edf40wrjww2tblPage:Content
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, chờ phụ huynh đến đón tại đầu hẻm 263 Nguyễn Trãi (Q.1), sau sau giờ học thêm tại nhà thầy T.
Phụ huynh tố giáo viên “chèo kéo” học sinh
Nhiều PHHS phản ánh, lệnh cấm DTHT ở bậc tiểu học của Bộ GD-ĐT chưa nghiêm. Một PH có con đang học lớp 5 của Trường TH Hiệp Tân (Tân Phú) gửi thư đến Báo Phụ Nữ bức xúc: Trên lớp, cô L. không dạy gì nhiều mà thường xuyên la mắng, đánh HS... Có thể do lớp dạy thêm của cô mới mở còn ít HS nên cô hay la mắng để ép HS đi học thêm. Con tôi đang học thêm ở GV khác, không chuyển về lớp của cô, nên cũng bị đánh. Không riêng gì cô L., một số GV của trường này cũng thường la, đánh HS và có mở lớp dạy thêm để kéo HS về nhà học. Trao đổi với chúng tôi, cô L. thừa nhận cô có tổ chức lớp DTHT bên ngoài trường.
Cũng trong đơn gửi Báo Phụ Nữ, một PHHS của Trường TH Lương Thế Vinh (Thủ Đức) có con bị ép học thêm trăn trở: “Dù không công khai nhưng GV luôn gợi ý để PH cho con em đi học thêm. Nếu GV dạy tận tình trên lớp thì với bậc tiểu học có nhất thiết phải học thêm?”. Một PHHS có con đang học lớp 1 của Trường TH Nguyễn Sơn Hà (Q.3) bức xúc phản ánh về trường hợp giáo viên thông báo có mở lớp phụ đạo ngay tại trường trong các chiều thứ Hai, Ba và Năm hằng tuần với học phí 400.000đ/tháng (thời gian học ngay sau giờ học chính, bắt đầu từ 16g10 - 17g40). Ban giám hiệu trường cũng thừa nhận có sự việc nêu trên, dù nhà trường không chủ trương dạy thêm theo đúng quy định của ngành.
Mới đây, một PHHS lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) than: Trong bài kiểm tra 15 phút vừa qua, thầy T., GV toán, ra đề gồm hai câu, trong đó có câu đến 4 điểm. Con tôi kể, thầy tuyên bố trước lớp, chỉ có em nào đi học thêm mới làm được bài. Ngay từ đầu năm học, thầy T. đã cung cấp số nhà, điện thoại cho HS có nhu cầu học thêm. Nhà tôi cách nhà thầy quá xa nên tôi không thể cho con đi học thêm được. Lần theo địa chỉ mà PH cung cấp, chúng tôi thấy lớp học thêm ở nhà thầy T. có nhiều lớp cho HS từ lớp 6-9. “Buổi tối thường có hai ca, ca 1 bắt đầu từ 17g30 đến khoảng 19g15, ca 2 từ 19g30 đến 21g. Mỗi lớp khoảng 20 em, học phí 500.000đ/tháng”, một HS lớp 9 của trường đang học thêm tại đây kể.
Trao đổi qua điện thoại, thầy T. thừa nhận có mở lớp dạy thêm tại nhà từ vài năm nay. Thầy hoàn toàn không ép HS học thêm, cũng không tự cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, chỉ là trong sổ liên lạc phải có đầy đủ thông tin của giáo viên.
Bà Hoàng Thị Lê An, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: DTHT là nhu cầu của người học. Nhà trường đã cấm tuyệt đối GV không được ép buộc HS học thêm. Qua xem xét bài kiểm tra 15 phút vừa rồi, tổ bộ môn khẳng định cả hai câu đều nằm trong chương trình và là phần căn bản của chương trình toán lớp 8. Tuy nhiên, trường sẽ kiểm tra thêm thông tin PH phản ánh, nếu có sai sẽ xử lý và chấn chỉnh ngay.
Một lớp DTHT trên đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình
Chờ... chỉ thị
Theo Thông tư 17 quy định về DTHT của Bộ GD-ĐT, nếu GV có tổ chức lớp DTHT phải đăng ký và xin phép BGH trường để phối hợp quản lý. Riêng bậc tiểu học tuyệt đối giáo viên không được dạy thêm với bất kỳ hình thức nào.
Dù luật đã có nhưng thực tế rất khó cấm các lớp DTHT từ lớp 1 đến THPT xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Thực tế đã vô hiệu hóa văn bản này, các hiệu trưởng cũng lúng túng trong việc quản lý. Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường TH Hiệp Tân cho biết: “Trường không khuyến khích DTHT. GV mở lớp DTHT theo sự tự nguyện và thỏa thuận của PH, tuyệt đối không được ép buộc HS học thêm. GV phải dạy bằng cái tâm là chính”. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc trường có biết có bao nhiêu GV tổ chức lớp DTHT, thì đại diện nhà trường thừa nhận là GV chưa đăng ký nên chưa nắm số lượng.
Theo Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, Sở và ban giám hiệu các trường nếu phát hiện có tiêu cực trong DTHT hoặc GV tìm cách chèo kéo, ép buộc HS sẽ bị xử lý kỷ luật. Mặt khác, ngành GD-ĐT vẫn ủng hộ GV DTHT chính đáng từ nhu cầu của HS.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Lương giáo viên thấp nên phải làm thêm, dạy thêm kiếm sống. Nhưng nếu giáo viên tìm cách chiêu dụ, bắt ép HS học thêm thì khó chấp nhận được. Làm như vậy vừa khổ cho HS, vừa ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục”. Vấn đề đặt ra ở đây là hầu hết hiệu trưởng đều khẳng định cấm GV ép buộc HS phải đi học thêm nhưng ranh giới giữa “tự nguyện” và “cấm” lại rất dễ nhập nhằng. GV có nhiều cách để PHHS phải “tự nguyện” đưa con đến nhà thầy cô như cho HS điểm kém, dạy tà tà trên lớp... PHHS sợ con bị “đì” nên thường không dám khiếu nại. Mặt khác, nếu GV không tự nguyện thông báo mở lớp phụ đạo ở nhà thì hiệu trưởng cũng chào thua. Trong khi đó, chính quyền cũng không thể quản lý thô bạo việc DTHT của GV ở địa phương bởi việc đó là nhu cầu kiếm sống chính đáng của người thầy.
Theo ông Lê Hồng Sơn, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về DTHT, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu UBND TP ban hành Chỉ thị về dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố. Trong khi chờ UBND TP ban hành Chỉ thị, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc về DTHT. Hiện dự thảo Quy định về DTHT trên địa bàn thành phố theo tinh thần Thông tư 17 đã hoàn thành việc lấy ý kiến các sở, ban, ngành, quận, huyện, UBMTTQVN các cấp. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn về công tác quản lý mà Sở GD-ĐT TPHCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh như: vấn đề cấp phép, vấn đề kiểm tra sau cấp phép.
Tiêu Hà - Thúy Liễu