PNO - PN - Singapore, những ngày này, trong không khí sôi động của SEA Games 28 vẫn có khoảng lặng để tưởng niệm các học sinh là nạn nhân không may bị thiệt mạng trong trận động đất ở đỉnh núi Kinabalu (Malaysia) vào ngày 5/6.
edf40wrjww2tblPage:Content
Những giáo viên và học sinh mất tích và thiệt mạng trong trận động đất ở Malaysia - Ảnh: AFP
Ngày 8/6, tất cả tòa nhà chính phủ đều treo cờ rũ và trước mỗi phần thi đấu tại SEA Games đều dành một phút mặc niệm các nạn nhân. Bộ trưởng Giáo dục Singapore Heng Swee Keat đã viết bức tâm thư đầy xúc động, cảm ơn tinh thần dũng cảm và tình người của những giáo viên, học sinh khi đối mặt với hiểm nguy. Qua đó, nhiều bạn nhỏ đã học được cách tương thân tương ái và thấu hiểu nỗi đau của người xung quanh.
Bức thư của Bộ trưởng Heng Swee Keat có đoạn: “Trong giây phút sinh tử cận kề, học sinh và giáo viên trường tiểu học Tanjong Katong vẫn giữ tinh thần tập thể, tương trợ nhau đến cùng. Tất cả giáo viên đã nỗ lực hết sức để bảo vệ học trò thương yêu của mình”. Một trong những học sinh may mắn được cứu sống đã nấc nghẹn khi nhắc đến giây phút kinh hoàng, lúc từng lớp đá đổ xuống gần nơi em: “Thầy Terrence vươn mình làm lá chắn, che cho em và các bạn”.
Một học sinh khác vẫn còn hoảng loạn, những gì em còn nhớ được là hình ảnh thầy Terrence cố lôi em vào nơi an toàn trong khi thầy đang bị thương nặng. Thầy dần cạn kiệt sức lực và đã bỏ mạng trong lớp đất đá. Hơn ai hết, các em hiểu, thầy đã hy sinh để học trò được sống. Bộ trưởng Heng Swee Keat cho rằng, tinh thần quên mình của các giáo viên đã nhắc nhở những ai chọn nghiệp giáo viên hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Theo chuyên gia tâm lý về gia đình Richard Weissbourd thuộc Đại học Harvard (Mỹ), ngày nay, nhiều phụ huynh rất quan tâm đến việc giáo dục cho con tính độc lập, trang bị nhiều kỹ năng để con dễ thành công mà dường như quên mất việc nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Trong một khảo sát do nhóm của ông thực hiện, 80% bạn trẻ nói rằng, bố mẹ chỉ quan tâm và tự hào khi con đạt thành tích tốt trong học tập hoặc khi con có niềm vui, hứng thú vào việc gì đó. Hầu hết không quan tâm lắm đến việc con mình có ý thức đóng góp cho cộng đồng hay không.
Ông Weissbourd cho rằng, tài năng hay thành tích tốt tuy có ảnh hưởng đến sự thành công của một cá nhân khi trưởng thành, nhưng sự cảm thông, khả năng hòa nhập cùng cộng đồng mới chính là nền tảng để cá nhân ấy tự tin, sẵn sàng đối mặt với bất kỳ tình huống nào trong đời. Muốn thế, phụ huynh hãy rèn luyện cho con mình mở rộng phạm vi quan tâm, tìm hiểu cảm xúc, nhu cầu của những người xung quanh (ngoài người thân trong gia đình) và hãy dạy trẻ cách mở lòng cho đi.
Tượng lưu niệm dành tặng Grayson - Ảnh: CNA
Bên cạnh nền tảng giáo dục của gia đình, thì sự “tiếp sức” của nhà trường, thông qua những bài học phản ánh hơi thở cuộc sống là rất quan trọng. Khi chuyến bay QZ501 của AirAsia gặp nạn cuối năm ngoái, trên máy bay có Grayson Linaksita (11 tuổi) và chị gái Kathleen. Hai em đều học tại trường quốc tế Merlion.
Nhà trường đã dành một buổi học để khơi gợi sự chia sẻ nơi học sinh về nỗi mất mát này. Cô hiệu trưởng Ma. Flor Ponce nghẹn ngào nói: “Cái chết của hai em khiến chúng ta đau đớn, như mất đi cùng lúc hai thành viên trong đại gia đình”.
Nhà trường quyết định trao giải thi đấu bóng đá toàn trường trong buổi học đặc biệt này. Không khí trầm lắng khi từng học sinh trong đội tuyển lên nhận vật phẩm lưu niệm, và cuối cùng, chỉ còn thiếu Grayson. Phần thưởng dành cho cậu bé sau đó được chuyển đến nhà tang lễ, ghi dấu kỷ niệm đẹp trong ngày tháng học trò ngắn ngủi của Grayson. Cô Ma. Flor Ponce bộc bạch: “Tất cả có mặt ở đây để cùng giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, đó là chấp nhận mất người bạn chúng ta yêu mến. Các em sẽ không gặp lại Grayson nhưng bạn ấy vẫn là một thành viên của ngôi trường này”.
Bài giảng của thầy Liu bắt đầu bằng dòng chữ MH 17 - Ảnh: Facebook
Nhắc đến vụ tai nạn máy bay MH17 xảy ra ở Ukraine, không ít người vẫn còn nhớ tiết học “cháy giáo án” của thầy giáo người Singapore Matthew Zachary Liu. Thay vì kiểm tra đầu giờ, thầy Liu ghi vỏn vẹn “MH17” lên bảng và hỏi các em có biết chuyện gì đã xảy ra hay không. Khi học sinh còn ngơ ngác thì thầy Liu kể cho các em nghe câu chuyện người thân của hàng trăm nạn nhân đang rất đau khổ vì mất đi người mình thương quý nhất.
Những khuôn mặt ngây thơ tỏ ra đăm chiêu. Tiết học được tiếp nối bằng những lời cảm nhận về nỗi đau của những người mà các em chưa từng gặp mặt. Có em còn tưởng tượng, nếu nạn nhân là người thân của mình, các em sẽ đau đớn dường nào. Sau khi được thầy gợi ý, các em quay sang vỗ vai, nói những lời thân thiết với bạn mình, điều mà các em hiếm khi thể hiện.
Lúc mất mát xảy đến, điều tốt nhất mọi người có thể làm là nương tựa vào nhau, cùng xoa dịu nỗi đau. Hành động này tưởng chừng đơn giản nhưng là cả một quá trình nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn từ thuở bé để mỗi ngày lớn lên, con trẻ hiểu được mình đang sống trong cộng đồng, hạnh phúc là được san sẻ và cho đi.
THIÊN NHƯ
(Theo Facebook, CNA, Asia One, Daily Mail)
Cha mẹ trước tiên cần thấu hiểu cảm xúc tiêu cực trong con và giúp con vượt qua giai đoạn tâm lý bất ổn. Khi trẻ được cảm thông, trẻ mới biết đồng cảm với người khác.
Dùng tương tác “từ trái tim đến trái tim” để trò chuyện với con về niềm tin, niềm đam mê và tạo động lực cho con. Chỉ khi có một tinh thần khỏe mạnh, ý chí vững vàng, con bạn mới có thể làm điểm tựa cho người khác.
Tận dụng những tình huống thực tế để dạy con cách thông cảm với người đối diện. Có thể bạn chẳng cần nói nhiều, trẻ sẽ quan sát cách bạn hành xử.
Giúp con tìm những điểm tương đồng với người khác. Từ đó, con bạn sẽ học cách chấp nhận khác biệt của mỗi người.
Khơi gợi những cảm xúc tích cực trong trẻ thông qua tiếp xúc với môi trường xung quanh để xây dựng niềm tin cho trẻ đối với thế giới bên ngoài.