ĐBQH: Có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến trong mùa dịch

11/11/2021 - 09:56

PNO - Theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm học và dạy thêm trong mùa dịch nhưng có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến.

 

ĐBQH bức xúc vì có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến
ĐBQH bức xúc vì có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến

Sau Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn là tư lệnh ngành tiếp theo ngồi “ghế nóng” Quốc hội sáng 11/11.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm học và dạy thêm trong mùa dịch. Song, thời gian gần đây có tình trạng học thêm và dạy thêm bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, có học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Cử tri rất bức xúc và đề nghị thanh tra về tình trạng này.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm trong thời gian qua. “Bình thường đã cần phải ngăn, trong khi học trực tuyến học sinh còn căng thẳng hơn thì việc dạy thêm giờ, thêm nội dung thì càng phải lên án”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, trong thông tư 09 ban hành ngày 30/3, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về dạy và học trực tuyến, trong văn bản đó quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Trước phản ánh của ĐBQH, Bộ trưởng đề nghị Sở GD-GD các địa phương thanh tra việc học trực tuyến xem có bố trí quá giờ, có sự việc này hay không. Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tích cực ngăn chặn hiện tượng này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc dạy
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lên án việc dạy thêm trực tuyến và yêu cầu tăng cường rà soát, thanh tra vấn đề này

“Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta”

Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc Bộ GD-ĐT nhìn thấy những tồn tại gì thông qua đại dịch COVID-19 để khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Chúng ta test tìm virus nhưng virus test lại cả hệ thống của chúng ta”.

Ông cho rằng, có rất nhiều điều mà Bộ GD-ĐT đã nhìn ra. Tuy nhiên, bên cạnh một số vấn đề cần sửa chữa, Bộ cũng đã nhìn ra một sức mạnh, niềm tin được củng cố từ sự nhiệt thành, hy sinh của đội ngũ giáo viên. “Trong gian khó của dạy học trực tuyến, các thầy cô không kêu ca, không nhiều ý kiến phàn nàn. Các thấy cô sáng tạo vô cùng. Điều này củng cố cho chúng ta niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo, giáo viên”, Bộ trưởng xúc động.

Liên quan tới những tồn tại, ông chỉ ra một số vấn đề. Thứ nhất, về thể chế chính sách, khi vận hành, một số văn bản bộc lộ một số khiếm khuyết.

Thứ hai, về quản lý Nhà nước khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp, trạng thái an ninh phi truyền thống thì hệ thống của ngành còn phải làm nhiều hơn nữa.

Thứ ba, về ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước, cần chú ý hơn về tính đa dạng giữa các vùng miền. Các chính sách phải phù hợp với thực tế. Trong nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9, Bộ đã ban hành gần 20 văn bản, trong đó bao gồm cả chỉ thị, công điện, văn bản hướng dẫn, gia tăng theo mức độ sát hợp với thực tế. Đây là một vấn đề cần tăng cường hơn.

Thứ tư, qua chống chọi dịch bệnh, Bộ trưởng cũng chỉ ra đây là cơ hội để  nhìn thấy hạ tầng giáo dục là khâu rất yếu. Bên cạnh đó, kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng nhà giáo, kỹ năng học sinh đặc biệt là năng lực tự học của học sinh cần tăng cường.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI