Đại biểu quốc hội đề nghị gỡ rối tình trạng thiếu nhà ở vừa túi tiền

03/11/2022 - 11:31

PNO - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ (ĐBQH TPHCM) đề nghị gỡ rối tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở có giá dưới 2 tỷ đồng và nhà ở xã hội.

 

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ chỉ ra tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở vừa giá tiền
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ chỉ ra tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở "vừa giá tiền", tác động đến an sinh xã hội của những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp

Cung cầu "lệch pha"

Sáng 3/11, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ (ĐBQH TPHCM) cho rằng, cần điều chỉnh quy hoạch đất đai để giải quyết tình trạng cung cầu “lệch pha”.

Theo số liệu thống kê thì tình trạng dự án bất động sản phân khúc cao cấp và trung cấp hiện nay đang xuất hiện rất nhiều. Người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền - có giá dưới 2 tỷ đồng/căn - và nhà ở xã hội, tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội - là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, việc xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai 2013. Cùng với đó, các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển, có nơi chưa được để tâm, nâng cao đổi mới.

Để giải quyết vấn đề này cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi. Việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cũng cần được xem xét và đánh giá tính hợp lý để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở. Không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có thể có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho việc đi làm và sinh hoạt.

Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó có thể kiểm soát được giá đất thị trường, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn. 

Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lẫn các bảng giá đất, giá đất cụ thể cần được xem là tâm điểm quan trọng tập trung toàn lực nghiên cứu và tìm ra giải pháp gỡ rối.

ĐBQH chỉ ra, trong Dự thảo Luật đã đề cập đến sự tham gia của tổ chức tư vấn giá đất trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất đai lẫn bảng giá đất. Tuy nhiên, dự luật chưa thể hiện được quyền hạn cụ thể của tổ chức tư vấn trong việc đưa ra ý kiến khi xây dựng các chính sách đất đai như trên. Năng lực của tổ chức tư vấn cũng chưa được đề cập cụ thể nên cần phải nhanh chóng bổ sung quy định về vấn đề này, nhằm đạt được mục đích đề ra là bình ổn thị trường đất đai.

Lo quy định chỉ ở… trên giấy

Việc đền bù, tái định cư cho người bị thu hồi đất là một trong những vấn đề được ĐBQH quan tâm (ảnh minh họa)
 Việc đền bù, tái định cư cho người bị thu hồi đất là một trong những vấn đề được ĐBQH quan tâm (Ảnh minh họa)

Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Đất đai (sửa đổi) là cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã/phường, địa bàn tương đồng).

Tuy nhiên, ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước) lưu ý, nếu luật quy định không khéo thì rất khó thực hiện. Hay nói cách khác, quy định này chỉ “cho có” chứ không thể thực hiện được.

“Đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ không đơn giản”, ĐB Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.

ĐBQH lấy ví dụ, nếu có một công trình xây dựng khu đất để làm nhà ở cho công nhân, sau khi thu hồi xong, những người dân nghèo bị thu hồi đất được bố trí tái định cư tại một chung cư hiện đại. Dù là nơi ở có thể tốt hơn nhưng thu nhập và mưu sinh của họ không đạt được do họ vốn sống bám mặt tiền, buôn bán nhỏ nên nếu ở chung cư hiện đại sẽ không có thu nhập. “Như vậy không thể bằng hoặc tốt hơn nơi cũ được”, ĐB nói.

Vì vậy, ĐB đề nghị phải làm rõ chủ trương này vào dự luật. Điều 85,86 của dự luật hiện chỉ quy định lại tinh thần của hiến pháp chứ chưa có chính sách cụ thể để ràng buộc Nhà nước, doanh nghiệp khi thu hồi đất. Cần phải làm rõ, đảm bảo quyền của người dân vì việc này chính là gây phát sinh khiếu kiện nhiều nhất.

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng quy định “chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là điều đáng mừng. Song định nghĩa như thế nào là điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn thì dự luật chưa nêu rõ.

ĐB chỉ ra, thông thường, bà con trước khi bị thu hồi đất đang ở nơi rộng rãi. Dù nhà có thể nhỏ nhưng có sân vườn, có thể tăng gia trồng rau, nuôi cá. “Khi đến nơi ở mới, khu tái định cư thì lấy đất đâu mà trồng rau, như thế có tốt hơn không? Chúng ta nói như vậy nhưng trên thực tiễn lại khác. Khi không làm rõ được thế nào là bằng và tốt hơn thì có thể gây ra khiếu kiện”, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng nói.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI