ĐBQH chỉ nguyên nhân giá vàng bị "hâm nóng" sau đấu thầu

23/05/2024 - 12:16

PNO - ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) băn khoăn với cách thức đấu giá vàng khi giá khởi điểm sát với thị trường Việt Nam chứ không phải giá vàng thế giới.

ĐBQH Trần Văn Lâm chỉ ra, cách thức đấu thầu chưa rõ
ĐBQH Trần Văn Lâm chỉ ra, sau các phiên tổ chức đấu thầu, giá vàng càng hâm nóng thị trường

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nhiều ĐBQH quan tâm tới giá vàng “nhảy múa” trong thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, thị trường vàng đang bất hợp lý khi có sự chênh lệch giá rõ rệt giữa trong nước và thế giới. Dù đã có nhiều cách nhưng chúng ta chưa thu hẹp được khoảng cách này. Đáng lưu ý, sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng thì lại “càng hâm nóng thị trường lên”. ĐB cho rằng, nguyên nhân có thể do cách thức đấu giá vàng đang không rõ mục tiêu.

Cụ thể, mức giá vàng khởi điểm khi đấu giá đang sát với giá thị trường trong nước chứ không phải giá thị trường thế giới. Để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm đấu giá. Đó là lấy giá vàng của thế giới quy đổi ra tiền Việt cộng với các chi phí nhập khẩu và các chi phí khác ra giá khởi điểm đấu giá.

“Vừa qua, chúng ta lại mang vàng ra đấu giá sát với giá khởi điểm sát giá thì trường Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân”, ông Trần Văn Lâm nêu vấn đề.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết phải có biện pháp để đưa giá vàng ngang bằng với thế giới trong bối cảnh mức chênh lệch ngày càng cao.

Ông cũng nêu nghịch lý, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng.

“Giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Bên cạnh đó, về dài hạn phải sửa Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, ĐBQH đoàn TP Hà Nội đề xuất.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) kiến nghị phải rất thận trọng với vấn đề quản lý giá vàng. Ông cho rằng Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã “hết giá trị lịch sử”. Do đó cần có cách thức, chính sách quản lý phù hợp hơn.

Ông nhấn mạnh, có những thời kỳ, giá vàng là căn cứ để định giá đất cũng như nhiều vấn đề khác. Khi giá vàng biến động, đầu tư vào vàng ảnh hưởng lớn đến bài toán tỉ giá. “Nếu đầu tư chạy theo giá vàng quốc tế thì nhiều doanh nghiệp mất còn hơn được”, ĐBQH cảnh báo.

ĐBQH Phạm Đức Ấn bày tỏ lo ngại vấn đề “vàng hoá” có thể quay lại: “Nhiều khi chúng ta muốn kiểm soát toàn bộ nhưng không muốn vàng hóa trở lại, chúng ta giảm thiểu ảnh hưởng đến tỉ giá thì chắc chắn việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng là cần thiết. Cơ quan quản lý cần trình Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa giá vàng SJC và vàng khác cũng như chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI