ĐBQH: "Quản nhà thuốc truyền thống chưa nổi mà tính tới quản việc bán thuốc online"

26/06/2024 - 16:18

PNO - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quy định bán thuốc trên sàn thương mại điện tử còn đơn giản, rời rạc nên sẽ có nhiều nguy cơ.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo nguy cơ khi bán thuốc qua sàn thương mại trong bối cảnh chưa quản
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo nguy cơ khi bán thuốc qua sàn thương mại trong bối cảnh chưa quản lý chặt chẽ được các nhà thuốc truyền thống - Ảnh: Quốc hội

Bùng nổ nhà thuốc bán lẻ, bán buôn

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, trong dự luật đã có quy định cải thiện cấp số đăng ký lưu hành thuốc. Tuy nhiên, theo bà cần xem xét gốc rễ vấn đề. Tại Việt Nam đang có tình trạng cấp số đăng ký không có định hướng, chỉ cần cấp theo hồ sơ đăng ký. Do đó dẫn tới quá tải, chậm cập nhật thuốc mới, nhiều đăng ký trên một hoạt chất, từ đó dễ dẫn tới cơ chế xin cho, tiêu cực.

“Cần phải có định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế đăng ký. Hạn chế đăng ký bằng cách có hàng rào kỹ thuật thẩm định điều kiện thực tế chứ không phải trên giấy tờ, qua các tổ chức như quốc tế đang làm”, bà nêu.

Bà cũng nêu nghịch lý, chúng ta ưu tiên sản xuất trong nước nhưng gần như các doanh nghiệp nội đang bị thôn tính bởi các kênh đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược. Từ đây dẫn tới hệ lụy về mất an ninh dược phẩm.

Muốn phát triển công nghiệp dược trong nước, theo bà, thế mạnh của Việt Nam là dược liệu Đông y. Do đó, cần cơ chế cụ thể hơn, nhiều bài thuốc không đăng ký thuốc Đông dược được mà chuyển sang thực phẩm chức năng.

Về phân phối thuốc, ĐBQH chỉ ra tình trạng bùng nổ, gia tăng công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ. Từ khi ban hành Luật Dược 2016 tới nay, số lượng nhà thuốc bán buôn tăng từ trên 3.000 đơn vị tới trên 5.000 đơn vị. Số nhà thuốc tăng từ trên 39.000 điểm tới 67.000 điểm.

Như vậy, từ 1 nhà thuốc phục vụ 2.217 dân năm 2016, hiện đã giảm xuống còn 1 nhà thuốc phục vụ 1.564 dân. Trong khi con số này ở quốc tế là 4.182.

Điều này, theo ĐBQH TPHCM, không nên chỉ đánh giá tích cực rằng người dân dễ mua thuốc mà phải thấy mặt trái là tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc, trong khi bộ máy thanh tra vẫn như cũ. Khi lợi nhuận giảm, các nhà thuốc sẽ phải tính tới nhiều chiêu trò cạnh tranh. "Có tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, đang diễn ra nhức nhối", bà nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đề xuất tái lập điều kiện về khoảng cách nhà thuốc; điều kiện cư trú của nhà thuốc, tránh tình trạng cho thuê bằng; công khai giấy phép nhà thuốc; tăng vai trò hội nghề nghiệp...

Về quy định cho phép bán thuốc trên sàn thương mại điện tử, cấm bán trên mạng xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm không đồng tình: “Quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà tính tới bán online thì có rất nhiều nguy cơ”.

Bà phân tích, quy định bán thuốc qua sàn điện tử còn rất đơn giản, rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Trong mọi trường hợp, ĐBQH đề nghị không đưa thuốc kê đơn trên sàn. Nếu bán thuốc không kê đơn cũng chỉ nên thực hiện khi điều kiện pháp lý chặt chẽ, phải được tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.

Liên quan tới vấn đề bán thuốc qua sàn thương mại điện tử, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, cá nhân ông cũng mua hàng trên mạng nhưng “mua 10 thứ, chỉ dùng được 3, 4 thứ”. Nên, mặt hàng là thuốc không đạt chất lương thì rất nguy hiểm vì phải đưa vào người.

ĐBQH cũng nhìn nhận, mua hàng online đang là xu hướng, không thể cấm hoàn toàn. Trong khi, nếu hàng mua bán qua mạng có chất lượng tốt thì mang lại lợi ích cho người cần dùng. Do đó, dự thảo luật cần quy định sao làm đúng, không làm điều xấu, từ khâu quảng cáo, ship hàng, giá cả, cách kiểm tra, đổi thuốc khi không như quảng cáo...

Các chế tài xử lý trong lĩnh vực bán thuốc qua mạng phải mạnh hơn so với các loại hàng khác. Chỉ nhà thuốc uy tín, có địa chỉ, người chủ đăng ký rõ ràng, có chuyên gia tư vấn mới được bán qua mạng.

Đưa ô xy y tế vào luật là “không đúng chỗ”

ĐBQH Trần Khánh Thu đề nghị không đưa phạm vi quản lý ô xy y tế vào dự thảo luật
ĐBQH Trần Khánh Thu đề nghị không đưa phạm vi quản lý ô xy y tế vào dự thảo luật

ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu quan điểm về về quy định điều kiện lưu hành ô xy y tế ở phạm vi dự thảo Luật Dược lần này. Bà cho rằng, nếu quản lý ô xy y tế như thuốc như hiện nay, không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của WHO đối với ô xy.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đang thực hiện thanh toán ô xy y tế theo danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế. Song bên cạnh đó, các giường cấp cứu, xe cấp cứu hiện đang sử dụng máy tạo ô xy cho người bệnh, như vậy sẽ không nằm trong phạm vi của luật và sẽ không được thanh toán. Đồng thời, trong khám bệnh, chữa bệnh ngoài ô xy y tế còn một số khí y tế khác (như khí carbon dioxide (CO2), khí nitơ (N2), khí nitơ monoxide (NO), khí dinitơ monoxide (N2O); cũng đang không có quy định quản lý.

Từ các lý do trên, nữ ĐBQH đề nghị không điều chỉnh sản phẩm ô xy y tế tại dự thảo Luật lần này. Để tránh tạo khoảng trống pháp lý, nguy cơ sai phạm trong chuyên môn khi bác sĩ chỉ định dùng ô xy cho người bệnh, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Chính phủ sớm ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý ô xy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

Trong thời gian chưa ban hành được, ĐB đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo áp dung quản lý ô xy y tế theo quy định tại Hiệp ước Asian về quản lý thiết bị y tế mà Việt Nam là thành viên vì trong hiệp định có nội dung xây dựng thực hành sản xuất tốt với ô xy y tế.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho hay: sẽ là “không đúng chỗ cho ô xy y tế” khi đưa vào luật. Trong khi đó, dự luật lần này cũng chưa có chương nào về quản lý thực phẩm chức năng.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI