|
Phụ huynh Trường phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Mai Sơn (H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An) lấy gỗ, tre nứa làm giường cho con em ở tạm thời trong nhà kho của dân - Ảnh: Phan Ngọc |
Thiếu thốn đủ đường
Trường phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Mai Sơn (H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An) có 268 học sinh (HS), đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, học rải rác ở năm điểm trường. Đường đi lại khó khăn, có nguy cơ sạt lở nên nhà trường đã phải gom HS lớp Ba, Bốn và Năm ở các điểm lẻ về trường chính để chuẩn bị cho chương trình dạy môn tin học và tiếng Anh.
Thầy Đào Xuân Hải - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Địa bàn toàn rừng núi, đường đến trường quá xa nên hiện 120 HS ở các bản xa phải ở bán trú tại trường để học, chỉ có thể về nhà vào cuối tuần”. Cơ sở vật chất để phục vụ HS bán trú không có, giáo viên (GV) ở bán trú tại trường phải ngăn một phần phòng để HS có thể ở ghép. Nhà trường còn phải thuê một nhà kho chứa hàng của dân ở cạnh trường rồi cải tạo lại để làm chỗ ở cho 80 HS…
Tương tự, Trường tiểu học Bắc Lý 2 (H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cũng thiếu thốn đủ thứ sau khi gom 135 HS lớp Ba - Năm ở các điểm lẻ về điểm trường chính học. Thầy Nguyễn Văn Khoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, để có chỗ ăn ở bán trú cho học trò, các GV đã phải tận dụng vật liệu từ căn nhà cũ đã tháo dỡ, dựng một căn nhà tạm bợ.
Chưa kể, hiện nay trường cũng chưa có điện lưới khiến việc dạy học cũng như sinh hoạt của thầy trò thêm khó khăn. Toàn H.Kỳ Sơn vẫn còn sáu trường tiểu học chưa có điện lưới. Ngành giáo dục huyện đã gửi thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ lắp đặt các bộ điện pin mặt trời lưu trữ giúp các trường phục vụ dạy học.
Tại tỉnh Cao Bằng, thầy Hoàng Phúc Gọn - GV lớp Ba Trường tiểu học Đàm Thủy (H.Trùng Khánh) - thừa nhận: Hiện nay, một số điểm trường của Trường tiểu học Đàm Thủy thiếu cả GV lẫn thiết bị máy móc, phòng học chuyên dụng để dạy môn tin học.
Nhiều trường tiểu học khác của H.Trùng Khánh cũng ở trong tình trạng không nhân lực, không cơ sở vật chất để dạy học môn này. Nếu thiếu GV, có thể nhà trường đề xuất thuê GV hợp đồng, nhưng chưa có phòng máy thì đúng là GV không biết dạy thực hành tin học cho HS bằng cách nào.
“Nhiều người nói huy động đóng góp tự nguyện của phụ huynh HS nhưng điều này là không thể, bởi lớp học của tôi có 80% HS nghèo con em người dân tộc Nùng, Tày, đến tiền bán trú cho con mà phụ huynh còn rất khó có thể đóng thì làm gì có tiền mà đóng góp tự nguyện”, thầy Gọn nói.
Nói về những khó khăn khi triển khai dạy tin học bắt buộc từ lớp Ba trên địa bàn, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa - thừa nhận với những điểm trường vùng sâu, vùng xa có khó khăn về cả nhân lực và vật lực.
Xoay xở để học sinh không thiệt thòi
Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng GD-ĐT H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An - cho biết, huyện có 85 điểm trường, trong đó có 66 điểm trường lẻ. Đến nay, các trường đã gom trên 2.000 HS ở các điểm trường lẻ về trường chính để chuẩn bị kế hoạch dạy tin học và tiếng Anh cho HS lớp Ba.
Theo ông Lập, đối với HS lớp Bốn và Năm đang ở điểm trường lẻ, các trường sẽ bố trí ít nhất mỗi tuần một buổi cử GV về dạy tin học, tiếng Anh. Hiện H.Tương Dương đang thiếu gần 30 GV dạy tin học và tiếng Anh, dù đã thông báo tuyển dụng từ đầu năm học song đến nay vẫn chưa có người nộp hồ sơ.
Còn tại H.Kỳ Sơn, là địa phương vùng sâu, vùng xa nên rất khó tuyển GV dạy tiếng Anh. Dù đã thông báo tuyển dụng thêm tám GV từ đầu năm, song đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ nào.
Một cán bộ Phòng Tổ chức Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay, hiện địa phương này đang thiếu 402 GV tin học và 600 GV tiếng Anh tiểu học, chủ yếu ở các huyện miền núi. Trường hợp địa phương chưa có chỉ tiêu tuyển GV biên chế thì sẽ hợp đồng dạy thỉnh giảng.
Hoặc cho các GV dạy liên trường, vì GV dạy tiếng Anh ở cấp THCS đang dư thừa nên có thể cho tăng cường xuống dạy tiểu học. Riêng những trường đã có GV, nếu quy mô nhỏ thì có thể cho dạy kiêm 2 - 3 trường tiểu học lân cận.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó phòng Tổ chức Sở GD-ĐT Nghệ An - cho rằng, việc tuyển GV dạy tiếng Anh ở các huyện miền núi rất khó khăn, hầu như không có người nộp hồ sơ. Về GV tin học, sở sẽ phối hợp với Trường đại học Vinh tổ chức các lớp học bồi dưỡng môn tin học cho GV các trường vùng cao trong dịp hè, đây là giải pháp tạm thời khi các trường chưa có GV.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã lên phương án chuẩn bị về nguồn lực. Trước hết, sở nắm số lượng GV thừa, thiếu để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Sở ban hành quy định điều động, luân chuyển có thời hạn GV từ nơi thừa đến nơi thiếu nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ.
Hoặc có thể bố trí GV tin học dạy liên trường, dạy tăng tiết, hợp đồng GV các trường công lập và ngoài công lập nhằm đảm bảo có đủ GV. Sở cũng đã có phương án cử GV tham gia đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông; bồi dưỡng GV môn tự nhiên để dạy tin học cấp tiểu học và THCS.
“Về vật lực, hiện nay, chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó có đầu tư phòng máy vi tính dạy môn tin học. Theo đó, các trường tiểu học hiện có 356 phòng máy tính với 3.160 máy vi tính, còn thiếu 428 phòng máy tính nên chúng tôi đề xuất được bổ sung để dạy tin học”, ông Tạ Hồng Lựu nói.
Các cơ sở gặp khó khăn bố trí giáo viên dạy liên trường Để tổ chức dạy học môn tiếng Anh và tin học cho HS lớp Ba theo chương trình mới từ năm học 2022 - 2023 hiệu quả, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố có phương án kịp thời đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện chương trình. Đối với cơ sở giáo dục, thực hiện chương trình tiểu học, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học linh hoạt phù hợp điều kiện cụ thể tại cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí GV, cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án GV dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường… |
Phan Ngọc - Đại Minh