ĐBQH bàn về việc bảo vệ người tiêu dùng từ vụ việc thuốc giả VN Pharma

02/11/2022 - 11:28

PNO - Từ vụ án VN Pharma, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Nhà nước khi người tiêu dùng thiệt hại vì sử dụng các sản phẩm đã được thẩm định, cấp phép.

 

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan dẫn lại câu chuyện đau lòng VN Pharma và đề nghị có quy định trách nhiệm của NN khi người tiêu dùng bị thiệt hại vì sử dụng các sản phẩm, dịch vụ dã được thẩm định, cấp phép

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan dẫn lại câu chuyện VN Pharma và đề nghị có quy định trách nhiệm của Nhà nước khi người tiêu dùng bị thiệt hại vì sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đã được thẩm định, cấp phép

Sáng 2/11, góp ý về dự Luật Bảo vệ Người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) chỉ ra, các quy định có liên quan tới trách nhiệm của ba bên là doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ, người tiêu dùng và trách nhiệm của Nhà nước.

ĐBQH chỉ ra thực tế, các DN, thông thường sẽ đặt cao lợi nhuận, nhiều đơn vị tập trung vào quảng cáo sản phẩm. Dù quảng cáo này không nói dối nhưng có thể không nói hết sự thật, những hạn chế của sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm của mình thông qua hợp đồng, thỏa thuận mua bán với đơn vị cung ứng để tránh lâm vào những tình huống bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế, người tiêu dùng luôn ở trong tình trạng yếu thế.

“Đặc biệt là cá nhân người mua hàng, đôi khi lỡ mua phải món đồ, giống như lấy vợ lấy chồng không vừa ý, thì cắn răng mà chịu đựng thôi chứ không ai đi thưa kiện”, ĐBQH nói.

Theo bà, phải thiết kế làm sao để nếu người tiêu dùng mua phải hàng không đảm bảo thì sẽ dễ dàng hơn trong việc đòi lại quyền lợi của mình. Luật phải làm sao để đề đạt nguyện vọng của người dân, theo đuổi kiện tụng đơn giản hơn, không bị lẫn vào quá tải nói chung của ngành tư pháp.

Đặc biệt, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh về trách nhiệm của Nhà nước và cho rằng, dự luật phải bổ sung nhiều. “Khi Nhà nước cấp phép cho một sản phẩm hay một dịch vụ gì thì phải có trách nhiệm. Đầu tiên là thẩm định cấp phép xem có đảm bảo tiêu chuẩn không, đây chính là bước đầu tiên bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp theo, trong quá trình lưu hành phải có kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có. Thứ ba, nếu người tiêu dùng bị thiệt hại với sản phẩm đã được cấp phép thì phải phân biệt với việc họ bị thiệt hại do sản phẩm lậu, không cấp phép”.

ĐBQH dẫn lại câu chuyện đau xót là vụ việc làm thuốc giả của VN Pharma. Ban đầu, thuốc H-Capita 500 được kết luận chưa đưa ra thị trường nên chưa gây hậu quả. Tuy nhiên sau đó, trong đường dây này, với các thủ đoạn tương tự đã phát hiện thêm có loại thuốc đã được đấu thầu, bán cho người dân. Vấn đề đặt ra là chưa ai nói tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra đối với bệnh nhân. ĐBQH chỉ rõ, vấn đề không còn thuộc trách nhiệm của bệnh viện vì bệnh viện đã đấu thầu theo luật với loại thuốc đã được cấp phép. Do đó, với các trường hợp như vậy, sau khi tính thiệt hại thì các bị cáo phải chịu bồi hoàn, hoặc Nhà nước phải tính phương án.

ĐBQH chia sẻ, việc nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng cũng là một lý lẽ để tuyên truyền người dân phải sống theo pháp luật. Người dân nếu mua hàng ở các nơi đã được thẩm định, cấp phép thì có thể yên tâm hơn.

“Phải thấy rõ sự khác biệt với mua hàng trôi nổi và mua hàng chính thức như thế nào, phải có sự bảo chứng của Nhà nước để từ đó lôi kéo xã hội sống và tuân thủ trách nhiệm. Cơ quan cấp phép phải thực hiện trách nhiệm sau đó giám sát, kiểm tra”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung quy định để làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ độc quyền của Nhà nước

ĐBQH Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung quy định để làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ độc quyền của Nhà nước

Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM) đề xuất cần có thêm một chương riêng về hợp tác quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, sẽ có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam khi mua bán hàng ở nước ngoài cũng như người nước ngoài mua bán hàng ở Việt Nam.

Đặc biệt, theo ĐBQH Tô Thị Bích Châu, cần bổ sung nhóm điều hoặc một chương về bảo quyền lợi liên quan tới các sản phẩm, dịch vụ Nhà nước độc quyền cung ứng như xăng dầu, điện nước, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Bà nêu lại câu chuyện xăng dầu trong thời gian qua. Người tiêu dùng có quyền tiếp cận nhưng còn gặp hạn chế khi được đáp ứng. Những quy định này phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan cung cấp cũng như của người tiêu dùng.

“Ví dụ, người tiêu dùng có trách nhiệm phải tiết kiệm điện nhưng Nhà nước khi độc quyền cung ứng thì phải đảm bảo quyền lợi cho người dân được tiếp cận”, ĐB nói thêm.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI