ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng!

29/05/2024 - 12:13

PNO - ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng để bình ổn thị trường, không để giá cả lên xuống hàng ngày như hiện nay.

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất bỏ đôc quyền vàng miếng, cho doanh nghiệp nhập khẩu để bình ổn thị trường
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, cho doanh nghiệp nhập khẩu để bình ổn thị trường

Sáng 29/5, tiếp tục chương trình phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập tới vấn đề quản lý giá vàng trong bối cảnh thị trường vàng “nhảy múa” như thời gian gần đây.

ĐBQH trích báo cáo của Chính phủ, thị trường vàng có nhiều bất cập, biến động mạnh. Ông cho rằng, giá vàng tăng do nhu cầu quá lớn. Lãi suất tín dụng thấp, người dân rút tiền ngân hàng để mua vàng. Do đó, cần có các giải pháp mang tính dài hạn. Việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước như thời gian qua chỉ mang tính tạm thời, thậm chí khiến giá vàng không giảm mà có xu hướng tăng.

“Nên chăng đã tới lúc bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước; sửa đổi Nghị đinh 24 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước” - ĐBQH Phạm Văn Hòa nói, và ông tin rằng biện pháp này sẽ giúp thị trường vàng bình ổn, không lên xuống hàng ngày như hiện nay.

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ĐBQH Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu 7 ngày/lần, mức độ điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá trên thế giới. Trong nhiều kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ mà thị trường xăng dầu vẫn ổn định. ĐBQH đề xuất bỏ quỹ này vì Luật Giá 2023 chỉ quy định chung, không đề cập đến Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu.

Quản lý tiền ảo vẫn còn khoảng trống suốt nhiều năm

ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu, hiện còn khoảng trống trong quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, ông đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về loại tiền này. Qua 6 năm, Việt Nam vẫn khẳng định việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận. Trong khi đó, trên thực tế, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến điện tử mới như như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng... như một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

ĐBQH đánh giá, việc giao dịch bằng tiền ảo diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp, khó kiểm soát, dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ để tội phạm hoành hành. Trong khi đó, hiện nay đang thiếu khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động này, dễ gây những hậu quả khó lường. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương quan tâm nghiên cứu, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã xem xét cụ thể về loại tiền này.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI