Dạy trẻ dùng internet an toàn

09/10/2023 - 06:13

PNO - 1 tuần sau lễ khai giảng, vợ chồng của bạn tôi tranh cãi nảy lửa về việc cho cậu con trai học lớp Ba mang theo điện thoại đến trường. 2 năm trước, họ đã mua cho con trai chiếc điện thoại thông minh để học trực tuyến và để tiện liên lạc, đưa đón.

Tranh cãi xảy ra khi cô giáo phát hiện con họ lén lút lấy điện thoại ra dùng trong giờ học. Thế nhưng, sau đó, cậu con trai vẫn tiếp tục mang điện thoại đến lớp bởi theo người mẹ, nếu không, việc đưa đón và liên lạc sẽ khó khăn.

Nhiều học viên đang cai nghiện game ở Trường nội trú IVS (TP Thủ Đức, TPHCM) thú nhận với tôi rằng, các em được cha mẹ cho dùng điện thoại từ rất sớm. Theo khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi, trong khi trên thế giới là 13 tuổi. 

Hầu hết mạng xã hội quy định độ tuổi tối thiểu của người dùng là 13 nhưng rất nhiều trẻ em Việt Nam đã “dùng chui” từ nhỏ. Đó là do trẻ có thể khai gian tuổi để được sử dụng mạng xã hội sớm hơn so với quy định và đơn vị sở hữu nền tảng mạng xã hội không thể xác minh được. 

Trẻ lang thang trên mạng xã hội thiếu sự giám sát, kiểm soát cũng giống như trẻ bị đi lạc ở ngoài đời. Đứa trẻ sẽ đối mặt với nhiều cám dỗ, dễ bị lợi dụng, dễ bị gây tổn thương. Theo nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố năm 2022, cứ 5 trẻ em, thanh thiếu niên được khảo sát thì có 1 trường hợp bị bắt nạt trên mạng; 3/4 số trẻ được khảo sát không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. Ngoài ra, 23% trẻ 12-17 tuổi tham gia khảo sát cho biết, đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm khi dùng internet, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Theo các bác sĩ nhi khoa, ngày càng có nhiều hội chứng rối loạn Tic với biểu hiện co giật mất kiểm soát, nháy mắt, lắc đầu lia lịa. Nguyên nhân của hội chứng này là do trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử - đặc biệt là điện thoại thông minh - quá nhiều.

Những năm qua, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án, chương trình nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên, để làm được điều này, không phải dễ. Trên chiếc điện thoại thông minh là cả một thế giới mới mẻ, cuốn hút trẻ và cả người lớn. Để trẻ bớt thời gian nhìn vào điện thoại, phụ huynh cần tìm ra những hoạt động thú vị hơn chiếc điện thoại thông minh. Muốn vậy, phụ huynh cũng cần giảm thời gian dùng điện thoại, tăng thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con.

Theo kỹ sư chuyên về an ninh mạng Trần Việt Pháp, nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng hạn chế thời gian tiếp xúc mạng của trẻ là bảo vệ được trẻ. Họ chỉ cho trẻ dùng điện thoại 20 phút/ngày và cho rằng đó là khoảng thời gian an toàn. Tuy nhiên, sự an toàn của trẻ còn phụ thuộc vào việc đứa trẻ đó tiếp xúc với nội dung gì trên mạng. Trên mạng, có nhan nhản clip hướng dẫn tự sát, thử thách nguy hiểm chỉ dài 3-5 phút và trẻ tiếp xúc với nội dung độc, hại cũng chỉ bằng một cái nhấp chuột.

Để bảo vệ trẻ, phụ huynh cần đồng hành cùng con, hướng dẫn, trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Chương trình giảng dạy trong trường học cũng cần cập nhật thêm kiến thức về an toàn mạng.

Điện thoại thông minh, thiết bị điện tử là cánh cửa mở ra một thế giới rộng lớn với người lớn và cả trẻ em. Ở đó chứa đựng nhiều kiến thức, nhiều điều thú vị nhưng cũng đầy cạm bẫy và “tác dụng phụ”. Hãy đồng hành cùng con mình để cùng nhau góp nhặt những giá trị trên không gian mạng thay vì để trẻ tự bơi và sa ngã. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI