Dạy trẻ "đi trên thủy tinh để dũng cảm?"

26/08/2015 - 14:52

PNO - Mấy ngày qua, câu chuyện "Dạy trẻ đi trên thủy tinh để chứng minh lòng dũng cảm",  đã khiến dư luận dậy sóng.

Trong cuốn sách có câu chuyện Bạn An dũng cảm, minh họa là hình ảnh một cô bé đang đứng trên thảm thủy tinh.

Câu chuyện như sau: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Day tre
Hình ảnh dạy học sinh đi trên thảm thủy tinh để chứng minh lòng dũng cảm tại một trường THCS ở Hà Nội được chia sẻ trên facebook

Bên cạnh chuyện này, mấy ngày qua trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh đi trên thảm thủy tinh trong giờ học kỹ năng của học sinh một trường THCS tại Hà Nội.

Trong chương trình Người bí ẩn của Đài Truyền hình TP.HCM, có nhiều tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc, võ sư nhưng đều được liên tục chạy chữ cảnh báo “màn biểu diễn nguy hiểm chỉ dành cho diễn viên chuyên nghiệp, khán giả không nên thử tại nhà”.

Trong đó, từng có tiết mục của một võ sư đi, nằm trên thảm thủy tinh. Tiết mục này khiến không ít người ở trường quay và khán giả truyền hình bịt mắt, thót tim. Đến cả người lớn hẳn cũng không nghĩ đây là trò chơi nên thử.

Vậy mà màn đi trên thảm thủy tinh lại được một số người lớn khác - có học vị, có tri thức hẳn hòi - dạy cho trẻ nhỏ. Rất nhiều phụ huynh đã lên án cách dạy phản giáo dục trong cuốn sách này.

Điều khiến phụ huynh “nổi đóa” thêm chính là giải thích của người chủ biên cuốn sách - TS Phan Quốc Việt. Ông cho rằng phương pháp này đã được dạy trẻ trong gần 10 năm qua và “chưa có học sinh nào bị thương”. Ngoài việc đi trên thủy tinh, trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 này còn có bài học về lòng dũng cảm khác: “cho học sinh lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra, sau đó tự cho thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại”.

TS Phan Quốc Việt cho rằng lòng dũng cảm là thứ không thể truyền dạy bằng những bài học thuộc lòng mà phải thực hành, tự bản thân trải nghiệm và cảm nhận.

“Họ đang dạy trẻ con định nghĩa sai về lòng dũng cảm. Dũng cảm không chỉ đơn thuần là vượt qua nỗi sợ hãi như một kẻ gan lì, mà nó còn có ý nghĩa cao quý hơn rất nhiều. Ví dụ đó là hành vi quên mình vì tha nhân. Sao không dạy trẻ học cách liên lạc với ba mẹ khi bị lạc, bị tai nạn; không dạy trẻ cách đáp trả khi bị tấn công, cách tránh xa nguy hiểm khi nhà cháy hay các kỹ năng sơ cấp cứu… mà lại nhầm lẫn kỹ năng sinh tồn với sơn đông mãi võ?” - một độc giả nêu ý kiến.

Không ai gọi hành động “bước qua thủy tinh đập vỡ” là dũng cảm cả, người ta chỉ thấy đó là một trò dại dột và cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

Có khá nhiều độc giả đặt câu hỏi: vì sao một cuốn sách như vậy lại được xuất bản, mà đó lại là NXB Giáo dục? Phía đại diện NXB trả lời, đây chỉ là sách tham khảo và trong lần tái bản có chỉnh lý năm 2015, sách đã không còn câu chuyện này. Thực tế đây chỉ là một cách nói.

Trong vô số vụ việc gây bức xúc dư luận thì tình trạng chung vẫn là “mất bò mới lo làm chuồng”, bị phản ứng mới cho kiểm tra. Kết quả thu hồi, bị phạt, đình bản sửa chữa là tất yếu, nhưng đó là câu chuyện phía sau của các nhà làm sách. Còn hậu quả nhãn tiền là rất nhiều năm qua, trẻ em đang được học, đọc rất nhiều cuốn sách bậy bạ, nguy hại đến nhận thức.

Nếu nhắc lại sẽ thấy nhiều cuốn nổi cộm như: Truyện cổ tích thỏ trắng và hổ xám (NXB Hải Phòng) với ngôn từ phản cảm: “Mẹ mày con Thỏ!”; Truyện cổ tích hay nhất - các nàng công chúa chăm chỉ (NXB Hồng Bàng) có chi tiết vua cha đòi cưới con gái trong truyện Công chúa tóc vàng; cuốn Nhập môn Manga (NXB Hồng Đức) dạy cách trả thù sát hại cô giáo…

Điều đáng nói là hầu hết những cuốn sách này đều do phụ huynh phát hiện. Vì thế, nhiều phụ huynh rất hoang mang khi chọn sách cho con.

Hoàng Hạc - Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI