ tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vay vốn tại cơ sở, đặc biệt xem xét về điều kiện vay, mức vay và thời gian vay theo chu kỳ sản xuất (8-12 tháng), cơ cấu lại vốn vay theo hướng chuyển từ vay ngắn hạn sang vay trung hạn và dài hạn.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Bộ NN-PTNT khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh dự thảo chính sách khuyến khích phát triển mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
TÙNG HƯƠNG