ĐBQH chất vấn Phó thủ tướng vì “vênh” số liệu giải ngân gói phục hồi kinh tế

09/06/2022 - 17:30

PNO - ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Phó thủ tướng vì có con số vênh tới 11,5 ngàn tỉ đồng trong thực hiện giải ngân gói phục hồi kinh tế.

 

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra, cùng báo cáo tại một thời điểm song có hai số liệu về giải ngân gói phục hồi kinh tế, chênh nhau tới 11,5 ngàn tỉ đồng

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra, cùng báo cáo tại một thời điểm song có hai số liệu về giải ngân gói phục hồi kinh tế, chênh nhau tới 11,5 ngàn tỉ đồng

Chiều 9/6, bấm nút tranh luận tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: “7 ngày trước, vào ngày 2/6/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nói hết tháng 5, Chính phủ giải ngân được 22 ngàn tỉ trên tổng số hơn 300 ngàn tỉ trong gói phục hổi kinh tế. Tuy nhiên, hôm nay, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói, tới hết tháng 5 đã giải ngân được 33,5 ngàn tỉ. Như vậy, cùng một thời điểm tính toán, số liệu giải ngân khác nhau là 11,5 ngàn tỉ. Xin Phó thủ tướng cho biết, đâu là kết quả chính xác mà Chính phủ đạt được?”.

ĐB cũng nêu vấn đề, qua các ý kiến của ĐBQH, những báo cáo đã nêu tại kỳ họp, pháp luật được coi là “tội đồ” cho sự chậm trễ trong thực hiện gói phục hồi kinh tế và nhiều mục tiêu khác. “Là người trực tiếp phụ trách công tác về thể chế theo phân công của Chính phủ, Phó thủ tướng cho biết, việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng cơ chế đặc thù là chưa đủ. Nếu đúng là do pháp luật, thì cụ thể đó là những quy định nào để Quốc hội biết và hoàn thiện thể chế”, nữ ĐB đoàn Hà Nội thẳng thắn trao đổi trên nghị trường Quốc hội.

Trả lời ĐB Vũ Thị Lưu Mai,  Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết sẽ phải đối chiếu số liệu với Phó thủ tướng Lê Minh Khái để có câu trả lời chính xác. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ phải đối chiếu trực tiếp, tổng hợp số liệu cuối cùng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chia sẻ, vấn đề giải ngân, báo cáo của từng thời kỳ cũng có những lúc khác nhau. Đây là vấn đề cũng được nêu các cuộc họp của Chính phủ. Thực tế, con số giải ngân của Bộ tài chính được tính trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ kho bạc Nhà nước. Trong khi đó, báo cáo của các tỉnh thành, dự án là con số thực tế thực hiện, do đó luôn có sự chênh lệch giữa số liệu này. Tuy nhiên, Phó thủ tướng khẳng định sẽ kiểm tra lại để có con số chính thức báo cáo Quốc hội.

Về câu hỏi thể chế có phải “tội đồ” dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm, Phó thủ tướng cho hay, khi giải ngân vốn đầu tư công, xảy ra tình hình triển khai chậm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại vấn đề thể chế xem vướng mắc gì. Tổ công tác đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương báo cáo. Trong báo cáo tổng hợp, có khoảng 60 – 70% ý kiến là do vấn đề hiểu chưa hết quy định, thủ tục. Sau đó Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và các tỉnh thành về giải thích, hiểu các quy định giải ngân vốn đầu tư công trong nước cũng như nguồn vốn ODA.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI