ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Năng lực, tính cách, tâm huyết và bản lĩnh của từng đại biểu làm nên 'tông' văn hóa nghị trường của họ...'

05/11/2018 - 06:36

PNO - "Năng lực, tính cách, tâm huyết và bản lĩnh của từng đại biểu làm nên “tông” văn hóa nghị trường của họ, chứ không chỉ ở những việc họ nêu là tích cực hay tiêu cực" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Mỗi năm Quốc hội có hai cuộc họp, mỗi cuộc họp kéo dài 4 - 5 tuần. Tại các cuộc họp “thay mặt cử tri”, có đại biểu sôi nổi, miệt mài chất vấn các bộ trưởng những vấn đề nóng được người dân quan tâm. Cũng “thay mặt cử tri”, không ít đại biểu... giữ im lặng suốt nhiều phiên họp. Định nghĩa về một đại biểu Quốc hội bị phân tán qua những hình ảnh, những thể hiện khác biệt.

Cuộc đối thoại giữa Báo Phụ Nữ TP.HCM với đại biểu Trương Trọng Nghĩa sẽ giải mã mẫu hình chung, cùng những phân tích về “văn hóa nghị trường” - một đề tài đang được công chúng quan tâm sau kỳ làm việc của Quốc hội vừa qua.

DBQH Truong Trong Nghia: 'Nang luc, tinh cach, tam huyet va ban linh cua tung dai bieu lam nen 'tong' van hoa nghi truong cua ho...'
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Phóng viên: Thưa ông, trong kỳ làm việc vừa qua của Quốc hội, ông đã nhắc đến khái niệm “văn hóa nghị trường” trong lượt phản biện đại biểu (ĐB) Lê Thị Thanh Xuân về cuộc chất vấn giữa ĐB Phạm Thị Minh Hiền và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Nhưng, “văn hóa nghị trường” hẳn là không dành riêng cho tình huống đó

ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: 

- Văn hóa là yêu cầu bắt buộc trong mọi quan hệ giữa người với người, giữa người với tự nhiên. Vì vậy, văn hóa nghị trường phải là điều có trong mọi hoạt động của Quốc hội và trong mỗi ĐB. Tuy quan niệm và ứng xử về văn hóa tùy thuộc mỗi người trong những tình huống hay quan hệ cụ thể, nhưng vẫn có những tiêu chí, chuẩn mực chung. Do đó, xây dựng và thực hành văn hóa nghị trường là yêu cầu của nhân dân đối với ĐB và của ĐB với nhau.

* Xin nói thêm về tình huống đã gợi nhắc khái niệm này. Trước đó, ĐB Thanh Xuân đã phản biện rằng những chất vấn của ĐB Minh Hiền với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể “tạo ra nguồn năng lượng tiêu cực đối với xã hội”, “gây thêm hoài nghi cho phụ huynh học sinh với ngành giáo dục”. Và phản biện tiếp sau đó của ông được hiểu rằng, chính những nhận định này của bà Thanh Xuân có thể là sự quy chụp động cơ đối với ĐB Minh Hiền. Cách hiểu này của tôi liệu có chuẩn xác? 

Nhân dân, cử tri và đại biểu chất vấn không cần người trong ngành “hỗ trợ” cho “tư lệnh” ngành trả lời các vấn đề được chất vấn.

- Tôi có phát biểu tại Quốc hội rằng, trong hoạt động chất vấn, các đại biểu có thể tranh luận đúng/sai, đồng ý/không đồng ý về thông tin hoặc quan điểm của ĐB khác, nhưng không nên quy chụp hoặc hàm ý suy diễn động cơ của ĐB. Nếu không, cuộc chất vấn sẽ mất thời gian và làm chệch mục tiêu của hoạt động này.

* Thế nhưng, ngay giữa nghị trường, những băn khoăn trong phản biện của bà Thanh Xuân không phải hiếm gặp. “Tạo dư luận xấu”, “gây thêm hoài nghi cho nhân dân” thường là những lý do dễ khiến các ĐB dừng thắc mắc, dừng đặt vấn đề, đồng thời không thể đối thoại đến cùng một vấn đề nào đó. Dường như, bên cạnh văn hóa nghị trường và trách nhiệm với cử tri thì các ĐB còn bị chi phối hay ám ảnh bởi nỗi sợ bị đánh giá là “tạo không khí tiêu cực”?

- Trong nghị trường thì ai cũng thận trọng. Nhưng, đó là sự thận trọng cần thiết để phát biểu chuẩn xác hay trúng vấn đề, không hẳn là dè chừng dư luận, hay sợ bị nghi ngờ, suy diễn, quy chụp. Nhưng những lời nhắc nhở kiểu như “chất vấn của ĐB tác động tiêu cực, gây hoài nghi trong dư luận” về ngành nào đó mới chính là những tác nhân tạo ra không khí tiêu cực trong hoạt động chất vấn. Chưa chắc nêu những vấn đề tiêu cực đang hiện hữu để chất vấn lại gây “không khí tiêu cực trong dư luận”.

Ngược lại, có khi chính sự trao đổi thẳng thắn, công khai về những khuyết điểm, thiếu sót tại diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất lại khiến nhân dân yên tâm hơn, vì họ thấy những thực trạng tiêu cực đã được nhận diện, đối diện, do đó có cơ may được giải quyết. Ngoài ra, người chất vấn luôn ý thức trách nhiệm về hậu quả của lời chất vấn của họ. Người trả lời chất vấn cũng vậy. Nên các ĐB cần tôn trọng, tin tưởng nhau khi thực hiện quyền chất vấn.

* Vậy, văn hóa nghị trường có liên quan thế nào đến hàm lượng thông tin tiêu cực mà ĐB đưa ra trong hoạt động chất vấn, thưa ông? Phải chăng phải tạo ra không khí tích cực mới là biểu hiện của văn hóa?

- Theo tôi thì hai điều này không liên quan. Đặc trưng của chất vấn là hỏi về những tiêu cực đang tồn tại, những điều đã hứa mà chưa làm được, những điều đang nghi vấn, hoặc những sai phạm lặp đi lặp lại. ĐB chất vấn để bày tỏ những băn khoăn, lo lắng của họ về những tiêu cực, thiếu sót hay bức xúc đang tồn tại trong lĩnh vực được chất vấn. Điều đó người trong ngành có thể không thích nghe, nhưng nhân dân muốn được nghe. 

DBQH Truong Trong Nghia: 'Nang luc, tinh cach, tam huyet va ban linh cua tung dai bieu lam nen 'tong' van hoa nghi truong cua ho...'
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn trong một phiên họp Quốc hội

Chứ chất vấn không phải là tạo điều kiện để người trong ngành nói về thành tích, vì thành tích thì đã được ghi rõ trong bản báo cáo của từng ngành, và cũng có thể được kể ra trong thảo luận ở tổ hay ở hội trường. Vậy nên, không nên hỏi tại sao ĐB chất vấn chỉ nói về những điều tiêu cực. Năng lực, tính cách, tâm huyết và bản lĩnh của từng ĐB làm nên “tông” văn hóa nghị trường của họ, chứ không chỉ ở những việc họ nêu là tích cực hay tiêu cực.

* Chính từ cách nhìn này, cụm từ “văn hóa nghị trường” ông nêu lên đã chạm đến một phẩm chất cùng tên mà cử tri và nhân dân mong mỏi được nhận thấy ở các ĐB - không kém những vấn đề mà họ tham gia giải quyết. Liệu có một hệ quy chuẩn nào cho phẩm chất ấy không, thưa ông?

- Văn hóa nghị trường không phải là điều gì trừu tượng. Trước hết, phải dựa trên Hiến pháp và luật pháp: Luật về Quốc hội, pháp luật về hoạt động dân cử, và nhiều quy định, quy chế, quy ước khác nữa. Từ cái khung quy định ấy sẽ hình thành những nhận thức và ứng xử mang tính văn hóa trong các quan hệ trong nghị trường. Theo tôi, văn hóa nghị trường là thái độ và phong cách ứng xử của từng ĐB trong những mối quan hệ trong môi trường Quốc hội: quan hệ với các vị lãnh đạo Quốc hội, với các ủy ban, với chính phủ và các bộ trưởng, và giữa các ĐB với nhau.

Thực hành văn hóa nghị trường, tức là phải đấu tranh, không ngại đụng chạm, va chạm. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, quan hệ riêng tư thì sẽ để nỗi sợ lấn át trách nhiệm của một đại biểu dân cử.

Và người có nhận thức đúng về văn hóa nghị trường sẽ xác định được những điều cần thiết, những ứng xử hợp lý trong từng tình huống cụ thể. Đơn cử trong hoạt động chất vấn, mối quan hệ chủ đạo là quan hệ giữa ĐB chất vấn và người được chất vấn. Trong quyền hạn và trách nhiệm mà cử tri giao cho, trong 6 tháng sau mỗi kỳ họp, ĐB tiếp nhận đơn từ, tiếp dân, đọc báo chí, nghiên cứu, tìm hiểu, ĐB sẽ hình thành những nhu cầu chất vấn cụ thể với người đứng đầu lĩnh vực mà ĐB và cử tri quan tâm.

Dĩ nhiên, ĐB có thể cũng có mối quan hệ công việc hay thậm chí cá nhân với người được chất vấn, với lĩnh vực, với địa phương đang được chất vấn… Nhưng vì thời gian chất vấn rất ít nên ĐB phải ưu tiên cho mối quan hệ chủ đạo mà trách nhiệm của mình đòi hỏi. Nếu không xác định điều này, các ĐB dễ rơi vào tranh luận lẫn nhau, bênh vực hay bảo vệ cho ngành, lĩnh vực, địa phương của mình, thay vì chất vấn theo vai trò và trách nhiệm.

* Nói về việc xác định mối quan hệ chủ đạo trong trao đổi ở nghị trường lại khiến tôi liên tưởng đến một tình huống khác. Ngay trong kỳ họp vừa rồi, khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm về tình hình sai phạm của ngành này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đã đứng lên phản biện. Ông Nguyễn Hữu Cầu là ĐB thuộc đoàn ĐB tỉnh Nghệ An. Nhưng trong lượt phản biện này, ông Cầu phát biểu với tư cách “người trong ngành được chất vấn”. 

Cũng giống như trước đó, bà Thanh Xuân đã phản biện bà Minh Hiền với tư cách người trong ngành giáo dục (lĩnh vực đang được chất vấn), trong khi bà Xuân là ĐB thuộc đoàn ĐB Đắk Lắk. Không xét về giá trị thông tin mà những “ĐB phản biện” này đưa ra, thì tôi nhận thấy sự xuất hiện của họ trong những tình huống này có vẻ… chưa đúng vai trò. Nói theo ngôn ngữ của ông là “sai quan hệ chủ đạo”?

- Tôi đã phát biểu về điều này ở nghị trường. Mỗi người được chất vấn là chỉ huy, là “tư lệnh” của ngành hay lĩnh vực của mình. Họ có đủ năng lực, thực tiễn, kiến thức, bản lĩnh và bộ máy, nhân lực để trả lời chất vấn. Và họ có trách nhiệm phải trả lời về vấn đề đang được chất vấn. Vậy nên, dù là người cùng ngành, cùng địa phương, các ĐB khác cũng không nên trả lời hay tranh luận thay người được chất vấn. Có thể ĐB chất vấn đưa thông tin, số liệu sai trong lúc đặt vấn đề - nhưng ngay với cái sai đó, cử tri cũng muốn được nghe phản biện từ chính “tư lệnh” của ngành đó.

Nhân dân, cử tri và ĐB chất vấn không cần người trong ngành “hỗ trợ” cho “tư lệnh” ngành trả lời các vấn đề được chất vấn. Do đó, trong hoạt động chất vấn, ĐB cần xác định đúng vai trò của họ để không đi chệch hướng. ĐB không thể vì là người trong ngành mà đứng lên “tiếp sức”, bảo vệ cho ngành mình. Ngay cả khi ĐB cùng ngành có hiểu biết hay thông tin về vấn đề đang được chất vấn, thì người chỉ huy, “tư lệnh” phải là người có thông tin nhiều hơn, có cái nhìn toàn diện hơn, và có khả năng tốt nhất để trả lời cho ĐB chất vấn và cho cử tri.

DBQH Truong Trong Nghia: 'Nang luc, tinh cach, tam huyet va ban linh cua tung dai bieu lam nen 'tong' van hoa nghi truong cua ho...'
Có không ít đại biểu giữ... "quyền im lặng" trong suốt nhiều phiên họp Quốc hội

Đó là chưa kể, đôi khi việc chất vấn là nhằm mục đích giám sát tình cảm đối với đất nước và nhân dân, tinh thần trách nhiệm và năng lực hoàn thành nhiệm vụ của người lãnh đạo ngành, chứ không chỉ là để nắm thông tin. Vậy nên, nếu ĐB nào đó ở trong ngành muốn “hỗ trợ” lãnh đạo ngành mình hay muốn chia sẻ thông tin cho ĐB chất vấn thì hãy gửi ý kiến, tài liệu cho họ trong giờ giải lao, thay vì dành thời lượng ít ỏi của những lượt chất vấn - trả lời chất vấn cho những cuộc tranh luận với ĐB khác, làm chệch hướng của hoạt động này.

* Khái niệm văn hóa nghị trường được khơi lại ở kỳ làm việc vừa rồi của Quốc hội cũng đồng thời chạm đến nhu cầu nâng chất lượng, hiệu quả của những chất vấn - tranh luận để từ đó tạo cơ sở cho hoạt động lập pháp, thực hiện nhà nước pháp quyền, dân chủ. Thế nhưng đến lúc này, những diễn giải của ông về văn hóa nghị trường cũng chưa khác mấy với văn hóa nói chung ở những môi trường khác?

- Cái khác lớn nhất và cần thiết nhất: chính tại nghị trường, ĐB không được quên là nhân dân và cử tri đang chờ đợi mình làm gì đó tốt đẹp cho lợi ích của họ, đấu tranh chống những gì làm hại cho lợi ích của họ. Ngay trong lúc họp Quốc hội, các ĐB nhận được rất nhiều lời nhắn của nhân dân, cử tri, báo chí. Thực hành văn hóa nghị trường, tức là phải đấu tranh, không ngại đụng chạm, va chạm. Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, quan hệ riêng tư thì sẽ để nỗi sợ lấn át trách nhiệm của một ĐB dân cử. Chính ở khía cạnh này, văn hóa nghị trường tùy thuộc bản lĩnh của từng ĐB, tùy thuộc vốn sống, tính cách, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của họ.

Chính trách nhiệm, tình cảm và phương pháp tiếp cận đời sống, gần gũi nhân dân của đại biểu Quốc hội sẽ làm nên chất lượng của 2 phút chất vấn, tranh luận và 7 phút thuyết trình trong những phiên họp đối diện với cử tri qua sóng truyền hình trực tiếp.

Những điều kiện này ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, nhân dân rất sáng suốt. Nhân dân không bao giờ đòi hỏi một ĐB 30 tuổi phải có vốn sống như một ĐB 60 tuổi, hay các ĐB phải thông thạo mọi lĩnh vực. Nhưng sự chân thành, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với dân, với nước là điều được chờ đợi như nhau, bắt buộc phải có. Thêm nữa, tuy mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi trình độ, nhưng đã tham gia vào Quốc hội, thì mỗi ĐB đều phải có một trình độ, năng lực nhất định, đáp ứng được yêu cầu để hoàn thành trọng trách được cử tri giao phó, kể cả năng lực góp ý, xây dựng luật, giám sát việc thi hành pháp luật và thuyết trình, tranh luận hay soạn thảo. 

* Và ĐB cũng có quyền được sai? Ví như ông Lưu Bình Nhưỡng vừa qua đã đưa ra những số liệu và nhận định không trùng khớp, tạo thông tin không tích cực và gây bức xúc cho người trong ngành công an. Điều này đang được dư luận quan tâm, thậm chí lên án. Tuy nhiên, có vẻ như đây là nhầm lẫn của một ĐB rất tích cực thực hành dân chủ trong nghị trường?

- Sai sót hay nhầm lẫn về thông tin là điều khó tránh khỏi với một ĐB. Nhưng đã sai thì phải nhận và thận trọng hơn để đáp ứng niềm tin của cử tri và nhân dân. Nhưng cũng không nên đánh giá năng lực hay động cơ của một ĐB chỉ vì một sai sót hay nhầm lẫn khi phát biểu, tranh luận. Điều này cần có thời gian. Cuối cùng thì nhân dân và cử tri sẽ là những người đánh giá tối hậu ĐB do mình bầu ra.  

* Cuộc tranh luận - thậm chí là cãi vã giữa ông Lưu Bình Nhưỡng và đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc công an tỉnh Nghệ An đã kết thúc khi ông Lưu Bình Nhưỡng hết lượt tranh luận. Theo quan sát của tôi, ở điểm kết thúc đó, cuộc tranh luận chỉ mới dừng lại ở mức độ “tạo kịch tính nghị trường” chứ chưa đưa ra một kết quả làm sáng tỏ vấn đề trước cử tri. Vậy, với quan sát và kinh nghiệm của một ĐB quốc hội, ông đánh giá giá trị của cuộc tranh luận đó thế nào trong việc giải quyết vấn đề và làm sáng tỏ vấn đề trước cử tri? Và nói rộng ra, việc thay đổi cách chất vấn trực tiếp, toàn diện và có phần tự nhiên như lần này có tạo hiệu quả cao hơn trong việc giải quyết vấn đề không? 

- Cách làm mới của Quốc hội cho phép các ĐB chất vấn và tranh luận tự nhiên. Thay đổi này giúp nhiều ĐB được chất vấn và nhiều lãnh đạo ngành được chất vấn. Nhưng đồng thời, thời lượng cho từng lượt phát biểu lại bị rút ngắn. ĐB không đủ thời gian đặt những câu hỏi phức tạp, người được chất vấn cũng không đủ thời gian thanh minh, trình bày hết ý. Người trả lời do đó phải nắm vững và tập trung cao vào vấn đề được hỏi. Theo tôi thì hiệu quả của thử nghiệm mới này sẽ được kiểm chứng khi Quốc hội giám sát thực hiện nghị quyết về chất vấn. Và cũng giống như quy trình trước đây, mọi “tư lệnh” được chất vấn đều phải có báo cáo về vấn đề đó trong kỳ họp sau.

* Cử tri chỉ được theo dõi qua vài phút phát biểu ngắn ngủi của chính ĐB đó. Nhưng hoạt động của ĐB Quốc hội hẳn không chỉ ngồi trong nghị trường. Vậy, ông hãy chia sẻ về trải nghiệm của riêng ông trong quá trình tiếp cận, khảo sát thực tế… đã đưa đến những kiến nghị tại nghị trường?

- ĐB Quốc hội là công việc của suốt nhiệm kỳ 5 năm. Tuy rằng mỗi năm, các ĐB Quốc hội có 2 kỳ họp chính, mỗi kỳ dài từ 4 - 6 tuần, nhưng trước và sau mỗi kỳ họp, kể cả trong mọi hoạt động thường ngày, họ vẫn phải thực hiện trách nhiệm của một ĐB Quốc hội. Có những câu hỏi đặt ra trong 2 phút, nhưng là 2 phút được bật ra từ những băn khoăn, bức xúc đã đeo đẳng ĐB nhiều tháng, nhiều năm trời. Có phần trình bày 7 phút nhưng là kết quả của nhiều năm dấn thân, trải nghiệm, nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều giờ nghiền ngẫm, cân phân. Chính trách nhiệm, tình cảm và phương pháp tiếp cận đời sống, gần gũi nhân dân của ĐB Quốc hội sẽ làm nên chất lượng của 2 phút chất vấn, tranh luận và 7 phút thuyết trình trong những phiên họp đối diện với cử tri qua sóng truyền hình trực tiếp.

Tôi đã phát biểu, chất vấn, tranh luận về chủ quyền biển đảo, về thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách tăng cường nội lực, về nợ công, về Luật Đặc khu, Luật Biểu tình… Tất cả đều là kết quả của những ngày giờ đánh vật với bao nhiêu tài liệu trong và ngoài nước, học hỏi từ những chuyên gia, học giả, từ nhân dân và cử tri, từ đồng chí, đồng đội và cả bạn bè. Vậy mà nhiều lúc vẫn thấy chưa đủ cho yêu cầu của một ĐB.

* Xin cám ơn ông. 

Minh Trâm (thực hiện)

 
TIN MỚI