Dạy trẻ hòa nhập: Đừng đổ hết lên thầy cô

19/12/2018 - 08:56

PNO - Khi có trẻ hòa nhập xin học, nhà trường phải nhận nhưng không phải trường nào cũng có giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục trẻ đặc biệt. Đây là bất cập của chính sách khiến trách nhiệm đè nặng lên thầy cô.

Nghề… trẻ gõ đầu

Khoảng 40 bé đang say sưa đọc theo cô thì Anh ngồi gật gù. Dạy đọc xong, cô giáo lấy khăn ướt xuống lau mặt và lay Anh dậy. Em là một trong những học sinh (HS) đặc biệt của lớp hòa nhập tại Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM). Không tập trung, ít nói, chậm chạp như Anh chỉ là “ca” nhẹ. Ở những lớp có HS hòa nhập thì đủ mọi loại trẻ khác biệt. Không chỉ rối loạn ngôn ngữ, các em còn rối loạn hành vi, vui buồn thất thường. Khi buồn, các em vứt hết đồ chơi, tự cào vào tay…

Cô giáo từng dạy trẻ hòa nhập ở Trường mầm non Bến Thành (Q.1) kể: trong lớp hòa nhập, thỉnh thoảng có một vài trẻ khác biệt kiểu siêu quậy. Mỗi buổi học, những bé này chỉ ngồi yên được chừng 30 phút là lại quậy tưng bừng. Những ngày trời nóng bức, các bé dễ cáu gắt, thỉnh thoảng sẽ… gõ đầu cô giáo. 

Day tre hoa nhap: Dung do het len thay co
Các giáo viên phải “gồng mình” trong lớp có trẻ hòa nhập

Khó hơn trường chuyên biệt với những loại tật riêng biệt, ở các lớp hòa nhập, mỗi trẻ có tật khác nhau, từ khiếm thính đến chậm phát triển, tự kỷ, tăng động… Dạy một trẻ hòa nhập công sức bỏ ra bằng 10 HS bình thường. Cả lớp 40-50 HS chỉ cần một giáo án, nhưng một trẻ hòa nhập là một giáo án riêng, cách ứng phó cũng tùy theo… tâm trạng của trẻ.

Áp lực từ nhiều phía

Giáo viên dạy hòa nhập còn phải chịu áp lực từ những phụ huynh có con bình thường. Họ không thông cảm và phàn nàn việc nhận HS hòa nhập. Nhiều ông bố, bà mẹ cấm con mình chơi với các bạn “đặc biệt” vì sợ... lây bệnh, sợ bị đánh. 

Thầy Nguyễn Văn Hùng, cựu Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) - ngôi trường có gần 100 HS hòa nhập mỗi năm, cho rằng: phụ huynh sợ con học chung với trẻ hòa nhập là dễ hiểu, vì ai cũng muốn bảo vệ con mình tốt nhất. Nhà trường phải nói chuyện với phụ huynh rằng bệnh của các em không quá nghiêm trọng, nhà trường và giáo viên sẽ có biện pháp để con em họ không bị ảnh hưởng. 

Thầy Văn Nhật Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11), cho biết: “Trẻ 10-11 tuổi mà não bộ phát triển như trẻ ba tuổi. Nhiều em ngây ngô hiền lành, nhưng có em rất dễ nổi cáu. Mỗi khi các em như vậy thì cô phải cho đi uống nước, rửa mặt hoặc phân công cho trẻ việc gì đó để phân tán sự tập trung, dịu bớt căng thẳng. Các trường nhận HS hòa nhập chủ yếu để trẻ có môi trường tiếp xúc, hòa nhập với bạn, rèn kỹ năng để tự chăm sóc bản thân, không đặt nặng tiếp thu kiến thức. Mỗi ngày, dạy các em biết một mặt chữ đã là thành công”.

Theo thầy Hùng, “trẻ chậm phát triển thiếu ngôn ngữ giao tiếp là do ít tiếp xúc, chuyện trò. Khi nhà trường có thể khiến trẻ chơi với nhau thì chính những đứa trẻ bình thường sẽ cung cấp ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ chậm phát triển. Khi có ngôn ngữ giao tiếp phong phú hơn, trẻ sẽ tiến bộ về mặt trí tuệ”. Nhưng tiếc là đa phần phụ huynh không mở lòng được như vậy. 

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: nguyên tắc là khi có trẻ hòa nhập xin học thì nhà trường phải nhận. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục trẻ đặc biệt. Đây là bất cập của chính sách, bởi vì khi có chuyện các cô không có được ứng xử đúng mực, xoay xở tốt. Với trẻ đặc biệt phải được giáo dục bằng phương pháp đặc biệt nên sở phải thường xuyên phải tập huấn.

Tại các địa phương, do điều kiện thiếu thốn, không có trường chuyên biệt để tiếp nhận trẻ khác biệt. Giáo viên cũng không được đào tạo dạy trẻ đặc biệt mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, bởi thế, hành xử không đúng với trẻ hòa nhập. Điều này cũng lý giải vì sao hai cô giáo ở tỉnh Nam Định cột bé tăng động vào cửa sổ. 

Chế độ bấp bênh

Dạy trẻ hòa nhập vất vả nhưng chế độ cho giáo viên vẫn chưa tương xứng và đủ sức thu hút người trẻ theo học giáo dục chuyên biệt. Theo ông Đỗ Minh Hoàng, trước đây TP.HCM có hỗ trợ cho giáo viên dạy HS hòa nhập, nhưng từ cuối năm 2017 phải tạm ngừng vì vướng thủ tục.

Từ tháng 11/2011, TP.HCM thực hiện chính sách động viên bằng cách giáo viên dạy HS khuyết tật mầm non được hưởng trợ cấp 600.000 đồng/tháng, dạy HS khuyết tật tiểu học hoặc THCS được trợ cấp 8.000 đồng/tiết, bậc THPT và giáo dục thường xuyên, mỗi tiết học nhận 9.000 đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn và chưa bao giờ được đúng như quy định.

Đã thế, vào tháng 6/2017, đoàn công tác liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì đã kiểm tra và kết luận, việc sử dụng ngân sách thành phố để trợ cấp cho giáo viên dạy hòa nhập là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, từ ngày 1/11/2017, UBND TP.HCM đã bỏ việc trợ cấp cho giáo viên dạy hòa nhập. 

Tiêu Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI