ĐBQH phản đối đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ

27/11/2024 - 16:52

PNO - Nhiều ĐBQH đồng loạt phản đối việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ vì đây không còn là mặt hàng xa xỉ.

Máy điều hòa là hàng thiết yếu, không phải xa xỉ

Góp ý tại Hội trường Quốc hội về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), chiều 27/11, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa
ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa nhiệt độ - Ảnh: Media Quốc hội

Vì vậy, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì mục tiêu đánh thuế không đạt được. Với nguyên lý như vậy, ông nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.

Điển hình là một số sản phẩm thực sự không phải xa xỉ phẩm mà là hàng thiết yếu nhưng vẫn đang bị đưa vào danh sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Nếu quy định tăng thuế máy điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được” - ĐBQH nói về đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TPHCM) cũng phản đối việc áp thuế với điều hòa nhiệt độ. Ông chia sẻ: “Máy điều hòa giúp điều kiện sống của người dân tốt hơn, tốt cho sức khỏe người già và trẻ em”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, thay vì đánh thuế, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.

Đồng tình với các ĐBQH, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, mặt hàng điều hòa bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế xã hội, cùng với sự biến đổi của khí hậu, điều hòa nhiệt độ là sản phẩm thiết yếu.

Sản phẩm này hiện được sử dụng ở hầu hết các gia đình, thậm chí là các phòng trọ cho sinh viên, người thu nhập thấp. Do đó, bà đề nghị cân nhắc quy định này.

Phải quyết liệt tăng thuế rượu bia, thuốc lá

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia, thuốc lá.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải quyết liệt tăng thuế thuốc lá, rượu bia vì sức khỏe người dân
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải quyết liệt tăng thuế thuốc lá, rượu bia vì sức khỏe người dân - Ảnh: Media Quốc hội

ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định, những sản phẩm này gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần xem xét cách đánh thuế để thực sự mang lại hiệu quả và thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Ông không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì cho rằng, người tiêu dùng khó thay đổi hành vi. Thay vào đó, cần tăng theo đợt. Ví dụ, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau tăng tiếp đợt 2. Theo ĐBQH, khoảng thời gian giãn cách này giúp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.

Rượu, bia có hại là do nồng độ cồn, ĐBQH cho rằng, các đồ uống có cồn với nồng độ cao thì đánh thuế phải cao, những đồ uống có nồng độ cồn thấp thì đánh thuế thấp hơn. Tuy nhiên, hiện thuế suất với đồ uống có nồng độ cồn thấp tương đương với đồ uống có nồng độ cồn cao là bất hợp lý. Vì vậy, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị xem xét lại phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, chẳng hạn như tăng cao nhất với rượu mạnh, thấp hơn là rượu dưới 20 độ, thấp hơn nữa là tỉ lệ với bia.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng khẳng định, cần sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

“Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi” - ĐB phân tích.

Ông đồng tình việc lộ trình tăng thuế cho các sản phẩm này nhưng phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá. Ông cũng đề nghị có danh mục cụ thể liệt kê nước giải khát có đường cần có thuế tiêu thụ đặc biệt và giao Chính phủ quy định trong từng giai đoạn, thời kỳ.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI