Dạy trẻ phân biệt 'muốn' và 'cần'

13/05/2015 - 11:00

PNO - PN - Hầu hết các bậc làm cha mẹ đều trải qua những lúc vất vả tìm cách thuyết phục những đứa con ương ngạnh. Từ việc ăn thêm nhiều rau, bớt ăn đồ ngọt, cho đến việc cha mẹ không đồng ý mua đồ chơi đắt tiền... tạo ra các cuộc tranh luận khó chịu giữa con trẻ và cha mẹ. Để trẻ có thể dễ dàng chấp nhận ý kiến của người lớn, cha mẹ phải giúp bé hiểu những quyết định như thế đã được xem xét kỹ giữa việc “cần có” và “muốn”. Cha mẹ có thể tham khảo cách đơn giản sau để giải thích cho bé.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bảng “mong ước”

Đứa bé nào cũng có những mong ước, là những món đồ chơi, bánh kẹo, hay mong muốn được đi chơi. Ngược lại, trẻ cũng có những nhu cầu về dinh dưỡng, học tập… Nhưng các bé thường không phân biệt được đâu là mong muốn, đâu là nhu cầu. Chính vì thế, cha mẹ cần giúp bé phân biệt điều ấy bằng một bảng ghi chú trực quan.

Chọn ra một nơi rộng rãi mà bé và gia đình hay sinh hoạt. Đó có thể là mặt tủ kính trong phòng khách, cửa tủ lạnh, tường phòng của bé hay bảng sinh hoạt chung của nhà. Sử dụng bề mặt này, cha mẹ vẽ nên hai cột phân loại: “muốn” và “cần”. Với bảng phân loại, mỗi lần bé đòi cha mẹ một thứ gì đó hay mỗi lần cha mẹ khuyên bé cần một thứ gì, hãy dán hay vẽ chúng vào cột phân loại trên.

Có thể sử dụng chữ viết, hoặc cắt hình từ trong báo, tạp chí, quảng cáo, ảnh chụp, thậm chí để trẻ vẽ ra điều bé mong muốn và gắn lên bảng này. Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp trẻ biết được thứ bé muốn nằm ở mục nào trên bảng “muốn” và “cần”. Từ đó, bố mẹ có thể dạy cho bé hiểu được ước muốn và nhu cầu nào cần phải ưu tiên.

Day tre phan biet 'muon' va 'can'

Dạy trẻ phân biệt

Bước khó nhất của hoạt động này là giải thích cho bé biết để phân loại “muốn” và “cần”. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn giải thích từng chút một cho trẻ, sau đó bé có thể tự phân loại được chúng.

Bắt đầu từ lúc tạo bảng phân loại “cần” và “muốn”, cả nhà hãy ngồi lại với nhau và hỏi xem bé có những mong ước và ý thích gì. Chẳng hạn như bé thích ăn bánh ngọt, chơi trò chơi điện tử hay thích một món đồ chơi nào đó. Cùng lúc, bố mẹ hãy liệt kê những nhu cầu mà bé cần, ví dụ như bé cần ăn thêm nhiều rau, đánh răng trước khi ngủ, mang mũ bảo hiểm khi đi xe đạp...

Sau đó, hãy cùng trẻ tìm lý do tại sao bé thích và cần với mỗi thứ đã liệt kê. Với những ước muốn mà cha mẹ cần giúp trẻ kìm hãm, như việc ăn đồ ngọt, phải giải thích cho bé hậu quả của chúng. Tương tự với các nhu cầu mà trẻ cần.

Khi đã có thể liệt kê hết các ý muốn và nhu cầu vào đúng bảng phân loại, cha mẹ cũng có thể đặt ra những điều kiện để bé đạt được các ước muốn và các nhu cầu này. Chẳng hạn, nếu trẻ muốn mua một món đồ chơi nào đó, cha mẹ có thể đặt ra điều kiện là bé phải làm theo các nhu cầu như phải liên tục đánh răng đều đặn trong vòng một tuần; hoặc trẻ sẽ được thưởng bánh ngọt nếu ăn hết phần rau trong bữa ăn.

Sau đó, mỗi lần trẻ đưa ra một yêu cầu hoặc khi cha mẹ đặt ra một nhu cầu bé cần, hãy hỏi bé xem chúng nên được liệt kê vào cột “muốn” hay “cần”. Tiếp tục giải thích những điều mới cho đến khi bé có thể tự dễ dàng sắp xếp các nhu cầu của mình vào đúng cột. Qua đó, bé cũng sẽ học được cách suy xét và phán đoán tốt hơn.

 BẢO BÌNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI