ĐB Dương Trung Quốc: 'Cán bộ thường chỉ có xuống là xuống hẳn, không lên được'

23/05/2018 - 11:49

PNO - Trong lịch sử, ông Nguyễn Công Trứ, có lúc ông xuống làm hiệu lệnh vì làm sai, có lúc lên gần thượng thư. Còn ở Việt Nam hiện nay, cán bộ thường chỉ “có xuống là xuống hẳn, không ai lên được", ĐBQH Dương Trung Quốc nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Mục tiêu tổng quát của đề án cải cách nhằm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế.

Liên quan tới Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, Nghị quyết có nhiều ưu điểm. Trong đó có việc cắt bỏ tất cả chi phí không hợp lý như, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ… Hay thực hiện chính sách tiết kiệm như khoán xe, quản lý tiền mua sắm tài sản…

Theo đại biểu Phương, chính sách mới đã quan tâm tới tiền lương tương xứng với vị trí việc làm của người lao động. Bên cạnh đó chuyển đổi theo hướng khoán lương. Cơ quan và thủ trưởng ban ngành có thể sử dụng lương để thưởng và có thể ghép vị trí việc làm lại để con người đó được tăng lương.

“Như vậy giảm được biên chế và tăng lương cho người lao động đảm nhiều nhiều công việc cùng một lúc”, ĐB Phương chia sẻ.

DB Duong Trung Quoc: 'Can bo thuong chi co xuong la xuong han, khong len duoc'
ĐB Dương Trung Quốc đánh giá, cải cách tiền lương là vấn đề tất yếu để cơ quan NN không mất nhân lực lao động

Trong khi đó, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, chính sách cải cách tiền lương là vấn đề cấp thiết trong tình hình thực tế. Theo đại biểu này, hiện nay có rất nhiều nơi thu hút nhân tài.

“Tình trạng các bác sĩ ra bệnh viện tư, giáo viên giỏi ra trường tư chính là sự lành mạnh, tạo ra sự cạnh tranh tích cực, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì mất nhân lực là đương nhiên, chưa nói tới việc chảy máu chất xám ra nước ngoài”, ông Quốc phát biểu.

Liên quan tới chủ trương của Trung ương là sẽ chấm dứt biên chế suốt đời với các cán bộ công chức Nhà nước, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ngoài việc để cán bộ công chức “có vào có ra, có lên có xuống” thì cần phải…“có xuống có lên”.

“Trong lịch sử có ông Nguyễn Công Trứ, có lúc ông xuống làm hiệu lệnh vì làm sai, có lúc lên gần thượng thư. Anh có lỗi phải phạt, có công phải thưởng. Nếu không sẽ dẫn tới tâm lý an toàn,  không ai tạo ra đột phá. Ở Việt Nam thường chỉ “có xuống là xuống hẳn”, không ai lên được”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

T.Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI