ĐBQH đặt vấn đề nóng: Chuyện nỏ thần và người Việt dư bạo lực

01/04/2016 - 15:11

PNO - Chuyện nỏ thần; văn hóa lệch chuẩn; sức khỏe cộng đồng... là những vấn đề nóng được ĐBQH đề cập tại hội trường Quốc hội sáng 1/4.

"Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu"

Tại buổi họp sáng 1/4, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã dành 7 phút thảo luận về kinh tế xã hội tại nghị trường để nói về tổ quốc và nhân dân. Ông Nghĩa nhấn mạnh bằng 2 câu thơ "Nỏ thân chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu".

DBQH dat van de nong: Chuyen no than va nguoi Viet du bao luc
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo vị ĐBQH TP.HCM, "Nỏ thần" của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Giữ “nỏ thần” là giữ cho đất nước trước họa xâm lăng và có điều kiện phát triển văn minh, thịnh vượng.

Cụ thể, chúng ta cần phải xác định rõ: ta, bạn, thù. Ông Nghĩa nhấn mạnh: Ta là dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ nước Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

Thù là thế lực thù địch, cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia dân tộc, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn và an ninh của đất nước.

Ngoài những thế lực thù địch thì còn lại đều là "ta" và "bạn", cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm.

“Cái tên Diên Hồng của hội trường này bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử minh chứng cho một chân lý hàng ngàn năm qua dân tộc ta đã luôn chống lại những kẻ ngoại xâm đã luôn và mạnh hơn mình. Nhưng cuối cùng chúng ta đã thắng lợi vì nuôi dưỡng và tập hợp được lòng yêu nước của toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc”, ông Nghĩa nhắc lại.

Không chỉ nhấn mạnh việc giữ gìn lãnh thổ, ĐB Trương Trọng Nghĩa còn đặt vấn đề làm cho đất nước trở thành nơi đáng sống.

Đặt vấn đề bằng việc, tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?

Ông Nghĩa cho rằng: "Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy cũng biết!” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tự hỏi và trả lời.

“Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp. Nhân dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển", Đại biểu Nghĩa mong muốn.

Người Việt tiết kiệm “cảm ơn, xin lỗi”, dư thừa bạo lực

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng cho biết những lo lắng khi ở một số đô thị, môi trường an ninh là mối lo thường nhật của người dân. Có nơi người dân ra đường phải nơm nớp nỗi lo bị xâm hại.

DBQH dat van de nong: Chuyen no than va nguoi Viet du bao luc
ĐB Lê Như Tiến phát biểu trước Quốc hội

Vị ĐBQH Quảng Trị ám ảnh trước hình ảnh  một nữ du khách nước ngoài nước mắt lưng tròng vì bị giật túi xách ngay giữa đô thị, mất hết tiền, hộ chiếu và các giấy tờ quan trọng. Mặc dù lực lượng công an TP.HCM đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa chặn đứng và đẩy lùi được thực trạng táo tợn cướp giữa ban ngày.

Bên cạnh đó, khách du lịch thăm một số danh lam thắng cảnh bị chèo kéo, chặt chém, ép buộc, cưỡng bức làm cho du khách “một đi không trở lại”, bởi cách hành xử chụp giật của một số nhà hàng, khách sạn, cơ sở làm dịch vụ du lịch.

Với phát biểu có nội dung “Cần tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh”, ông Tiến đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội là những tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của toàn xã hội.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, môi trường văn hóa đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng. Ở nơi công cộng người ta tiết kiệm dùng từ “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”, mà lại dư thừa bạo lực. Chỉ cần va chạm nhẹ là có thể trả lời nhau bằng vũ lực.

Bạo lực học đường cũng là một vấn đề mà dư luận hết sức bất an khi liên tiếp có những vụ ở thầy cô bảo mẫu đánh đập các cháu đến tàn phế, bảo vệ xâm hại tình dục hàng chục trẻ em nội trú, con cháu chém giết ông bà... đang là vấn đề nhức nhối!

Theo ông Nghĩa, chúng ta phải có bộ lọc để loại bỏ những luồng văn hóa xấu đang tràn về.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI