ĐBQH đề nghị trang bị máy bay chữa cháy, cứu nạn

27/06/2024 - 16:36

PNO - ĐBQH Phạm Đình Thanh đề nghị bố trí nguồn lực, mua sắm trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, kể cả máy bay để cứu người, dập đám cháy.

ĐBQH Phạm Đình Thanh đề nghị trang bị trang thiết bị PCCC-CNCH tiên tiến để đạt hậu quả
ĐBQH Phạm Đình Thanh đề nghị trang bị trang thiết bị PCCC-CNCH tiên tiến để đạt hiệu quả - Ảnh: QH

Chiều 27/6, phát biểu tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH), ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) chia sẻ, tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Với nguyên tắc phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ, ngoài việc quy định thẩm tra, thẩm định thiết kế, ĐBQH đề nghị bổ sung vào luật để ưu tiên nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Khi có tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn cứu hộ là phải nhanh chóng, hiệu quả. Người thực hiện nhiệm vụ phải thể hiện rõ sự dũng cảm, quyết đoán, trong môi trường nguy hiểm, rủi ro cao. Do đó, ĐBQH đề nghị bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của nhà nước trong xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện PCCC-CNCH; đào tạo.

“Cần quy định có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để thực hiện”, ông đề xuất.

ĐBQH dẫn báo cáo của Bộ công an, theo đó, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ PCCC-CNCH hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn. Do đó, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết nhanh nhất.

Với mục đích bổ sung đầy đủ quy định, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, ĐBQH đề nghị bổ sung các hành vi bị cấm. Cụ thể, nghiêm cấm người được giao nhiệm vụ, thẩm quyền không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, có hành vi tiếp tay, giúp sức cho việc xây dựng công trình xây dựng, sửa chữa nhà ở; cải tạo phương tiện giao thông không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật.

Ông bức xúc: “Thực tế nhiều địa phương có tình trạng cán bộ công chức được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thẩm quyền xử lý sai phạm, thậm chí còn tiếp tay cho các vi phạm này. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới nhiều vụ tai nạn trong thời gian qua, trong đó có nhiều vụ xảy ra ở TP lớn mà cử tri cả nước vô cùng lo lắng”.

Đóng góp vào dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) chỉ ra,việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại dự thảo là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường. Đó là là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác?

Đồng thời, theo nữ ĐBQH dự án luật cần bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI