Tại thảo luận tổ chiều 8/11 về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về việc phải chú trọng tới việc rèn luyện ngôn ngữ ở trẻ. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: “Lâu nay chúng ta bỏ bê việc học nói. Học nói phải giải quyết từ khâu mẫu giáo và hết cấp một phải giải quyết xong”.
Lý giải về việc phải coi trọng điều này, ông Nghĩa cho hay: “Bây giờ có những người lớn rồi, thậm chí bằng cấp cao rồi mà vẫn viết sai chính tả”.
|
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải quan tâm việc rèn luyện ngôn ngữ và ngoại ngữ của học sinh |
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng, phải bổ sung phát triển ngôn ngữ cho trẻ em. Vì nhiều lý do mà không phải tất cả ngôn ngữ của trẻ đều phát triển bình thường, hiện đã có một tỷ lệ trẻ nhất định bị rối loạn ngôn ngữ.
ĐB Bạch Tuyết chia sẻ, điều 9 trong dự thảo luật đã có quy định về ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, cần phải có chủ trương để thay đổi phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay. Mục tiêu là sau 12 năm học tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác thì học sinh có thể sử dụng được trong giao tiếp, đọc tài liệu đơn giản.
Từ đó, ĐB Bạch Tuyết đề nghị có các chủ trương liên quan tới việc trang bị kiến thức ngoại ngữ, là kỹ năng cần thiết để làm việc, học tập trong môi trường hội nhập như hiện nay.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng đặc biệt xem trọng vấn đề này. Ông cho rằng, việc học ngoại ngữ với những quốc gia như Việt Nam có tầm quan trọng, khác với nhiều quốc gia khác. Bởi hiện nay, phải có ngoại ngữ mới có thể hiểu và tiếp cận được nhiều thông tin mà trong đó, nhiều tài liệu chưa dịch sang tiếng Việt. “Ngay ở Quốc hội này, có những nội dung tôi cũng phải tìm các tư liệu bằng tiếng Anh”, ĐB Trọng Nghĩa dẫn chứng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất phải tăng cường ngoại ngữ từ lúc nhỏ, nếu phổ cập được là điều đáng mừng.
Minh Quang