Dạy thêm - học thêm: Người trong cuộc vẫn còn "luyến tiếc"

21/07/2016 - 06:22

PNO - Có thể nói, chưa bao giờ vấn nạn dạy thêm - học thêm (DT-HT) được chỉ đạo khắc phục một cách quyết liệt như thời gian qua.

Ngày 28/6/2016, UBND TP.HCM có văn bản 3265/UBND-VX yêu cầu kể từ năm học 2016-2017 chấm dứt việc tổ chức DT-HT tại các trường trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng khẳng định quyết tâm chấm dứt DT-HT vào năm 2016-2017. Quyết tâm đó được dư luận rất ủng hộ, nhưng phía ngành GD-ĐT vẫn tỏ ra “luyến tiếc”. Cụ thể là dù TP đã có văn bản yêu cầu chấm dứt DT-HT nhưng nhiều trường THPT vẫn phớt lờ, tiếp tục tổ chức DT-HT trong hè.

Day them - hoc them: Nguoi trong cuoc van con
Ảnh minh họa: Internet

Có thể kể những trường THPT có tổ chức dạy thêm hè như Trần Phú (Q.Tân Phú), Trưng Vương (Q.1), Bình Phú, Nguyễn Tất Thành, Mạc Đĩnh Chi (Q.6), Tân Phong (Q.7), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp)… Khi được hỏi, nhiều trường lý giải kiểu như: việc DT trong hè đã có kế hoạch từ trước; giấy phép DT-HT của Sở cấp vẫn còn thời hạn; năm học mới chưa bắt đầu (ý nói vào đầu năm sẽ dẹp theo chỉ đạo); chỉ ôn tập kiến thức cũ, học sinh (HS) đi học và GV đi dạy là hoàn toàn tự nguyện…

Đáng nói là vào ngày 7/7/2016 Sở GD-ĐT lại ra công văn số 2246/GDĐTTrH về chấn chỉnh thực hiện kế hoạch năm học, trong đó cho phép “các đơn vị đã được cấp phép DT-HT thực hiện đúng các quy định về DT-HT” theo những quy định của Bộ GD-ĐT và của UBND TP.HCM từ hai năm về trước. Văn bản này cũng là cái “phao” để các trường níu kéo chuyện DT trong hè.

Chưa hết, có trường còn dùng chiêu “dạy trước chương trình” để thu hút HS. Qua điện thoại, GV của trường THPT T. bức xúc với chúng tôi: “Trong khi TP đã quyết tâm không DT-HT thì trường lại tổ chức DT-HT hè. Khóa học kéo dài sáu tuần nhưng chỉ ôn tập một tuần, năm tuần còn lại dạy chương trình mới”.

Sáng 19/7, chúng tôi đến trường này, nhận thấy khá nhiều HS đang theo học hè. Hiệu trưởng cho biết, trường mở lớp ôn tập hè cho năm môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ trên tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc, có khoảng 70% HS khối 11 và 12 đang theo học. Khóa học bắt đầu từ 20/6 và kết thúc vào cuối tháng Bảy. Về lý do phải tổ chức DT-HT trong hè, ông hiệu trưởng than: HS của trường rất yếu, điểm đầu vào thấp, thuộc tốp cuối các trường của TP. Hiệu trưởng này cũng phủ nhận việc dạy trước chương trình, tỏ ý mời hai tổ trưởng chuyên môn cho chúng tôi xác minh. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu cho xem tập HS, ông không đáp ứng.

Một HS lớp 12 của trường xác nhận, khóa học hè đã bắt đầu khoảng một tháng. Các thầy cô giáo vừa ôn tập vừa dạy chương trình mới. Một nhóm HS lớp 11 cho biết: “Khóa học bắt đầu từ 20/6. Sau thời gian ôn tập, tụi con được học trước chương trình lớp 12”. Để chứng minh trường dạy trước chương trình, một HS mở tập ra chỉ vào bài học: “Điện tích - định luật - cu lông” là bài 1, chương 1, chương trình lớp 11. Tương tự, một HS lớp 12 cho biết bài “Bản Tuyên ngôn độc lập” thuộc chương trình lớp 12.

Lâu nay, chuyện DT-HT được ngành GD-ĐT TP.HCM “hợp pháp hóa” bằng hình thức dạy tăng tiết ngay trong trường. Giờ đây, khi vấn nạn DT-HT đang đứng trước việc bị dẹp bỏ thì nhiều trường dạy một buổi lại rục rịch chuẩn bị hồ sơ chuyển thành trường hai buổi nhằm níu kéo chuyện DT-HT. Công bằng mà nói, việc DT-HT cũng phần nào giúp HS cải thiện điểm số, nhà trường và thầy cô giáo có thêm thu nhập, phụ huynh có chỗ để gửi con…

Tuy nhiên, tác hại của nó cũng vô cùng nặng nề. Nó chẳng những lấy đi hết thời gian vui chơi giải trí, tham gia vào các hoạt động của lứa tuổi để phát triển thể chất, tinh thần, năng khiếu, trang bị các kỹ năng sống… mà tệ hại hơn, còn khiến HS ngày càng bị lệ thuộc vào thầy cô giáo, mất tính chủ động sáng tạo trong học tập. Ví dụ rõ ràng cho tác hại đó là hiện nhiều HS sau khi vào được đại học vẫn phải tìm thầy học thêm.

Vì thế, không thể ủng hộ hay níu kéo việc DT- HT. Tuy nhiên, để xóa sổ vấn nạn này, trước tiên cần đến sự quyết tâm thực sự của những người trong cuộc, cụ thể là của các thầy cô giáo, lãnh đạo các trường và lãnh đạo ngành GD-ĐT. Tiếc thay, những người trong cuộc như vẫn còn luyến tiếc.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI