edf40wrjww2tblPage:Content
Ồ ạt đổ bộ… trường mầm non
Bắt được nhu cầu này, không ít trung tâm Anh ngữ đã liên kết với các trường mầm non (MN) dạy và bán sách tập làm quen với tiếng Anh cho trẻ, dẫn đến tình trạng chương trình và sách tập làm quen tiếng Anh dồn dập đổ bộ vào các trường. Thế nhưng, từ chất lượng giáo viên (GV), sách, đến chương trình không hề được kiểm soát.
Các quận, huyện nội thành của TP.HCM như Q.1, Q.3, Q.Phú Nhuận, Q.Gò Vấp… hiện đang tồn tại thực trạng: trẻ MN tiếng Việt chưa sõi nhưng đã phải “cõng” thêm tiếng Anh. Dù hình thức chỉ là tự nguyện, tiếng Anh được khuyến khích như một môn học ngoại khóa giúp các cháu sớm tiếp cận và phát triển tốt vốn tiếng Anh, nhưng cách làm tùy tiện, thiếu sự thẩm định về chất lượng giảng dạy và nội dung sách bán cho trẻ nên không ít PH sau khi cho con học cảm thấy bất an.
Hình thức bán tài liệu học tiếng Anh cho trẻ như sách và đĩa kèm theo được áp dụng phổ biến. Các trung tâm “bắt tay” với các trường đưa sách đến PH với giá từ 19.000-39.000đ/quyển đủ chủng loại từ sách cho bé tập tô hình, tập vẽ đến tập đánh vần… GV do trung tâm đưa xuống trường, mức thu 50.000-100.000đ/trẻ/tháng. Không muốn con mình thua thiệt, vì nếu không đăng ký, đến giờ học tiếng Anh, có khi trẻ phải ra một góc riêng và tự chơi một mình, nên nhiều PH phải bấm bụng cho con học.
Anh Trần Thành Vương, có con học ở trường MN Vàng Anh, Q.Gò Vấp cho biết, anh vừa mua một quyển tập làm quen tiếng Anh cho con rất đẹp với giá gần 30.000đ theo lời chào mời của cô giáo. Sách chỉ đơn thuần là những hình vẽ nhiều màu sắc được thiết kế bắt mắt để trẻ tập làm quen với các từ đơn giản. “Thấy nhiều PH mua nên tôi cũng mua. Mấy thầy cô giáo bảo nên cho cháu tập làm quen dần với mặt chữ để sau này cháu có nền tảng. Về nhà, tôi mới thấy cháu không thích chơi với quyển sách này”.
Nhiều trường MN công lập, ngoài việc tổ chức dạy tiếng Anh trong chương trình ngoại khóa, còn cho bán sách “tự nguyện”. Vì vậy, GV ngoài nhiệm vụ nuôi dạy trẻ còn kiêm luôn việc “tiếp thị” sách đến PH. Ghi nhận của chúng tôi tại bốn trường MN ở các quận huyện (MN H.M. - Q.12, MN T.N. - huyện Bình Chánh, MN N.Q. - Q.Gò Vấp, MN M.T.N. - Q.3) cho thấy, hầu hết các trường đều “kết nối” với các công ty cung ứng văn phòng phẩm, trung tâm Anh ngữ hay các đơn vị xuất bản (có sự giới thiệu của phòng giáo dục (GD) để bán sách cho PH.
Các trường mầm non vẫn tổ chức dạy tiếng Anh, nhưng việc thẩm định hiệu quả của chương trình đang bỏ ngỏ
Chất lượng dạy, giáo trình: mạnh ai nấy làm
Theo cô Đinh Hồng Phương, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền, Q.7, việc cho trẻ trong độ tuổi MN học trước tiếng Anh, xét về mặt phát triển và tiếp xúc ngôn ngữ là tốt. Các cháu sẽ làm quen với mặt chữ và hình thành khả năng giao tiếp, sự tự tin. Tuy nhiên, do đặc thù của lứa tuổi, việc nhiều GV phát âm đôi khi chưa chuẩn sẽ khiến cho các cháu phát âm sai, ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ trong quá trình lĩnh hội ngôn ngữ. Hầu hết hiệu trưởng các trường MN khi được hỏi cũng thừa nhận, nhiệm vụ chính của họ là giữ trẻ, vì PH yêu cầu nên mới chọn trung tâm Anh ngữ để kết hợp tổ chức dạy, đòi họ thẩm định chất lượng thì… thua!
Không riêng các trường, ngay cả ở các trung tâm Anh ngữ, khi chúng tôi đặt vấn đề về chất lượng đội ngũ GV, chất lượng giáo trình và công tác kiểm định ra sao, thì cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là… tốt. Ông N.M.D., Giám đốc trung tâm Anh ngữ V.T. (Q.Gò Vấp) cho biết: “Việc tuyển GV được chúng tôi thực hiện khá nghiêm ngặt với trình độ phải đáp ứng chuẩn châu Âu. Còn về sách, đĩa, giáo trình thì nói thật là chúng tôi tự mày mò, nghiên cứu từ các nước như Mỹ, Anh, Úc (nơi có những bộ giáo trình tiếng Anh cho trẻ) để áp dụng cho trung tâm”. Giáo trình quốc tế, GV theo chuẩn tham chiếu châu Âu, nhưng ai kiểm định, ai thẩm định lại điều đó?
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt-Phó phòng GD Q.3 thẳng thắn: “Về nguyên tắc, khi thực hiện các chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ hoặc đưa các loại sách, đĩa tranh ảnh… cho trẻ chơi và tập làm quen với tiếng Anh, các trường đều có báo cáo với Phòng GD. Nhưng, việc thẩm định tính hiệu quả của các chương trình, sách, đĩa, tranh ảnh, chất lượng đội ngũ GV thì hiện vẫn chưa có một nơi nào thực hiện".
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD MN, Sở GD&ĐT TP.HCM- thừa nhận: "Hiện nay nhu cầu PH cho con học tiếng Anh rất lớn nhằm giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ sớm. Tuy nhiên, các chương trình tiếng Anh do các trung tâm đưa vào giảng dạy lại chưa được kiểm soát. Đó là chưa kể, nhiều trung tâm đến từ Mỹ, Anh... lại dạy tiếng Anh cho trẻ như ngôn ngữ thứ nhất, trong khi trẻ ở Việt Nam lại xem đó là ngôn ngữ thứ hai. Hiện Sở GD&ĐT còn đang đợi việc thẩm định các chương trình tiếng Anh dành cho trẻ MN từ Bộ GD&ĐT. Chương trình nào được Bộ GD&ĐT cho phép, Sở mới cho phép các trường triển khai”.
Trong khi Sở ngồi chờ Bộ GD&ĐT thì tình trạng bát nháo trên vẫn tiếp tục diễn ra ở các trường MN.
Tiến Nguyễn
Nghiêm cấm dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non Ngày 26/2, bà Nguyễn Thị Nghĩa -Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong lúc các điều kiện về chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, đội ngũ GV chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến việc học tập ngoại ngữ sau này của trẻ. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở GD mầm non; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng… |