ĐBQH: "Đề tài nhiều, áp dụng ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu”

26/03/2024 - 12:24

PNO - ĐBQH Đinh Ngọc Minh thẳng thắn chỉ ra thực trạng của công tác nghiên cứu tại Hà Nội và đề nghị có cơ chế để đổi mới, sáng tạo.

Hội nghị
Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng 26/3

Sáng 26/3, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 (nhiệm kỳ khóa VX) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật thủ đô.

ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) nêu vấn đề, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đang là những vấn đề gây khó khăn cho phát triển thủ đô cũng như người dân công tác và sinh sống trên địa bàn. Việc sửa đổi Luật Thủ đô có giải quyết được vấn đề này hay không?

Ông dẫn Nghị quyết của Bộ chính trị, trong đó xác định tới năm 2030 có tỷ lệ đất dành cho Giao thông có từ 16 - 25%, diện tích cho cây xanh đạt khoảng 10 m2/người. “Vậy tỷ lệ này ở Hà Nội hiện là bao nhiêu, tỷ lệ này hướng đặt ra như thế nào khi áp dụng Luật thủ đô (sửa đổi)?”, ông đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm cơ chế xử lý các vấn đề này, nhất là với các quận nội thành.

Một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi luật, theo ĐBQH là để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước. Hà Nội hiện là là nơi tập trung của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan đầu não, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của cả nước.

“Vấn đề là đề tài thì nhiều, áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu”, ĐBQH thẳng thắn chỉ ra thực tiễn trong nghiên cứu, ứng dụng.

Ông cho rằng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô đang thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo như chế độ sử dụng tài sản công khi được trao, tặng; thí điểm công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù... Do đó, phải có cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu đổi mới. Mô hình đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình có thể nhân rộng trong tương lai.

ĐBQH Đinh Ngọc Minh
ĐBQH Đinh Ngọc Minh nêu thực trạng của công tác nghiên cứu hiện nay khi đề tài nhiều nhưng áp dụng vào thực tiễn lại ít

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh về chính sách thu hút người tài của Thủ đô. Ông đề nghị phải có các chính sách thu hút nhân tài qua 3 cách: thi tuyển, tiến cử và ứng cử.

Bên cạnh đó, phải có chính sách trọng dụng nhân tài bằng cách bố trí đúng sở trường sở đoán. “Không phải thu hút về xong để đấy, lãng phí nhân tài. Phải cho họ cơ hội thăng tiến, những phát minh, sáng kiến của họ được thực thi”, ông nói.

Các ưu đãi cho nhân tài cần ghi rõ trong luật về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. Ngoài ra cần có khen thưởng kỷ luật rõ ràng; tránh lợi dung thi tuyển, trọng dụng nhân tài để đưa người vào.

ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng đề xuất bổ sung thêm một chương tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về xây dựng đô thị thông minh, trong đó có ứng dụng công nghệ quản lý đô thị như trật tự giao thông, môi trường, y tế, giáo dục... Với các ứng dụng này, các cơ quan chức năng và người dân có thể điều hướng giao thông vào giờ cao điểm; công dân thủ đô nắm bắt được tình trạng sức khỏe, số lượng đăng ký khám tại các bệnh viện để tránh tới nơi đông đúc, phải xếp hàng...

Muốn ứng dụng công nghệ như vậy, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng không thể thiếu kết nối internet. “Thời buổi công nghệ phát triển mà không quy định vào luật thì Thủ đô khó trở thành trung tâm trong nhiều phương diện”, ông nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI