Chiều 26/3, Ban quản lý chung cư Lê Thành, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM thử chuông báo cháy của chung cư. Chị Trương Mỹ Tiên ở căn hộ A1-2.10 quyết định tập cho con thoát hiểm trước tình huống này.
Chị giải thích cho hai con cùng độ tuổi lên 5 hiểu đây là tình huống giả định và đưa con khăn ướt che mũi, miệng, chuẩn bị thoát ra khỏi căn hộ. Nhưng hai bé đứng im. Một bé lộ vẻ sợ hãi, bé kia khóc toáng khi nghe tiếng chuông báo cháy inh ỏi, thấy vẻ gấp gáp của mẹ và nhất định không bước ra khỏi nhà.
Đây chính là tình huống mà ông Trần Tuấn Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo giá trị sống - Kỹ năng sống YMCA cảnh báo các bậc cha mẹ: trẻ sẽ hoảng loạn, khóc thét và không tự di chuyển được khi có hỏa hoạn.
|
Trẻ ầm non được dạy kỹ năng thoát hiểm đám cháy |
Dạy trẻ thoát hiểm trong đám cháy là điều rất cần thiết, không chỉ là lý thuyết mà phải cho bé thực hành, tập đi tập lại nhiều lần. Bởi khi có sự cố về cháy nổ, trẻ em thường trở thành nạn nhân đầu tiên do không biết cách thoát hiểm.
Để an toàn cho trẻ và hạn chế thấp nhất thương vong khi có cháy nổ, các bậc cha mẹ nên dạy cho con những kỹ năng thoát hiểm ngay từ khi các em còn nhỏ. Bên cạnh các lớp học về kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn mà trẻ được hướng dẫn ở trường, cha mẹ có thể dạy bé thực hành thường xuyên trước những tình huống cụ thể được Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM hướng dẫn dưới đây.
1. Việc đầu tiên cần dạy trẻ là nhận diện tình huống nguy hiểm như: chuông báo cháy kêu inh ỏi, ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì trẻ cần hô lớn “cháy, cháy”, hoặc kêu “cứu con với” và có thể cầm bất cứ thứ gì tạo ra âm thanh để báo động với người xung quanh.
Trong trường hợp có cháy nhưng cửa nhà khóa, trẻ càng phải cố gắng giữ bình tĩnh, kêu gọi sự trợ giúp của người lớn trong gia đình và người xung quanh. Trẻ phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa với số điện thoại là 114. Trường hợp cháy ở nơi khác, khi nghe có chuông báo cháy thì cần nhanh chóng di chuyển để thoát nạn.
2. Cha mẹ hãy chỉ cho bé những lối thoát hiểm để có thể thoát ra ngoài. Trường hợp trẻ ở nhà một mình - nếu nhà biệt lập ở dưới đất chỉ có một cửa ra, đó chính là lối thoát hiểm. Nếu nhà có cửa trước và cửa sau đều dẫn ra ngoài thì cả hai lối này đều thoát nạn được.
Với nhà chung cư, cao tầng, hãy dạy trẻ thoát ra bằng cầu thang bộ chống nhiễm khói. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Cần giải thích cho trẻ hiểu, khi mới phát hiện cháy và đám cháy còn nhỏ thì cần thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Trong trường hợp đám cháy lớn, bít cửa ra vào, trẻ cần phải tìm nơi thoáng nhất trong nhà như ban công để chống ngạt. Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh (có kỹ năng thoát hiểm), phải dạy trẻ bình tĩnh làm theo sự
chỉ dẫn.
3. Hãy luôn nhắc trẻ, khi di chuyển thoát hiểm phải mang theo bất cứ vật gì có thể thấm nước như quần áo, khăn, vải… để nhúng nước, buộc quanh mặt ra sau tai hoặc bịt lên miệng, mũi phòng tránh hít phải khói, khí độc gây ngạt, bỏng hô hấp. Nếu thấy các bác, cô, chú hàng xóm đang thoát nạn thì cầu cứu sự giúp đỡ và di chuyển cùng họ. Nếu không có ai trợ giúp, trẻ phải bình tĩnh tự mình di chuyển.
4. Nếu ở chung cư, trẻ hãy di chuyển từ cửa căn hộ, theo hành lang, đến cầu thang bộ, hay cửa vào buồng thang bộ gần nhất. Hãy dạy trẻ nhận diện lối thoát hiểm là nơi có chữ EXIT màu xanh. Trước khi chạy vào lối thoát hiểm, trẻ cần quan sát xem có lửa hay khói ở lối này không.
Ngoài mắt, có thể quan sát, thăm dò bằng tay theo cách chạm tay vào cửa thoát hiểm hoặc hé mở nhẹ - nếu cửa nóng và khói tràn vào thì lối thoát hiểm không an toàn. Nếu không có khói hãy chạy nhanh xuống đất. Nếu có khói nhẹ, hãy di chuyển bằng cách cúi đầu thấp, đi khom, hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra, trong khi tay vẫn luôn dùng khăn ướt che mũi, miệng.
5. Trong trường hợp cầu thang bộ có nhiều khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp tất cả thang bộ đều có khói, lửa thì trẻ hãy trở về căn hộ của mình, đóng cửa lại và lấy mền, khăn, áo quần nhúng nước, nhét vào các khe hở của cửa.
Sau đó, tìm nơi thoáng nhất ẩn náu như cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại) và dùng điện thoại gọi 114 thông báo cho cảnh sát PCCC biết trẻ đang ở phòng số mấy của tòa nhà để được cứu hộ. Trong lúc đó, trẻ cần tiếp tục kêu cứu, dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu. Nếu trời tối có thể kêu cứu bằng cách tạo ánh sáng bằng điện thoại, đèn pin.
Phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các đám cháy là do ngạt, ngộ độc khói và khí độc kèm trong khói. Do đó, ngoài di chuyển thoát hiểm, cần dạy trẻ cách phòng tránh ngộ độc khói - đây là yếu tố sống còn.
|
|
Với nhiều năm kinh nghiệm về rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, ông Trần Tuấn Huy cho biết: “Công ty tôi nhiều lần tập huấn thoát hiểm cho trẻ mầm non và tiểu học. Dù là tình huống giả định, nhưng các em rất hoảng loạn, hầu hết là khóc và đứng im. Nếu là sự cố thật, chắc chắn trẻ còn bấn loạn hơn, kéo theo cha mẹ, người thân cũng mất bình tĩnh, khiến việc thoát hiểm càng khó khăn hơn. Do đó, rèn kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi có hỏa hoạn là điều nên thực hiện thường xuyên, để bé nắm vững phòng khi có sự cố thì ít nhiều cũng có kỹ năng
thoát hiểm”.
Bên cạnh đó, mỗi khi cho trẻ đi chơi ở siêu thị, trung tâm thương mại hay chung cư, căn hộ của người quen - bất kỳ ở đâu cũng cần chỉ cho bé biết lối thoát hiểm nằm ở nơi nào. Đồng thời dặn trẻ nếu có sự cố cháy nổ, nếu lỡ lạc người thân, hãy bình tĩnh thoát ra ngoài theo lối thoát hiểm. Cha mẹ cần dặn dò trẻ: vì con bé, nên khi di chuyển hãy chọn cách men sát vách tường, cầu thang để tránh bị người lớn xô đẩy, giẫm đạp. Cũng như cách thoát hiểm tại nhà, chung cư, nếu có khói, khi di chuyển trẻ cần thấm nước nón, áo. Nếu không kịp tìm nguồn nước, thì có thể dùng nước lọc, nước đóng chai làm ướt khăn để che miệng, mũi.
Nếu gia đình tự trang bị bình chữa cháy mini, nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng nếu độ tuổi của bé có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tốt. Không dạy trẻ dùng nước hắt vào đám lửa đề phòng trường hợp cháy thiết bị điện có thể gây hậu quả lớn.
Thùy Dương