Dạy trẻ “lý sự” lễ phép

25/07/2022 - 05:47

PNO - Những năm trước, con tôi còn nhỏ nên mọi người quen với sự dạ vâng của cháu bé. Năm rồi, con trai đã 10 tuổi, khi tôi và mọi người nói gì liên quan đến cháu, cháu phản hồi lại.

Con trai Alex rất thích trò chuyện với bố, mẹ
Con trai Alex rất thích trò chuyện với mẹ

Khi thấy con tôi trả lời tôi, mẹ tôi lên tiếng: “Cháu không được nói lại mẹ, vậy là hỗn đó”. Con trai tôi im lặng, chưa hiểu vì sao bà nói mình hỗn, “con nít mà lý sự”.

Biết mẹ tôi không quen tình huống dân chủ này, nên tôi giải thích: “Dạ, là do con cho phép và dạy con trai cách thể hiện bản thân, nếu trước mặt bố mẹ ông bà, đứa trẻ không dám nói thì sao mong đứa bé ấy sẽ lên tiếng ở ngoài xã hội?”.

Dưới đây là 7 nguyên tắc mà vợ chồng tôi kiên nhẫn rèn luyện cho con trai: 

1. Chia sẻ góc nhìn không phải là thói quen xấu:

Trẻ con hay e ngại sẽ bị dán nhãn “nói leo”, “nói sai”, “trả treo”, “hỗn” hoặc tự cảm thấy ý kiến của chúng không quan trọng đối với người khác, vì vậy chúng dễ dàng hùa theo ý kiến của người khác.

Những trẻ có ý kiến riêng không được tôn trọng dần trở nên tự ti hay sẽ có cảm giác dồn nén và đôi khi để có được sự chú ý của người khác, chúng có thể gây ra những hành động thiếu kiểm soát. Vì vậy, để tập cho trẻ có thói quen thể hiện quan điểm, trước tiên cần hỏi trẻ những dạng câu xác nhận đơn giản “có” hoặc “không” và dần dần phát triển thành những trao đổi phức tạp hơn như: “Ý con thế nào?”, “Về chuyện này con cảm thấy sao?”, “Cha/mẹ cần biết suy nghĩ của con về việc này vì nó có liên quan đến con”…

2. Dạy trẻ cách thể hiện ý kiến:

Có thể cha mẹ sẽ cảm thấy khó chịu khi trẻ đưa ra ý kiến riêng và lo sợ một ngày trẻ không còn nghe mình nữa, nhưng sự thật ngược lại nếu trẻ được tạo môi trường dân chủ từ nhỏ. Như con trai tôi, khi biết ý kiến đúng của mình được lắng nghe và nếu cha mẹ góp ý vì con chưa đủ trải nghiệm để hiểu thấu đáo vấn đề, con luôn chấp nhận. Khi con tin rằng ba mẹ luôn bên cạnh và sẵn sàng lắng nghe mình, ba mẹ góp ý chắc chắn là thiện chí chứ không phải vì lo sợ con “trèo lên đầu lên cổ”.

3. Thể hiện sự quan tâm đối với cảm xúc riêng của trẻ:

Vào bữa cơm tối, chúng tôi thường hỏi thăm về những việc diễn ra trong ngày của nhau. Kể cả khi con tôi bị thầy cô mắng vốn vì chuyện gì đó, chúng tôi cũng hỏi ý kiến của bé với tư cách là người trong cuộc để có cái nhìn đầy đủ và đa chiều. Hoặc khi thấy con dành nhiều thời gian chơi game, chúng tôi không vội la mà hỏi: “Vì sao con thích trò đó?”, “Nó giúp ích gì cho con không?”, “Chơi môn đó con có phát triển được gì hay tốt hơn mặt nào không?”… Việc hỏi thăm sẽ giúp trẻ tự nhìn nhận lại bản thân và vấn đề, dừng những thói quen vô bổ sau khi nghe chúng tôi phân tích. Khi đầy đủ sự quan tâm và tôn trọng của cha mẹ, trẻ không cần những trò lố nhằm thể hiện bản thân và thu hút sự chú ý của người lớn nữa.

