Dạy trẻ biết chấp nhận thua cuộc cũng là điều cần thiết

19/09/2017 - 08:57

PNO - Thử hỏi, trong chúng ta, cả phụ huynh và thầy cô giáo, ai chưa một lần bị điểm kém hay thi trượt?

Mới đây, H. - học sinh (HS) lớp 9 một trường THCS tại quận 1, TP.HCM đã nhảy lầu tự vẫn. Được biết, H. là thành viên đội tuyển tiếng Anh của trường, trước khi sự việc xảy ra em bị điểm 3 môn tiếng Anh, có biểu hiện bất ổn về tâm lý và gia đình cho em nghỉ học để điều trị. Sự kiện khiến dư luận xôn xao về trách nhiệm của người lớn… 

Day tre biet chap nhan thua cuoc cung la dieu can thiet
Học hành "vì thành tích" đang là nỗi ám ảnh của các em học sinh

Thắng cuộc thì tương lai đâu đã mở

Đại diện ngôi trường H. đang theo học chia sẻ: H. học tốt, có năng khiếu tiếng Anh và là thành viên đội tuyển HS giỏi tiếng Anh của trường, rất tích cực tham gia thể thao. Nhưng chẳng hiểu sao, đến cuối năm lớp 8, H. hay tâm sự cùng giáo viên chủ nhiệm với tâm trạng bi quan.

Giáo viên đã nói chuyện với phụ huynh. Đầu năm lớp 9, H. bị điểm 3 kiểm tra môn tiếng Anh. Sau đó phụ huynh xin phép cho em nghỉ học vài ngày để trị bệnh. Chưa bao lâu, trường nhận hung tin H. nhảy lầu tự tử. Cha mẹ H, ngay lúc này, đang rơi vào đau khổ cùng cực, dù đã cùng con điều trị tâm lý nhưng đành bất lực. 

Không cha mẹ nào muốn mất con, không thầy cô nào muốn dồn học trò vào đường cùng. Lỗi tại ai có lẽ không dễ có câu trả lời, nhưng dễ thấy hệ thống giáo dục đã và đang tạo ra một xã hội coi trọng thành tích hơn niềm vui của con trẻ. Thử hỏi, trong chúng ta, cả phụ huynh và thầy cô giáo, ai chưa một lần bị điểm kém hay thi trượt?

Thế nhưng, hễ HS bị điểm yếu thì ngay lập tức sẽ bị người lớn gây áp lực. Trong sự kỳ vọng vô biên của người lớn, HS khi bị điểm kém bản thân đã phải gánh chịu nhiều áp lực, nếu người lớn tỏ ra thất vọng thì áp lực lại nhân lên. Ở độ tuổi tâm lý còn mong manh, thử hỏi làm sao trẻ có thể chịu nổi áp lực?

Day tre biet chap nhan thua cuoc cung la dieu can thiet
 

Tiếc thay, đến bây giờ các trường, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh vẫn mê mải với “thành tích”. Chúng tôi từng chứng kiến, trong một cuộc thi toán quốc tế diễn ra tại Trung Quốc với mục đích các em HS sẽ được cọ xát và có cơ hội trải nghiệm, trưởng thành trong môi trường tập thể. Thế nhưng, rất đông cha mẹ, ông bà, cả đại gia đình với 3 thế hệ từ Việt Nam xuất ngoại để "ủng hộ" con cháu đem chuông đi đánh xứ người…

Thời khắc công bố kết quả căng thẳng tột độ. Khi con mình không có huy chương, nhiều vị phụ huynh đã rơi nước mắt. Trong khi ở khu vực của thí sinh, các em vẫn vô tư giao lưu với “đối thủ” đến từ các nước. Là trẻ con quá vô tư hay người lớn quá hơn thua? Suy cho cùng, mọi cuộc thi thố cũng chỉ là một sân chơi, nếu có đoạt giải thì cũng không hẳn tương lai đã mở ra để đưa con trẻ đến bến bờ hạnh phúc - điều mong mỏi nhất trong cuộc đời. 

Trẻ cũng cần được uống “cà phê không đường”

Nhiều du HS Việt Nam khi ra nước ngoài đã vô cùng vất vả trước bao rào cản là những thứ mà cha mẹ, thầy cô và hệ thống giáo dục của chúng ta đã xem nhẹ. Đó là ngoại ngữ, là chuyện không biết bơi, không biết nấu ăn, không biết sơ cấp cứu, không chơi được các môn thể thao…

“Thảy vô một nhóm sinh viên đa quốc gia sẽ thấy sinh viên của mình nhát như thỏ. Vì quá trình học phổ thông chỉ cắm đầu vào học, những kỹ năng ngoại giao sơ đẳng như cách bắt tay, cầm ly, xài khăn... cũng không được rèn. Đàn hát không biết. Khiêu vũ cũng không. Ngồi phiếm chuyện cũng khó vì ít đọc sách, ít đi, ít trải nghiệm” - một du HS cho biết.

Day tre biet chap nhan thua cuoc cung la dieu can thiet
 

Đây cũng là lý do mà một số trường đại học Việt Nam gần đây đã bổ sung thêm điều kiện về kỹ năng sống như phải biết bơi, biết đàn, biết khiêu vũ… trước khi cho sinh viên tốt nghiệp. 

Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Phúc Thịnh, mỗi cá nhân là một bản thể mang sắc thái riêng, có khả năng tiếp thu kiến thức và cảm xúc tâm lý khác nhau. Cho nên đánh giá HS không phải là công cụ để loại bỏ các em mà là để giúp nhà trường hiểu được năng lực của từng HS để giúp các em học tập hiệu quả.

Coi trọng điểm số là hậu quả chung của một xã hội mà mục tiêu và phương pháp giáo dục đã bị định hướng méo mó ngay từ đầu. Vấn đề của chúng ta là phải chữa căn bệnh đó cho cha mẹ và nhà trường. Thái độ ứng xử và cách cha mẹ đồng hành cùng con trong việc tiếp nhận kết quả điểm số ở bất kỳ mức độ nào mới là tác nhân quan trọng giúp con thành công không chỉ ở hôm nay mà còn trong cả tương lai mai sau.

Với trẻ em, ThS Thịnh cho rằng cũng cần phải cho các bé được tiếp xúc với cảm giác hụt hẫng khi thất bại; cảm giác chới với khi thấy đột nhiên hào quang quanh mình biến mất... Cảm giác đó với các em như được uống cà phê không đường, chứ không phải chỉ uống toàn nước cam ngọt ngào, để tạo được sức đề kháng cho bản thân, không choáng đến tê dại vì cà phê đắng, nhưng cũng không ngây ngất say vì nước cam ngọt ngào.

Đáng tiếc là cha mẹ đang có xu hướng cho con uống nước cam nhiều quá nên lỡ không may nhấp phải ngụm cà phê đắng chát, các bé bị sốc phản vệ.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI