Dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo: Đừng để mỗi giáo viên phát âm một kiểu

26/10/2020 - 10:29

PNO - Đó là trăn trở của phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trước dự thảo chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, khi áp dụng vào thực tế cần có chương trình chuẩn, phải sử dụng công nghệ đưa vào dạy ngoại ngữ cho trẻ. 

Phóng viên: Nhiều người đang lo lắng việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh từ lúc ba tuổi theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Ảnh Đại Minh

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: Bản thân đứa trẻ có giai đoạn gọi là “cửa sổ” rất nhạy cảm về mặt ngôn ngữ. Cụ thể, giai đoạn đó đứa trẻ nếu sống ở nước ngoài sẽ học được ngôn ngữ nước đó rất nhanh với cách phát âm giống như người bản địa. Vì vậy, giai đoạn đó gọi là cửa sổ, tức là để trẻ học về mặt ngôn ngữ từ hơn hai tuổi, khi có thể nói được câu là trẻ bắt đầu rất nhạy cảm về mặt ngôn ngữ. 

Với những đứa trẻ có năng lực, thông minh, việc dạy ngoại ngữ có thể tiến hành từ rất sớm. Đứa trẻ có thể không hiểu hết nhưng có thể nắm được cách phát âm chuẩn. Trẻ phải được dạy từ giai đoạn cửa sổ mới có thể phát âm như người bản địa. Đó là xét về mặt tâm lý lứa tuổi.

Nhìn chung, có những đứa trẻ rất hoạt ngôn nhưng có trẻ lại khó khăn về ngôn ngữ nên việc cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh từ ba tuổi phải đảm bảo được tính vừa sức và hướng đến được mục tiêu 
cụ thể.

* Ông có thể phân tích về tâm lý lứa tuổi khi cho trẻ ba tuổi tiếp cận tiếng Anh?

- Nếu mục tiêu đặt ra là tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai dùng trong nhà trường giống như một số quốc gia thì việc đưa ngoại ngữ vào từ lúc ba tuổi là phù hợp.

Tuy nhiên, với một số học sinh, thầy cô cần có phương án giúp các em. Tức là kể cả cho trẻ tiếp cận với tiếng Anh cũng cần hướng đến cụ thể với từng đối tượng. Ví dụ như một số em gặp khó khăn với ngay cả tiếng mẹ đẻ, chậm nói thì nếu có thêm ngôn ngữ thứ hai sẽ khiến các em càng khó khăn hơn. Vậy phải có phương pháp xử lý cho những em khó khăn về mặt ngôn ngữ. Cần phân nhóm tùy năng lực của đứa trẻ. 

Trẻ mẫu giáo trong giờ làm quen tiếng Anh với giáo viên bản ngữ
Trẻ mẫu giáo trong giờ làm quen tiếng Anh với giáo viên bản ngữ - Ảnh Đại Minh

Có những em năng lực vừa phải, không hoạt ngôn thì cũng cần nghiên cứu nghiêm túc xem ảnh hưởng của việc đưa tiếng Anh vào giai đoạn ba tuổi. Chúng ta phải trả lời câu hỏi liệu có hạn chế năng lực khác của em ấy hay không, nên đưa vào như thế nào, liều lượng ra sao... 

* Vậy với trẻ miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn thì sao thưa ông?  

- Có khi ở vùng núi có các điểm du lịch thì các em lại thuận lợi trong tiếp cận tiếng Anh vì sớm được tiếp xúc với khách du lịch. 
Một điều quan trọng cần lưu ý là cho trẻ tiếp cận tiếng Anh sẽ có tác dụng hơn khi về nhà trẻ được tương tác, được giao lưu với tiếng Anh cùng cha mẹ, anh chị... Bởi lẽ khi được giao lưu nói chuyện bằng tiếng Anh cùng cha mẹ, kết hợp với tiếp cận trên lớp các em sẽ thành 
thạo hơn.

Có điều tôi trăn trở là khi áp dụng vào thực tế chúng ta cần có chương trình chuẩn, phải sử dụng công nghệ để dạy ngoại ngữ, chứ không phải mỗi giáo viên ở mỗi vùng miền phát âm một kiểu. Hiện nay, ở các nước đã đưa robot vào dạy tiếng Anh để đảm bảo sự phát âm chuẩn hơn và bây giờ việc đó được chuẩn hóa, số hóa theo đúng thời đại công nghệ 4.0. Trường nào các thầy cô có điện thoại di động nếu kết nối được với màn hình (nếu có) thì nên sử dụng công nghệ để dạy tiếng Anh cho chuẩn.

* Xin cảm ơn ông. 

Đại Minh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI