Dạy trẻ đề cao bản thân

31/01/2017 - 06:30

PNO - Quan sát nhiều thanh thiếu niên và cách thức cha mẹ Việt giáo dục con cái, tôi nhận thấy có nhiều điều cần nói về lòng tự tôn (self-esteem).

Lòng tự tôn là khái niệm đã được dùng bởi nhiều nhà tâm lý học từ rất lâu, nhưng nhiều người chỉ nghĩ đến lòng tự tin chứ không thật sự tường tận về lòng tự tôn.

Day tre de cao ban than
 

Tự tôn không phải là tự tin

Hiệp hội quốc gia về lòng tự tôn của Hoa Kỳ tin rằng, lòng tự tôn là “một trải nghiệm của việc có khả năng đáp ứng được với những thách thức của cuộc sống và trở nên xứng đáng với hạnh phúc”. Ðơn giản hơn, có thể hiểu lòng tự tôn là:

- Thấy bản thân xứng đáng được tôn trọng.

- Tự tin vào năng lực tư duy và giải quyết những thách thức của cuộc sống.

- Tự tin vào con đường của bản thân để đạt tới hạnh phúc và thành công.

- Cảm giác mình xứng đáng khi khẳng định những nhu cầu và mong muốn của bản thân.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, lòng tự tôn liên quan nhiều đến các vấn đề của đứa trẻ như nạn bắt nạt trong trường học, nghiện ma túy, tự tử, hành vi quan hệ tình dục không an toàn… Lòng tự tôn cao sẽ là yếu tố bảo vệ giúp đứa trẻ gia tăng nhiều cơ hội thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, ngược lại lòng tự tôn thấp sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ hơn cho đứa trẻ.

Tuy vậy cũng cần lưu ý, không phải cứ lòng tự tôn thấp thì đứa trẻ sẽ bị vướng vào chuyện tệ hại mà nó còn tùy thuộc vào những kỹ năng xã hội và bối cảnh an toàn mà đứa trẻ nhận được.

Có hai thành phần cốt lõi và quan trọng khi đề cập đến lòng tự tôn là cảm giác bản thân xứng đáng (có giá trị), và cảm giác bản thân có năng lực và thực hiện mọi việc hiệu quả.

l Cảm giác bản thân xứng đáng thường đề cập đến việc được yêu thương và đánh giá cao của người khác, nhất là cha mẹ và những người thân trong gia đình. Chính cha mẹ là những người đầu tiên mang lại cho con của họ cảm giác xứng đáng về bản thân của mình thông qua việc yêu thương đứa con vô điều kiện, đánh giá cao tất cả những gì đứa trẻ làm được và khích lệ chúng, yêu thương chúng và không làm nhục chúng.

Ðiều đáng buồn là cha mẹ Việt Nam dường như thiếu hẳn khoản này, thường thể hiện lối giáo dục con cái như chê bai, than phiền đứa trẻ nhiều hơn là yêu thương và khích lệ. Những câu nói hằng ngày theo kiểu “cái thằng ngu kia, sao mày không làm được cái gì cho ra trò hết vậy?”, rồi “cái con đó mà được cái gì, tối ngày chơi thôi, chẳng bao giờ chịu học hành”.

Tôi nghe nhiều người than phiền về cha mẹ của họ đầy trên mạng và còn nói đùa theo kiểu đó là hội chứng “con nhà người ta” (ý là đứa con hoàn hảo là con nhà người ta). Những trẻ được nuôi dạy như thế khi lớn lên khó có thể trở thành người có lòng tự tôn cao.

l Cảm giác về năng lực và hiệu quả của bản thân chính là cảm nhận của việc có thể đối lại, có thể giải quyết được những thách thức, căng thẳng của cuộc sống. Ðiều này chỉ có thể hình thành khi cá nhân ngay từ nhỏ đã được cho cơ hội (bởi cha mẹ và người lớn) để đối diện với các biến cố của cuộc sống. Cha mẹ là những người đầu tiên giúp con bằng việc hãy để con tự sống cuộc đời của nó, đừng bảo bọc và làm thay cho con mọi việc. Nói một cách đơn giản là hãy để đứa trẻ tự tay thu xếp cuộc đời của chúng và cha mẹ thì hãy lo sống cuộc đời của mình.

Ðiều này nghe đơn giản nhưng có vẻ cha mẹ Việt đã và đang gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ, nhất là người mẹ luôn đề cao việc “hy sinh cho con”. Càng hy sinh thì sẽ càng trông mong nhiều. Càng trông mong nhiều thì càng thất vọng nhiều. Lẽ ra cha mẹ hãy để cho đứa con vừa lo học hành và vừa lo các việc khác cho cuộc đời của nó thì cha mẹ lại lo hết mọi việc và trông mong đứa con phải học thật giỏi vì “chỉ có mỗi việc học mà không giỏi nữa thì làm gì ăn”, rồi so đo tính toán với đứa con về công lao của cha mẹ, về việc mình hy sinh tất cả cho con, rồi buồn phiền khi thấy chúng bắt đầu tách ra để sống theo ý của chúng.

Nếu nhìn rộng ra thì ở các trường học Việt Nam đa phần cũng giáo dục đứa trẻ không khác mấy như trong các gia đình. Người lớn thay vì dạy đứa trẻ bằng cách để chúng trải nghiệm và học thì lại bắt chúng ngồi im lắng nghe rồi ra sức giảng và dạy. Kết quả là đứa trẻ thì không thấy mình có giá trị, không thấy mình có năng lực gì, còn cha mẹ và người lớn thì đau khổ và vất vả để dưỡng nuôi đứa con cho đến khi chúng trưởng thành (và thường là con cái có già thì dưới mắt cha mẹ vẫn luôn là đứa trẻ con).

Rèn lòng tự tôn

Thường thì lòng tự tôn được đánh giá bởi sáu lĩnh vực sau đây:

- Những tiêu chí có tính kế thừa/ di truyền như đặc điểm thể lý, và những năng lực tự nhiên.

- Cảm giác đáng yêu và đáng thích thú.

- Là một hữu thể độc đáo của nhân loại, có giá trị, và sự đáng được tôn trọng.

- Cảm thấy đang trong sự kiểm soát của bản thân và có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.

- Ðức hạnh và vẹn toàn.

- Những gì cá nhân đạt được - kỹ năng, của cải và sự thành công.

Lòng tự tôn tích cực là đứa trẻ hình thành được niềm tin tưởng vào sự xứng đáng của bản thân, đồng thời rèn luyện đủ năng lực cho bản thân, ngược lại là lòng tự tôn thấp. Riêng hai kiểu có tên là phòng vệ (defensive) bao gồm kiểu 1 là dạng thấy bản thân có năng lực nhiều hơn cái thật sự chúng có (và hình thành kiểu ái kỷ), còn kiểu 2 là kiểu có năng lực nhưng lại tin rằng mình kém cỏi không bằng ai (hình thành nên kiểu giả tạo).

Nhiều đứa trẻ Việt Nam có năng lực học tập rất tốt, hay nói cách khác là thuộc dạng thông minh nhưng lại gặp nhiều trở ngại khi đề cập đến sự tin tưởng vào bản thân của chúng, đó là do lòng tự tôn thấp. Cha mẹ cần lưu ý rằng, tài năng là một chuyện, nhưng cái cần cho một cuộc sống thành công và hạnh phúc và đứa trẻ thật sự thấy cuộc sống của nó đáng được trân trọng và tài năng của chúng là hữu ích.

Một số đứa trẻ khác thì thể hiện sự vị kỷ quá cao, chỉ nghĩ đến bản thân mình vì lòng tự tôn thấp, chúng dùng những kiểu cách hành vi gây hấn như để tìm kiếm sự công nhận của người khác và kết quả là càng ngày càng trở nên tệ hại.

Ðể trẻ em Việt Nam có thể lớn lên với lòng tự tôn cao thì cha mẹ và người lớn nói chung cần thay đổi nhiều, ít nhất là phải học cách đối thoại hòa bình và yêu thương với đứa trẻ mà mình đang có trách nhiệm giáo dục. Các cha mẹ ngừng ngay việc xem đứa con là “của mình”, đứa con là “của nó” chứ không phải của cha mẹ.

 Nhiều cha mẹ có thể sẽ phản ứng ngay khi nghe tôi nói “hãy thôi bảo bọc đứa con và đừng xem nó là của mình” vì họ cho rằng đẻ con ra mà không hy sinh cho nó thì còn gì là ý nghĩa! Không phải như vậy, ý nghĩa của cuộc sống chính là ở những gì mình làm thật sự vì yêu thích và muốn làm chứ không phải ở chỗ nuôi một đứa con.

Khi nói đến lòng tự tôn là nói đến những cảm nhận của con người cá nhân đứa trẻ về các bối cảnh/môi trường khác nhau: bạn bè đồng trang lứa, trường học, gia đình, hình ảnh cơ thể, thể thao, và tổng thể.

Một lòng tự tôn khỏe mạnh không bao giờ diễn ra đột ngột hay như một món quà từ trời xuống, mà nó là điều đứa trẻ “tích cóp được”, do vậy cha mẹ hay giúp sức bằng cách tạo cơ hội cho đứa trẻ có được lòng tự tôn khỏe mạnh. Chúng ta không bao giờ mang lại cho người khác được lòng tự tôn cao mà chỉ có cách giúp họ tự đạt được điều đó.

Lòng tự tôn không thể có bằng cách dội vào đứa trẻ liên tục sự khen ngợi, cũng không phải do đọc nhiều tài liệu, cũng không phải do gồng mình quyết tâm, và cũng không phải bằng các đầu vào thiếu thực tế. Ðứa trẻ cần những trải nghiệm trong bầu không khí bình an, yêu thương và được tôn trọng, từ đó chúng sẽ hình thành lòng tự tôn cho chúng. 

                                                                    Chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI