ĐBQH đề xuất tăng lương hưu năm 2025

04/11/2024 - 11:15

PNO - ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công ngay trong năm 2025.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị tăng lương hưu, trợ cấp người có công, giảm thuế... để thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đảm bảo đời sống người dân - Ảnh: QH

Sáng 4/11, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) chỉ ra, trong thế giới đầy bất ổn, lạm phát thế giới tăng cao, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, Việt Nam lại nổi lên nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội.

Cụ thể như: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc. Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua. Nợ công được kéo giãn, có dư địa để đầu tư các dự án lớn.

Góp ý thêm về những giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến 3 động lực tăng trưởng. Trong đó, về xuất khẩu, ĐBQH nêu, phải có chính sách để kết nối vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, công nghiệp vật liệu, phụ kiện và đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt về nông sản, thủy sản.

ĐB dẫn chứng, gần đây chúng ta rất là vui mừng khi các sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế với 1.500 doanh nghiệp có công nghệ số đi ra nước ngoài.

Động lực thứ 2, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên nhưng khu vực doanh nghiệp nội địa lại tăng thấp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao. Do đó, Việt Nam cần phải có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế.

Động lực thứ ba là tiêu dùng nội địa. ĐBQH Trần Hoàng Ngân đánh giá, tuy có sự phục hồi mạnh nhưng còn thấp so với trước đại dịch COVID-19. Do đó, chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

“Quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025”, ĐBQH nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng đề nghị đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế, xã hội.

ĐBQH cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước...

Tuy nhiên, ông cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. ĐBQH Trình Lam Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.

M.Quang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI