ĐBQH đề nghị xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho các đường dây làm hồ sơ thương binh giả

27/10/2018 - 11:10

PNO - Để làm tốt vấn đề chăm sóc tốt những người có công, đảm bảo mọi chính sách hỗ trợ tới người có công, ĐBQH đề nghị xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho các đường dây làm giả.

Vết thương tai nạn giao thông được giám định để hưởng chính sách có công

Tại cuộc thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, sáng 27/10, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ủy viên thương trực UB Tư pháp Quốc hội bức xúc trước tình trạng làm giả hồ sơ thương binh tràn lan được phát hiện trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH tại phiên chất vấn UB Thường vụ Quốc hội, tính tới tháng 4/2017, kết quả thanh tra tại 5 quân khu và 29 địa phương đã phát hiện 1.800 hồ sơ giả mạo.

“Qua phản ánh của các cử tri, việc làm giả các hồ sơ thương binh ở một số nơi diễn ra khá công khai. Hình thành nhiều đối tượng cò mồi và không khó để liên lạc với những đối tượng này.

Những người có nhu cầu tìm đến các đối tượng cò mồi điền vào hồ sơ do bọn chúng cung cấp và nộp một khoản tiền. Mức tiền nộp tùy thuộc vào loại thương binh hoặc loại giấy tờ cần làm giả. Thậm chí các đối tượng cò mồi còn có giá phụ thuộc vào mức độ thương tật”, ĐB Thủy nêu thực tế.

DBQH de nghi xu ly nghiem can bo tiep tay cho cac duong day lam ho so thuong binh  gia
ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu tình trạng cò mồi trắng trợn làm giả hồ sơ thương binh

ĐBQH dẫn chứng, có những đối tượng chưa một ngày làm việc cho quân ngũ nhưng nghiễm nhiên trở thành thương binh. Có trường hợp vết thương do lao động do tai nạn giao thông nhưng cũng đi giám định để hưởng chế độ người có công. Có những người chiến đấu tại phía bắc nhưng lại làm giả hồ sơ xác nhận nhiễm chất độc da cam…

Trong khi đó thực tế còn rất nhiều trường hợp người có công nhưng vì một số nguyên nhân khách quan, do không còn giấy tờ gốc và bằng chứng nên chưa được công nhận. ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khẳng định “đây là nỗi day dứt của chúng ta”.

Cán bộ tiếp tay cho cò mồi?

Từ thực tế này, ĐB Thủy nhấn mạnh: “Cử tri đăt câu hỏi, bản thân các đối tượng có thể tự làm giả hồ sơ thương binh hay không? Tại sao quy trình các nhận thương binh rất chặt chẽ, phải trải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định nhưng vẫn có tới hàng trăm hồ sơ giả mạo trót lọt?”.

ĐBQH đặt vấn đề, có hay không sự tiếp tay của các cán bộ có thẩm quyền, nếu có thì ai là người tiếp tay cho các đối tượng này.

Từ thực tế xử lý vụ việc này thời gian qua, ĐB Thủy phân tích, một số vụ có sự bắt tay chặt chẽ của các cán bộ làm chính sách với đối tượng bên ngoài.

“Trong đó có những hành vi tiếp tay câu kết nghiêm trọng như: kết nối với đối tượng bên ngoài để hình thành đường dây chạy chế độ thương binh; tự ý bổ sung thêm tên của đối tượng bên ngoài vào danh sách thương bệnh binh để được hưởng chế độ khi giám định thương tật; cấp khống giám định thương tật, hoặc nâng tỷ lệ thương tật nhiều lần so với thực tế…”, ĐB Thủy nói.

ĐBQH Thủy đặt vấn đề, tại sao các vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài và số lượng lớn nhưng cấp cơ sở nhiều nơi không phát hiện được, chỉ tới khi thanh tra của hai bộ LĐ-TBXH và Bộ Quốc phòng vào cuộc theo đơn tố cáo thì mới phát hiện ra? Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH trong thời gian 5 năm từ 2013 đến nay, các trường hợp vi phạm do cơ quan cấp bộ phát hiện là trên 60%.

“Cử tri đặt câu hỏi “Có hay không tâm lý sợ ảnh hưởng tới địa phương, đơn vị nên không chủ động kiểm tra, rà soát tới tận cùng sự việc?”. Và việc không chủ động kiểm tra rà soát tới tận cùng sự việc đã tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục trục lợi chính sách, sẽ rất khó khăn phức tạp cho công tác xử lý, thu hồi sau này”, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn truy.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp chậm trễ trong việc tố cáo làm thương binh giả, đã gây ra khó khăn không nhỏ với những người đứng ra tố cáo tiêu cực. Có những người sau đó phải đối diện với sự trả thù, đe dọa tính mạng, tài sản, thậm chí rơi vào thế cô độc với những người xung quanh. Những thương binh giả bị tố cáo đều là những người cùng làng cùng xã.

Để làm tốt vấn đề chăm sóc tốt những người có công, đảm bảo mọi chính sách hỗ trợ tới người có công, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho các đường dây làm giả. Bên cạnh đó, việc phát hiện thương binh giả không phải khó nếu biết dựa vào người dân.

“Bởi trong cùng làng cùng xã, ai đi bộ đội, thời gian nào và bị thương ra sao người dân đều nắm rõ. Vấn đề quan trọng là trong thời gian tới, cần đổi mới cách làm để khuyến khích người dân phát hiện các trường hợp gian lận, khẩn trương phát hiện sự việc và bảo vệ người tố cáo an toàn nhất”, ĐB Thủy nói.

Trước đó, báo Phụ Nữ có phản ánh 569 trường hợp thương binh giả mạo bị Thanh tra Bộ LĐTB&XH cùng các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ, phát hiện khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị nhưng vẫn hưởng chế độ thương binh. Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ phải truy thu hơn 100 tỷ đồng đã chi trả cho số thương binh giả trên.

M.Quang

 
TIN MỚI