|
Một giờ dạy tích hợp ở Trường THCS Phước Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) - Ảnh: Minh Linh |
Không phải bây giờ mới dạy tích hợp
Ở TPHCM, từ năm 2016, Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) đã dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo, tích hợp kiến thức liên môn. Theo đó, nhà trường mời chuyên gia đến tập huấn cho giáo viên (GV) và thành lập nhóm GV nòng cốt. GV phải làm việc được theo nhóm để sau đó hướng dẫn cho học sinh. Khi làm việc theo nhóm đạt hiệu quả, học sinh mới dễ dàng phát triển năng lực, biết tìm kiến thức và vận dụng nó.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1 - khi GV đã có kiến thức cơ bản về dạy học tích hợp, kiến thức liên môn, trường phân công 7 tổ chuyên môn làm 7 dự án tích hợp kiến thức liên môn để học sinh học theo hướng trải nghiệm sáng tạo. Trường yêu cầu mỗi tổ phải xem dự án học tập là “đặc sản” của tổ mình, để khi nói đến tổ chuyên môn nào thì học sinh háo hức đón chờ hoạt động của tổ chuyên môn đó.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT) vẫn nhớ chuyện bà được học tích hợp từ 30 năm trước: “Khi tôi học lớp Sáu, giờ học địa lý, thầy mang quả địa cầu đến lớp. Nhiều bạn trong lớp rất bất ngờ và chăm chú quan sát thầy. Bằng một quả địa cầu và xoay xoay nửa buổi, thầy chỉ cho chúng tôi rằng, Trái đất liên tục xoay và chính điều này giúp vạn vật sinh sôi. Cũng từ quả địa cầu, thầy đã kể về quá trình hình thành Trái đất và các châu lục trên Trái đất”.
“Các bạn của tôi đều sửng sốt. Hóa ra, phải mất hàng ngàn năm, con người mới biết được chân lý “Trái đất quay xung quanh Mặt trời” và bao nhà bác học đã phải chịu thống khổ khi tìm ra, nói lên chân lý đó. Tôi vẫn nhớ cảm xúc lạ lẫm của mình khi thấy bài dạy của thầy có tên giống trong sách, nhưng những gì thầy giảng thì không giống lắm. Những bài học tiếp theo về kinh độ, vĩ độ, về gió, dòng chảy… đã cuốn hút chúng tôi. Học bài địa lý mà như học lịch sử, có hôm lại như học cả sinh học, vật lý” - tiến sĩ Chu Cẩm Thơ kể.
Hơn 10 năm trước, các GV của Trường THCS Alpha School (TP Hà Nội) đã được nhà trường tập huấn cách dạy tích hợp. Từ thực hành đến tập giảng đều gian nan nhưng các thầy cô như Hoàng Anh, Thu Trang lại rất vui khi được dạy tích hợp. Cô giáo Thu Trang nay là Giám đốc giáo dục Trường liên cấp THCS - tiểu học Vietschool Pandora, nổi tiếng với cách dạy lịch sử lôi cuốn học sinh. Cô nhớ lại, khi dạy tích hợp cách đây 10 năm, bài học được chia theo chủ đề - chẳng hạn Câu chuyện của dòng sông (tích hợp môn địa lý và lịch sử).
GV dẫn dắt để học sinh bị kích thích mà tự tìm hiểu thông tin trong sách, trong phim tài liệu, từ đó thấy được các nền văn minh đều hình thành nhờ những dòng sông kỳ vĩ.
Theo Từ điển giáo dục học, “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.
|
Học sinh THCS của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tham gia Ngày hội chuyển đổi số STEM Robot năm học 2022-2023 - Ảnh: P.G.D. |
Cần sự chủ động học hỏi, tìm tòi
Cô Nguyễn Thị Thu Nga - GV bậc THCS ở quận 12, TPHCM - tâm sự rằng, ban đầu, cô rất hoang mang khi chuẩn bị dạy môn khoa học tự nhiên (KHTN) dù đã được tập huấn đầy đủ. Khi tìm tài liệu, cô vô tình xem được bài hướng dẫn dạy môn này trên mạng xã hội YouTube.
“Tôi đã mừng phát khóc, như người đuối nước bám được cái phao. Nhờ theo dõi các bài giảng mẫu đó, tôi đã tự tin dạy môn KHTN lớp Sáu và Bảy. Từ lớp Tám trở đi, không có video hướng dẫn nữa, nhưng tôi tự tin mình sẽ dạy tốt” - cô Thu Nga nói.
Cũng như nhiều GV khác, cô Nguyễn Kiều Anh (Trường liên cấp tiểu học - THCS Ngôi sao Hà Nội, TP Hà Nội) nhận thấy không ít khó khăn khi dạy tích hợp. Tuy nhiên, cô buộc mình phải nắm được chương trình và lộ trình. Cô tự trả lời các câu hỏi: khi sách thay đổi thì mục tiêu, bài học có thay đổi hay không; chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của học sinh là gì? Cô cho biết, nhờ nắm được những vấn đề đó, cô và đồng nghiệp xác định nên truyền đạt cho học sinh những nội dung nào, từ đó cô biết những ưu điểm rõ rệt khi dạy tích hợp.
Trước đây, cô Kiều Anh dạy môn hóa, chỉ tiếp xúc với học sinh khối Tám, Chín nhưng khi dạy môn KHTN thì các chủ đề về hóa học đã xuất hiện từ lớp Sáu - vốn là một phần nội dung của lớp Tám cũ. Ví dụ với chủ đề về ô xy trong chương trình lớp Tám trước đây, GV phải dạy tất cả nội dung về tính chất của ô xy. Khi kiến thức này được đưa xuống lớp Sáu, học sinh chỉ học nội dung đơn giản: ô xy là gì, ô xy có ở đâu và các tính chất vật lý cơ bản nhất của nó. Học sinh cũng có thể làm một thí nghiệm đơn giản, tự tư duy để trả lời câu hỏi đặt ra. Điều này khơi gợi được niềm hứng khởi cho học sinh.
|
Giáo viên huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu dự tập huấn STEM do 2 giảng viên vật lý Trường đại học Sư phạm Hà Nội giảng dạy - Ảnh: P.G.D. |
Những năm gần đây, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) quan tâm nhiều đến các phương pháp dạy học hiện đại nên cô tham gia vào một số nhóm liên quan trên mạng xã hội. Là GV tiểu học nhưng cô thường xuyên theo dõi các bài giảng môn KHTN bậc THCS của nhóm GV hiện đại. Cô cho biết: “Dù không dạy THCS nhưng tôi xem không sót bài giảng KHTN nào. Khi xem các bài giảng mẫu, tôi thấy phương pháp tích hợp rất hay. 2 năm nay, tôi đã hỗ trợ tốt cho con học môn KHTN lớp Sáu, lớp Bảy”.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh THCS không còn học các môn sinh học, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý riêng lẻ mà học 2 môn KHTN, lịch sử và địa lý, gọi là môn tích hợp. Sau 2 năm dạy tích hợp, Bộ GD-ĐT thừa nhận đây là một trong các khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình mới. |
Nhiều giáo viên chưa nghĩ đúng về dạy tích hợp Khi làm một khảo sát nho nhỏ với câu hỏi “Vì sao các thầy cô từ chối dạy tích hợp?”, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ nhận được 30.000 lượt tương tác. Các GV nêu nhiều nguyên nhân, nhưng tất cả đều không phải là nguyên nhân cốt lõi cản trở việc dạy tích hợp. Theo bà Chu Cẩm Thơ, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học suốt 20 năm qua, đã có sự khiên cưỡng trong nhà trường khiến nhiều GV nghĩ dạy học tích hợp là phương pháp chỉ GV giỏi mới làm được. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga (quận 12, TPHCM), Nguyễn Thị Hạnh (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) là 2 trong số các GV từng tham khảo bài giảng dạy môn KHTN qua các video trên YouTube. Những video này do 2 GV của hệ thống giáo dục Hocmai là cô Dương Thu Hà (dạy sinh học) và thầy Nguyễn Thành Nam (dạy vật lý) cùng thực hiện. Cô Hà và thầy Nam đã bắt đầu xây dựng hệ thống bài giảng môn KHTN - gồm cả bài giảng trình chiếu và video dạy thực tế - từ đầu năm 2020, tức là hơn 1 năm trước khi môn học này được triển khai ở trường THCS. Cô Hà, thầy Nam vừa tự học, vừa biên soạn bài giảng, làm video để các GV tham khảo, làm đến đâu thì đăng lên YouTube đến đó. Hằng tuần, họ còn làm các bài chia sẻ trên trang Facebook “GV hiện đại”. Đến năm 2022, thầy Nam, cô Hà đã làm trọn vẹn môn KHTN lớp Sáu và Bảy. Nhiều GV đã dạy tốt môn này nhờ những bài hướng dẫn nói trên. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Thành Nam cho biết, đến năm 2023, chỉ còn trên 100 GV tiếp cận, tham khảo bài giảng. Khó ở đâu, gỡ ngay ở đó Nhiều năm qua, một số trường ở TPHCM soạn chương trình, kế hoạch dạy học theo từng năm học để dạy có chủ đề, chủ điểm. Có trường tập trung cải tổ phương pháp dạy học với mong muốn các GV đều có thể thực hành được. Đến nay, sau một thời gian trải nghiệm, GV các trường ở TPHCM đã tự tin dạy các môn tích hợp. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, ngành giáo dục TPHCM đã có sự đón đầu và chuẩn bị cho các môn học này một cách bài bản. Thực tế, việc bồi dưỡng GV diễn ra trong thời gian ngắn nên năm đầu tiên triển khai dạy và học môn tích hợp, một số thầy cô chưa cảm thấy tự tin. Phòng Giáo dục trung học của sở đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để nắm khó khăn của thầy cô nhằm tháo gỡ. Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới EdulightenUp (Viện Nghiên cứu và Phát triển quản lý giáo dục, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam) đánh giá, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là điểm sáng trong việc đào tạo GV dạy môn tích hợp. Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Than Uyên - cho biết, khó khăn ban đầu là thiếu GV hiểu về chương trình. Khi đó, toàn huyện chỉ có 2 GV có thể dạy liên môn lịch sử - địa lý, môn KHTN, thậm chí không GV nào có thể dạy cả 3 môn lý, hóa, sinh. Ngành giáo dục huyện đã xác định “vừa làm, vừa tháo gỡ khó khăn”. GV dự tập huấn, bồi dưỡng và có lớp dạy minh họa để rút kinh nghiệm. Phòng cũng thành lập các nhóm GV cốt cán có nhiệm vụ kết nối giữa các môn để hỗ trợ GV toàn huyện. Nhóm GV cốt cán đến các trường dự giờ, tư vấn và dạy những tiết minh họa để hỗ trợ GV trong trường. Với từng trường, cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn phải trở thành nòng cốt, mỗi năm phải dạy 2 chuyên đề để cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm. Cuối năm học, phòng còn lấy ý kiến GV về nhu cầu bồi dưỡng. “Chúng tôi luôn nhất trí với nhau rằng, phải không ngừng nâng cao chuyên môn GV, đặc biệt là trong các môn tích hợp. Khó khăn ở đâu, chúng tôi tập trung tháo gỡ ngay ở đó” - ông Trịnh Ngọc Hải nói. Minh Tâm |
Uông Ngọc