4. Trẻ tập chịu trách nhiệm với phát biểu của mình:

Một khi đã trao quyền cho trẻ thể hiện suy nghĩ, cũng là khi ba mẹ yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Ví dụ khi tôi hỏi con về những sự việc ở trường, nếu con không nói thật, con sẽ bị phạt: không được ăn kem trong một tháng, không xuống sân chơi với bạn trong một tuần… Có khi tôi muốn cả nhà ra ngoài ăn tối cuối tuần nhưng con không muốn đi, thì khi ba mẹ đã ra ngoài, con không thể gọi điện bắt ba mẹ về, vì vậy con phải suy nghĩ kỹ về lựa chọn của mình.

5. Cho trẻ bàn luận về những vấn đề thời sự:

Với sự phát triển của internet và các ứng dụng mạng xã hội ngày nay, trẻ phần nào tự biết được thông tin nào thuộc lĩnh vực cấm kỵ, nhạy cảm hoặc thuộc chủ đề nóng. Và kể cả khi gia đình né tránh về những chủ đề như “giới tính”, “bạo lực”, “phân biệt đối xử”, “phân biệt vùng miền”… thì trẻ cũng sẽ đối diện hằng ngày từ internet, sách báo, phim ảnh… Vì vậy khi thấy trẻ phát triển phù hợp với những vấn đề gì, chúng tôi cũng chủ động mang ra trao đổi, dù nó không liên quan trực tiếp đến con mình. Chúng tôi chia sẻ với bé về vấn đề văn hóa sắc tộc trên thế giới, những khác biệt của từng vùng miền cần được tôn trọng, vấn đề tôn trọng động vật… Con tôi luôn thấy mình có giá trị khi ý kiến được lắng nghe, vì vậy ở trường con cũng tự tin đưa tay phát biểu, mạnh dạn chia sẻ ý kiến trước đám đông và biết bảo vệ ý kiến của mình một cách hòa nhã.

6. Chia sẻ ý kiến một cách lịch sự:

Việc chờ đến lượt được nói lên suy nghĩ cũng như việc xếp hàng chờ mua vé xem phim, trẻ cần học cách thể hiện lịch sự. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua việc đưa tay phát biểu trong lớp, đợi người khác nói xong mới lên tiếng. Trẻ con chưa biết rõ điều này, vì vậy cần người lớn chỉ dẫn, chúng ta không đưa ra nhận xét: “Nói vậy là hỗn”, “Nói vậy là thô lỗ” mà chỉ cho trẻ cách thể hiện suy nghĩ một cách đúng đắn và lịch sự. 

Con trai tôi và ba cháu
Con trai tôi và ba cháu

7. Cách tiếp nhận và xử lý những phản hồi:

Bên cạnh việc dạy trẻ cách diễn đạt suy nghĩ và lắng nghe ý kiến của người khác, chúng ta cũng cần trang bị cho trẻ kỹ năng xử lý những phản hồi từ người khác. Khi con tôi bị bạn bè ức hiếp bằng cách hạ nhục như kiểu nói: “thằng ngu, thằng đần”, chúng tôi hỏi con cảm thấy thế nào, tự con có thấy mình ngu hay đần không và hãy lơ những người có cách phát ngôn như vậy, không nên bị kích động bởi những cái bẫy châm chọc của bạn bè vì đó là những ý kiến không thật lòng. Còn nếu bạn có những ý kiến khác trong thái độ lịch sự thì con nên cân nhắc và lắng nghe.

Con cái chúng ta cũng cần học cách lắng nghe phản hồi, thay đổi ý kiến, cân nhắc ý kiến của người khác khi họ không đồng quan điểm. Việc tất cả chúng ta có ý kiến khác nhau là bình thường và người có ý kiến khác không phải là kẻ thù. Cởi mở và tiếp thu là cội nguồn của sự tiến bộ. 

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI