Dạy trực tuyến, người thầy càng phải bao dung

21/09/2021 - 10:59

PNO - Khi dạy học online gần như trở thành hình thức bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh thì rất nhiều sự cố, tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra. Kỳ thực, đằng sau những đoạn clip về lớp học online là những câu chuyện dài, cần sự cố gắng và cả kỹ năng ở người dạy lẫn người học.

Khi dạy học online gần như trở thành hình thức bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh thì rất nhiều sự cố, tai nạn nghề nghiệp đã xảy ra. Mới đây, dư luận tranh cãi quanh việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến khi người học nhờ thầy giảng lại bài vì… mưa to quá không nghe rõ nội dung. Cộng đồng giảng viên, sinh viên sôi nổi “mổ xẻ” thực - hư, ai đúng - ai sai. Kỳ thực, đằng sau những đoạn clip về lớp học online là những câu chuyện dài, cần sự cố gắng và cả kỹ năng ở người dạy lẫn người học.

Trực tiếp hay trực tuyến cũng cần đảm bảo tính mô phạm

Là người nghiên cứu về tâm lý con người và lĩnh vực giáo dục, tôi nhận thấy giữa lúc đại dịch vẫn đang phức tạp, cả người dạy và học đang gánh chịu những ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ. Chưa kể những bất lợi từ điều kiện ngoại cảnh như gió mưa, bão lũ, tín hiệu đường truyền không ổn định… Có mặt tham gia lớp học online là sự may mắn và cả sự nỗ lực của thầy và trò. Nhưng dù lớp học được triển khai bằng hình thức nào thì tính mô phạm phải được đảm bảo. Bởi, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách cho người học.

Thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên Trường THCS Trần Bội Cơ  (Q.5), khẳng định: “Tính mô phạm trong giao tiếp ứng xử sư phạm được xem là một trong những nguyên tắc nền tảng góp phần tạo nên chất lượng dạy và học. Người thầy xưa nay luôn được xem là hình mẫu, khuôn mẫu chuẩn mực cho người học noi theo qua tác phong, cử chỉ, hành vi giao tiếp, phong cách đứng lớp. Do đó, tính mô phạm cần được đảm bảo không chỉ trong giáo dục trực tiếp mà cả trực tuyến”. 

Thầy cô phải giữ được tính mô phạm, hành xử  chuẩn mực kể cả khi chỉ dạy trước màn hình máy tính.   (Trong ảnh: Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi  Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) chuẩn bị tươm tất khi dạy  online tại nhà)
Thầy cô phải giữ được tính mô phạm, hành xử chuẩn mực kể cả khi chỉ dạy trước màn hình máy tính. (Trong ảnh: Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) chuẩn bị tươm tất khi dạy online tại nhà)

“Thời COVID” không gian sư phạm trở nên hết sức đặc biệt. Để phát huy hiệu năng của lớp học trực tuyến, ngoài đảm bảo về thiết bị dạy và học, đường truyền internet, kỹ năng công nghệ thông tin… thì người thầy cần phải gia tăng tính bao dung, sự thấu hiểu và cảm thông để hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho người học đạt kết quả tốt nhất. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường đại học Văn Lang, chia sẻ: “Khi dạy online, tôi thường hỏi sinh viên đã nắm được thông tin gì và mong muốn được hỗ trợ giảng lại chỗ nào. Với những sinh viên dù đã nghe tai phone nhưng không rõ thì yêu cầu vẫn theo dõi nội dung trên slide trình chiếu. Sau bài học, sinh viên tự đọc thêm tài liệu, nếu có chỗ nào không hiểu thì hôm sau hoặc lúc nào đó tín hiệu internet ổn định thầy và trò sẽ trao đổi lại. Việc quan trọng nhất để giáo dục hiệu quả trong thời điểm này đó là truyền được tinh thần “học thật” cho sinh viên”. 

Do đó, khi học trò chưa tập trung vào bài giảng dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì đứng vai trò là người thầy phải giữ điềm tĩnh, cẩn ngôn và mô phạm nhất có thể để tìm hiểu nguyên nhân câu chuyện. Trên cơ sở đó, có hướng giải quyết hợp lý nhất. Cần tôn trọng người học và không nên chỉ trích hay phê bình trước tập thể. Giảng viên cũng cần quan tâm hơn đến sinh viên thông qua lời hỏi thăm, sự đồng cảm, khích lệ… Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc động viên, cổ vũ, hình thành những tư tưởng, hành vi tốt đẹp cho người học cố gắng trong thời gian đầy khó khăn này.

Cần sự cố gắng và hợp tác từ hai phía

Minh chứng thực tế phản ánh rằng khi xảy ra những tình huống không mong muốn rất dễ kéo theo hàng loạt những cảm xúc tiêu cực và đó có thể là nguồn cơn dẫn đến những hành vi “xả” cảm xúc, “trút” bức xúc. Nếu người học không kiểm soát được mình có thể ảnh hưởng đến bầu không khí tâm lý lớp học và thậm chí làm tổn thương đến những người trong cuộc. 

Thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Học online, điều đầu tiên sinh viên cần có là nhận thức một cách đúng đắn về nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ những quy định của lớp học. Lớp học trực tuyến sẽ bị hạn chế rất nhiều về sự tương tác. Do đó, tinh thần hợp tác xây dựng bài, thái độ tôn trọng cả người dạy lẫn bạn cùng học để hướng đến mục tiêu chung không thể xem nhẹ. Nếu xảy ra sự cố, bất hòa giữa cá nhân với giảng viên hay bạn học thì sinh viên cần tiết chế cảm xúc và tôn trọng không gian học tập chung”.

Liên quan vấn đề này, cô Đào Lưu cũng dặn dò thêm người học: “Các bạn nên cố gắng tập trung và tìm cách hạn chế tối đa các nhân tố gây nhiễu trong quá trình học online. Thay vì yêu cầu người dạy giảng đi giảng lại thì có thể ghi chú lại chỗ chưa hiểu để khi thuận tiện nhờ thầy cô giảng giải giúp. Bởi một giảng viên phải dạy rất nhiều sinh viên nên không thể một lúc đáp ứng tất cả yêu cầu của các bạn”. 

Tôi nghĩ rằng lớp học online sẽ đạt hiệu năng tốt nhất khi và chỉ khi giữa người dạy và người học có sự cố gắng, cùng hợp tác để đạt mục tiêu chung. Là những người trí  thức, chúng ta cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dạy, người học để mọi thứ trở nên dễ chịu hơn. Rõ ràng, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khi có sự hợp tác và trách nhiệm chung thì những ẩn ức, khó khăn trước mắt sẽ dần được cởi bỏ. 

Đây là lúc các nhà quản lý, người dạy và người học cần nhìn nhận lại vấn đề một cách đa diện, đi đến sự thỏa hiệp để cùng phát triển, đó mới chính là giáo dục. Tôi nghĩ ở khía cạnh nào đó, người thầy dù đúng dù sai thì sự chỉ trích, lên án một người “trao chữ” cũng cần có tinh thần giáo dục, nhân văn trong đó. 

Việc “chấn chỉnh” giáo viên là việc của các nhà quản lý giáo dục, việc thông cảm hay nhận định về người thầy là việc của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Thiết nghĩ, những người trong cuộc sẽ có cách “phán quyết” trên tinh thần nhân văn nhất mà vẫn tạo nên kỷ cương trong dạy học. 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI