Dạy tủ, học vẹt và chật vật thi cử khi gặp đề "lạ"

13/06/2024 - 18:03

PNO - Kiến thức dù là phổ thông cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế, học sinh khi đã học phải hiểu và vận dụng được vào cuộc sống.

Tôi còn nhớ ngày xưa khi thi vào lớp 6, đề văn là “Tả con chó nhà em nuôi đã lâu”. Tôi và các bạn đều rất mừng vì bài tập làm văn năm lớp 5 cô đã cho đề “Tả con chó”. Nhưng nhiều bạn đã bị lạc đề vì viết câu nhập đề: “ Ba em mới xin/mua một con chó” theo bài gợi ý của cô. Trong khi tôi may mắn không bị lạc đề vì câu nhập đề là “”Gấu, gấu” đó là con chó nhà em nuôi đã được 3 năm”. Thật ra tôi cũng không chú ý lắm chi tiết “nuôi đã lâu”, chỉ may là lấy câu nhập đề hay hay của thằng bạn trong lớp lúc cô sửa bài tập làm văn kể

Đề toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khiến nhiều thí sinh thấy "sốc"

Nhiều kiến thức được học thuở ấy rất gần gũi và thực dụng. Ví dụ như bài học thuộc lòng: "Đói ăn , khát uống sự thường - Ốm đau thì có nhà thương sẵn sàng - Dùng thuốc nhảm dễ chết oan - Không thì tiền mất tật mang suốt đời". Hoặc là bài toán đi chợ mua rau, mua thịt, mua gạo… với số tiền cụ thể đem theo sẽ còn lại bao nhiêu. Hoặc là trồng bao nhiêu cây trên mảnh đất có diện tích xác định. Tất cả những điều được học ấy sau này có thể áp dụng trong cuộc sống để chữa bệnh, để tiêu xài, thậm chí để tính toán gạch xây, gạch lát khi cần sửa nhà đơn giản. Trước đó nữa cha, ông chúng tôi nếu có bằng tiểu học có thể làm thư ký cho nhà buôn, làm giáo viên sơ cấp… để nuôi sống bản thân và gia đình chỉ nhờ viết chữ rõ ràng, tính toán đúng. Và nhất là biết đọc sách để tự học thêm.

Năm 1979, học sinh Lê Bá Khánh Trình của Việt Nam được giải thưởng đặc biệt do nữ hoàng Anh trao khi đưa một bài toán có đáp án phức tạp về bài giải đơn giản nhờ ứng dụng kiến thức vật lý đã học. Bài giải của Trình đã làm bất ngờ cho cả các giáo sư ra đề.

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay tại TPHCM nhiều thí sinh phát khóc vì không làm bài được. Trong khi đó các chuyên gia giáo dục lại cho rằng tất cả đề bài chỉ dùng các kiến thức phương pháp đã được học đều có thể giải được với một chút suy luận. Điều đó nhắc chúng ta về yêu cầu “Học phải đi đôi với hành”, cụ thể là phải vận dụng được kiến thức đã được học vào cuộc sống.

Nhưng làm sao vận dụng được khi mục đích hiện nay của học sinh, của cha mẹ học sinh và của cả giáo viên, nhà trường là dạy cho học sinh để có khả năng thi đỗ, để học lên trên. Ở lớp cuối cấp các học sinh học và học thêm để luyện thi, để biết làm bài, giải bài theo các dạng đề mẫu. Khi thi học sinh chỉ cần nhớ dạng đề là có thể làm bài. Khác đi sẽ bó tay, than khó và khóc!

Không thể trách các em được vì thầy cô, nhà trường đã đào tạo các em thành cỗ máy học để thi. Và không chỉ các em học sinh phổ thông mà cả các cấp học khác, thậm chí các lớp nâng cao, lớp kỹ năng nào đó, nếu có thi thì học viên chỉ chăm chú học khi giảng viên nhấn mạnh nội dung này sẽ ra đề thi.

Cần phải thay đổi tư duy dạy và học. Học để hành chứ không phải để thi, để có bằng cấp. Sao cho người đã học qua bậc học nào đó, lớp nào đó, có bằng cấp hay không đều có thể áp dụng điều mình đã được học, để áp dụng vào cuộc sống hay có thể tự học thêm trên nền tảng kiến thức đã được tiếp thu. Điều đó chỉ có thể đạt được khi thay đổi cách dạy và trước mắt là cách ra đề. Đề thi phải thiên về thực tế, thiên về vận dụng các kiến thức đã học chứ không phải để học sinh làm được bài thi nếu nhớ lời giải theo các đề mẫu đã học.

Nguyễn Thu Đăng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI