|
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị giữ nguyên tên gọi "căn cước công dân" vì đã ăn sâu vào lòng dân, không bất cập khi sử dụng |
Cần giữ nguyên tên gọi “căn cước công dân”
Phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), chiều 22/6, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, trong dự thảo luật đang đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Ông phân tích, tên gọi căn cước công dân đã ăn sâu vào lòng dân và sử dụng không có gì bất cập. Theo tờ trình của Chính phủ, việc đổi tên bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhưng lại chưa được đánh giá tác động. ĐBQH đề nghị Chính phủ có giải trình thêm cho rõ, mang tính thuyết phục cao.
Về thông tin của công dân quy định tại dự thảo, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng quá nhiều và có thể thiết kế lại những khoản trùng lắp, không cần thiết như: nhóm máu, nơi ở hiện tại... Cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước, ông cho rằng nên cân nhắc thông tin nghề nghiệp và ADN.
“Nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian. Xét nghiệm ADN tốn kém, không phải ai cũng có thể đi xét nghiệm, nếu bắt buộc là tốn kém” - ông nói.
Ông cũng đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ, bảo mật. Ngoại trừ các cơ quan bảo vệ pháp luật khai thác khi cá nhân vi phạm pháp luật, các trường hợp còn lại muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của cá nhân người đó, kể cả các cơ quan, tổ chức chính trị. Ngoại trừ trường hợp có yêu cầu xác minh nhân thân trong những trường hợp cá biệt và được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, dữ liệu dân cư. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân.
Ngoài ra, ĐB cũng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong thẻ như: nơi sinh thay cho nơi đăng ký khai sinh; nơi thường trú thay cho nơi cư trú; nơi cấp là công an tỉnh thay cho Bộ Công an.
Bố đã ra nước ngoài thì quê quán ghi sao?
|
ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị chụp ảnh thẻ căn cước cho người dân phải đúng và đẹp |
Phát biểu tại hội trường Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) góp ý về việc ghi quê quán trên thẻ căn cước công dân. Ông đặt vấn đề: “Liệu ghi quê quán theo quê bố, trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài ở thì sẽ như thế nào? Nhiều người sẽ lúng túng khi khai báo về mục này. Bởi vậy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất”.
Ông cũng đề nghị, trong hồ sơ cơ sở dữ liệu quốc gia cần ghi đủ các mục như nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán. Vì 4 mục này có thể giống nhau nhưng không phải một. “Lúc tôi còn nhỏ, các mục này đều có nhưng dần dần lại bị rút gọn. Việc rút gọn này rất không nên” - ĐB chia sẻ.
Dự thảo luật cũng đang quy định, số chứng minh nhân dân bao gồm 9 số. ĐB lưu ý, cần xem lại ở đây là số chứng minh nhân dân hay số căn cước công dân. Ngoài ra, ĐB cho rằng không cần quy định cứng là 9 số bởi sau này có thể lên tới 11 số. Về nội dung trên thẻ căn cước, ĐB đề xuất không nên có nhiều mục, nhất là nơi cư trú (bởi thường xuyên có tính thay đổi). Quan trọng nhất vẫn là dãy số trên thẻ. Nơi cấp thẻ, không nên ghi do Bộ Công an cấp mà cần cụ thể là công an tỉnh, thành nào cấp.
Đặc biệt, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị về ảnh thẻ của người, công an nên chụp đảm bảo “đúng và đẹp”.
Đồng tình với quan điểm của nhiều ĐBQH đã phát biểu trước đó, ĐBQH đoàn TP Hà Nội đề nghị không sửa tên Luật Căn cước công dân thành luật căn cước. “Biết đâu mai sau có căn cước thực vật, động vật” - ĐB nói và khẳng định, tên Luật Căn cước công dân về mặt hình thức cũng không dài và đáp ứng đúng bản chất.
Minh Quang