|
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chỉ nên mở cửa lại cho học sinh đi học khi tiêm phủ ở học sinh THPT |
Sáng 25/10, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) chia sẻ về sự cần thiết tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em để trở lại trường học an toàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, trước hết cần ưu tiên tiêm cho học sinh THPT, bởi nhóm đối tượng này cơ thể phát triển khá hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh cao và biến chứng tương đương với người trên 18 tuổi. Các học sinh này cũng rất cần đến trường để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng trong cuộc đời.
Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên, theo PGS.TS Hiếu, nên thực hiện tiêm những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền... Còn các trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình.
Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vắc xin còn hiếm và phụ thuộc vào các nhà cung cấp, rất nhiều phụ huynh băn khoăn liệu có nên cho trẻ đi học khi chưa thể tiêm phủ vắc xin COVID-19? ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, trong điều kiện hiện nay, nên duy trì việc học trực tuyến với các cấp.
PGS.TS Hiếu nêu thực tế một số địa phương như Phú Thọ cho đi học lại nhưng trong lớp học chỉ cần vài ca nhiễm là phải đóng lại. "Không thể nào để tình trạng trường học cứ mở vài tuần xong lại đóng, không ổn định như thế. Do đó, quan trọng nhất ở đây là phải tìm mọi cách để phủ vắc xin cho các em.
Với học sinh THPT, theo tôi, sau khi thực hiện tiêm chủng xong có thể mở cửa lại trường, cho đi học để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Với học sinh THCS tùy theo tình hình, nếu số lượng gia đình được tiêm 60 - 70% có thể mở cửa lại toàn bộ. Đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến nhiều khó khăn nên sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học trên và gia đình thì có thể đi học trực tiếp trở lại", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.
Vừa qua, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại Hà Nội, một số khu vực ngoại thành là vùng xanh, vì sao chưa cho trẻ quay trở lại học? ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ quan điểm: "Chúng ta nói Hà Nội là vùng xanh nhưng có thể nào là xanh khi xã hội đã mở cửa, sống cùng với COVID-19 bên cạnh mình thì bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Việc nhiễm ở cộng đồng số lượng ít, chúng ta vẫn có kế hoạch cách ly, khoanh vùng diện hẹp và điều trị. Nhưng đối với trường học rất khó bởi các cháu học tập trung với nhau".
ĐBQH mong sẽ sớm có vắc xin, nếu dồn sức chỉ cần 1 tuần là tiêm được hết cho học sinh THPT ở Hà Nội và từ đó đảm bảo điều kiện cho học sinh đi học trở lại.
Về việc một số nước đang nghiên cứu và tiến hành tiêm thêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 mũi để phòng các biến chủng mới, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói Việt Nam chưa nên thực hiện trong năm nay, bởi mũi vắc xin thứ 2 có thể có tác dụng trong 6 tháng tới. Với các trường hợp thật đặc biệt như bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, đang công tác trong địa bàn đặc biệt nguy hiểm và có hàm lượng kháng thể ít thì có thể xem xét tiêm mũi thứ 3.
M.Quang