ĐBQH đề xuất ưu đãi thuế cho báo chí

22/11/2024 - 11:09

PNO - ĐBQH nhận định, báo chí có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng đang gặp nhiều khó khăn...

ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị ưu đãi thuế cho báo chí - ảnh: V.p.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị ưu đãi thuế cho báo chí - ảnh: V.P.

Sáng 22/11, thảo luận tại tổ của đoàn ĐBQH TPHCM, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đồng tình với một số nội dung trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong đó, ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đến chính sách thuế với báo chí. Ông khẳng định, báo chí và truyền thông có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò như một "vũ khí" quan trọng, giúp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thông tin tích cực và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành báo chí đã đối mặt với nhiều khó khăn hơn tromg bối cảnh mạng xã hội, các nền tảng số phát triển. Nguồn thu từ quảng cáo giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại lại tăng cao để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Điều này đã tạo ra áp lực tài chính đáng kể cho các cơ quan báo chí.

Vì vậy, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất cần có các chính sách thuế ưu đãi đặc biệt cho lĩnh vực báo chí, truyền thông, giúp ngành vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Cụ thể, mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí nên được thống nhất ở mức 10% cho tất cả các hoạt động thu nhập, bao gồm cả báo in và các ngành nghề khác liên quan.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị, cân nhắc miễn thuế hoặc áp dụng mức thuế thấp nhất (dưới 10%) trong 5 năm đầu cho các lĩnh vực như báo chí, truyền thông, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và kinh tế số.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy đề nghị ưu đãi thuế với hoạt động vận hành tòa nhà cho thuê của cơ quan báo chí - ảnh V.P.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cho biết, thực tế hiện nay, tại TP.HCM, một số cơ quan báo chí như báo Sài Gòn Giải Phóng, Phụ nữ TPHCM, Người Lao Động, Tuổi Trẻ đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động báo chí như vận hành báo in, mà còn cho thuê để tạo nguồn thu bù đắp chi phí vận hành. Đây là giải pháp nhằm duy trì hoạt động của báo chí trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo báo in và báo điện tử không đủ để tự chủ tài chính, đáp ứng các yêu cầu hiện tại.

Tuy nhiên, khi thực hiện các quy định thuế, cơ quan thuế thường tách biệt phần diện tích tòa nhà được sử dụng cho hoạt động báo chí - phần được hưởng ưu đãi và phần diện tích cho thuê - phần bị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này tạo ra khó khăn cho các cơ quan báo chí, vì hoạt động kinh doanh tòa nhà thực chất là giải pháp nhằm hỗ trợ duy trì hoạt động báo chí.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, xem xét hưởng ưu đãi thuế với tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành tòa nhà của các cơ quan báo chí, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động của báo chí.

Đây là giải pháp thiết thực để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cho rằng, cần quan tâm đến việc tính thuế đối với các nhóm thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là báo chí.

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng nói thêm, nhiều đơn vị sự nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao bởi cơ quan chủ quản, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Ví dụ như, các nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa phụ nữ không chỉ tập trung vào việc tổ chức các lớp đào tạo nghề đơn thuần mà còn hướng đến việc giúp đỡ các nhóm yếu thế thoát nghèo bền vững. Việc hỗ trợ này nhằm mục tiêu tạo thu nhập ổn định để các hộ gia đình có thể tổ chức cuộc sống một cách tốt hơn.

Tuy nhiên, trong các quy định hiện nay về đối tượng được miễn thuế lại mới chỉ đặt vấn đề về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và các đối tượng thuộc diện tệ nạn xã hội. Điều này chưa bao quát được các nhóm thành viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đây là một điểm thiếu sót cần được bổ sung. Các đối tượng này cũng rất cần được hỗ trợ để tham gia các chương trình đào tạo nghề, nhằm nâng cao kỹ năng lao động, giúp cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị cần bổ sung vào danh mục miễn thuế hoặc ưu đãi thuế cho các hoạt động đào tạo nghề, đặc biệt là dành cho các nhóm thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Việc này sẽ không chỉ hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn giúp nhóm người thụ hưởng chính sách này nhận được sự quan tâm đầy đủ và toàn diện hơn.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI