Dạy trẻ làm chủ thay vì làm nô lệ thiết bị số

25/09/2024 - 06:17

PNO - Cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong trường, trong lớp là vấn đề gây tranh luận từ lâu. Bên phản đối, phía ủng hộ đều có những lập luận riêng khá thuyết phục.

Theo khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi, trong khi trên thế giới là 13 tuổi  - Ảnh: Phùng Huy
Theo khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi, trong khi trên thế giới là 13 tuổi - Ảnh: Phùng Huy

Việc tranh luận này không chỉ xảy ra ở riêng nước ta mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới.

Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích, sự tiện dụng mà điện thoại thông minh mang lại. Nhưng cũng chính chiếc điện thoại này khiến học sinh xao nhãng việc học, sa đà vào mạng xã hội, vào game, giảm sự tương tác với những người xung quanh, biến học sinh thành những kẻ lơ ngơ trong đời thực, khuyết thiếu nhiều kỹ năng. Chỉ riêng việc sa đà trên mạng xã hội, học sinh có thể bị rơi vào nhiều loại cạm bẫy, cám dỗ khó lường.

Khi các trường cấm dùng ĐTDĐ trong trường, một số học sinh bứt rứt, oán giận bởi chúng đã nghiện ĐTDĐ mà phần đông là do cha mẹ tiếp tay. Không ít cha mẹ dùng điện thoại thông minh làm “phương tiện” dỗ trẻ ăn cơm, giam chân trẻ khi trông giữ chúng. Rất nhiều cha mẹ vô tư cho con vào mạng xã hội từ lứa tuổi tiểu học, thậm chí lập tài khoản riêng cho con. Hệ quả là khi lớn lên, số học sinh biết dùng điện thoại thông minh làm công cụ học tập ít hơn rất nhiều so với số học sinh xem đó là thiết bị giải trí và không ít học sinh nghiện ĐTDĐ.

Năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) kêu gọi các nước cấm dùng ĐTDĐ trong trường học để ngăn ngừa tình trạng học sinh thụ động, thiếu kỹ năng giao tiếp và tư duy phản biện. Theo Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu (GEM) năm 2023 của UNESCO, việc dùng ĐTDĐ quá mức làm giảm hiệu suất học tập và tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc của trẻ. Cũng theo UNESCO, sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò vẫn là yếu tố cốt lõi trong quá trình học tập.

UNESCO cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thận trọng khi áp dụng công nghệ số, bởi không phải mọi sự thay đổi đều tốt đẹp. Đến nay, rất nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, nền khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển đã ban hành lệnh cấm học sinh dùng ĐTDĐ trong trường. UNESCO ước tính, cứ 4 quốc gia thì có 1 quốc gia cấm dùng ĐTDĐ trong khuôn viên trường học.

Ở một chiều hướng khác, Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc (UNICEF) và Văn phòng Cao ủy nhân quyền của Liên hiệp quốc (OHCHR) đã kêu gọi mở các lớp hướng dẫn sử dụng kỹ thuật số, công dân kỹ thuật số để trang bị kỹ năng số cho học sinh. Các nước Singapore, Đan Mạch đã bước đầu thành công khi hướng dẫn trẻ mầm non cách “sống chung thông minh” với thiết bị số.

Được biết, chương trình giáo dục mầm non mới của Việt Nam sẽ có phần khám phá khoa học và công nghệ. Chương trình này sẽ được thí điểm vào năm 2025 sau khi được thẩm định, nhằm trang bị kỹ năng số cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để chương trình mới đạt hiệu quả như kỳ vọng, cần quá trình rất dài và rất cần đến sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và gia đình.

Trẻ cần được dạy kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng công nghệ một cách đúng đắn, hiệu quả. Đặc biệt, trẻ cần được dạy để hiểu rằng, thiết bị công nghệ không thay thế được sự tương tác giữa người với người, giữa thầy với trò; trẻ cần phải hòa mình vào cuộc sống thực để phát triển toàn diện, để hoàn thiện mình. Khi chúng ta chưa dạy trẻ những điều đó thì có lẽ cấm dùng ĐTDĐ trong môi trường học đường là phương án tốt nhất.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI