ĐBQH TPHCM chất vấn về tình trạng tinh giản biên chế “cơ học, cào bằng”

07/11/2023 - 12:26

PNO - ĐBQH Tô Thị Bích Châu và ĐBQH Trần Kim Yến chỉ ra nhiều bất cập khi cắt giảm biên chế cơ học, cào bằng với cảnh sát khu vực và giáo viên.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề làm thế nào để cảnh sát khu vực tại nơi đông dân cư như TPHCM có hoàn thành nhiệm vụ khi cắt giảm biên chế một cách cơ học
ĐBQH Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề làm thế nào để cảnh sát khu vực tại nơi đông dân cư như TPHCM có thể hoàn thành nhiệm vụ khi cắt giảm biên chế một cách cơ học

1 cảnh sát khu vực quản 3.000 hộ dân, làm sao hiệu quả?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TPHCM) cho hay, lực lượng cảnh sát khu vực hiện nay cũng được sắp xếp theo khu phố, tổ dân phố. Như vậy thì sẽ quản lý hộ dân tăng nhiều hơn so với hiện tại. Trong tình hình an ninh trật tự phức tạp với những thành phố đông dân như TPHCM, việc cắt giảm này đặt ra nhiều vấn đề. Làm cách nào để cảnh sát khu vực có thể đảm bảo nhiệm vụ của mình là bám sát địa bàn dân cư, giữ mối liên hệ với nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã điều động trên 50.000 công an chính quy xuống cơ sở. Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, với tốc độ đô thị hóa, khối lượng công việc cấp cơ sở đang rất nhiều. Ước tính, cảnh sát khu vực, công an xã, công an chính quy có hơn 100 đầu việc mỗi ngày.

“Do đó, chủ trương của Bộ Công an không phải giảm biên chế, giảm số cảnh sát khu vực mà chúng tôi tiếp tục tăng cường điều động công an từ các cấp huyện, tỉnh tăng cường về cho khu vực” - Bộ trưởng khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh, ngành công an tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ trong giao dịch, tiếp xúc, kết nối với người dân. Hiện cảnh sát khu vực đang áp dụng rất tốt việc sử dụng công nghệ, từ đó góp phần tăng hiệu quả công việc.

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công an, ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu thực tế tại quận 1 (TPHCM). Tại quận này, 122 cảnh sát khu vực quản lý 239.000 dân. Sau sắp xếp, quận chỉ còn 98 khu phố, tương đương 98 cảnh sát khu vực.

“Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra có giải quyết được một phần nhưng không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực vì họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân” - bà nói.

Về vấn đề ứng dụng công nghệ, camera giám sát, bà ĐBQH Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề: “Ví dụ một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, nếu chỉ cần xem camera thì thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát địa bàn, thời gian đâu tái tạo sức lao động?”.

Qua việc này, ĐBQH Tô Thị Bích Châu mong Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với các ngành để đánh giá lại vai trò của cảnh sát khu vực và lực lượng an ninh cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin thêm, theo điều lệ của cảnh sát khu vực, 500 người dân có 1 cảnh sát khu vực. “Nhưng với tốc độ phát triển dân số đô thị ở thành phố quá lớn nên lực lượng công an phát triển theo chưa đáp ứng yêu cầu” - Bộ trưởng thừa nhận.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, lực lượng công an TPHCM đang thiếu biên chế. Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới. Ông nêu, như xã Bình Hòa Hưng (huyện Bình Chánh) có tới 125.000 dân. Con số này rất lớn nên Bộ Công an phải tiếp tục chuẩn bị để đáp ứng được, chứ không phải “thu vào”, “rút bớt” cảnh sát khu vực.

Thiếu giáo viên do tinh giản “cào bằng”

ĐBQH Trần Kim Yến (TPHCM) cho biết, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục. Nhiều địa phương thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng lại vô cùng khó khăn. Chưa kể giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có có nguyên nhân là do quá nhiều áp lực và thu nhập chưa đủ sống. ĐBQH đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp giải quyết vấn đề trên.

ĐBQH Trần Kim Yến nêu tình trạng thiếu giáo viên do cắt giảm biên chế cào bằng
ĐBQH Trần Kim Yến nêu tình trạng thiếu giáo viên do cắt giảm biên chế cào bằng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, trong tinh giản biên chế có tinh giản công chức nhà nước, tinh giản viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn vừa qua, ngành giáo dục đã giảm 6,4% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngành y tế giảm khoảng 34% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do xã hội hóa.

“Thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương thực hiện giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước lại cắt hẳn biên chế đi, nhất là với ngành giáo dục. Chính vì vậy, thực tiễn đang có tình trạng thiếu giáo viên” - bà lý giải.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để giải quyết bài toán này, cần thống nhất về nhận thức: “Tập trung đồng bộ, quyết liệt để giảm viên chức hưởng lương nhà nước nhưng phải đảm bảo số người làm việc bằng cách thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa”.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung cao hoàn thiện một số thể chế. Trước mắt phải sửa đổi thông tư về định mức giáo viên và học sinh trên lớp, đồng thời sửa Nghị định 81 để thực hiện thu học phí từ tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng mong Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để thúc đẩy cơ chế tự chủ, đặc biệt với giáo dục mầm non, nghề nghiệp, đại học…

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI