|
Tập cho trẻ thói quen sinh học giờ giấc quy củ đúng giờ từ nhỏ để trở thành thói quen tốt sau này (Ảnh minh họa) |
Khi bé từ mầm non lên lớp 1, cả nhà tôi có sự cải tổ mạnh mẽ về lịch sinh hoạt. Tôi lên hẳn một thời khóa biểu từ giờ ăn, giờ ngủ cho con gái có tên “Oliu ngoan, ăn ngủ đúng giờ”. Chi tiết như sau:
Buổi sáng
6g20: Thức dậy chào buổi sáng, chào mặt trời, cười với chính mình trong gương (ý là lúc đánh răng rửa mặt)
6g30: Cả nhà ăn sáng
7g: Oliu đến trường cùng kỳ lân hồng (là chiếc cặp hình kỳ lân của bé)
Buổi chiều
17g: đi học thêm
19g: ăn tối cùng gia đình
Buổi tối
20g: Chuẩn bị ôn bài, soạn sách vở cho ngày mai
20g30: Cả nhà cùng chơi đùa, trò chuyện tại khu vườn xanh (chiếc giường xanh trong phòng ngủ của ba mẹ)
21g15: Cuộn tròn trong lòng mèo xinh (chiếc giường mèo Hello Kitty của con gái)
Thời gian đầu thực sự khó khăn. Gần như ngày nào bé cũng ngái ngủ, bực dọc, khóc la, không chịu ăn sáng hoặc ăn không hết phần. Vợ chồng tôi rất căng thẳng, sau khi con bé đến trường lại cằn nhằn nhau, nào chuyện không chuẩn bị bữa sáng kịp, quên đồ dùng học tập phải chạy lên trường gửi bác bảo vệ. Đến công ty chúng tôi cũng vẫn còn hậm hực. Không lẽ phải chuyển trường cho con học trường quốc tế để thời gian thoải mái hơn, con được ăn sáng trên trường thì buổi sáng sẽ không còn cập rập rối bù như thế này nữa?
Nhưng rồi đến tuần thứ 3, mọi thứ bắt đầu vào guồng. Không chỉ con bé, chính vợ chồng tôi cũng phải tập quen với sự thay đổi này. Thế là chúng tôi phân công nhịp nhàng: nếu tôi đánh thức bé dậy thì chồng tôi sẽ là người xuống bếp chuẩn bị bữa sáng. Sáng nào tôi cũng đánh thức bé dậy bằng một bài hát thiếu nhi vui nhộn cùng những động tác nhí nhố cho bé bật cười.
Khi ngồi vào bàn ăn sáng, vợ chồng tôi cố gắng giữ cho không khí vui vẻ bằng cách hỏi con những vấn đề làm con thích thú.
Ví dụ như: “Con nghĩ là Halloween sắp tới, con sẽ hóa trang thành nhân vật gì?”; “Con có cho rằng bạn Thanh Duy chính là Dekisugi hay không? Tại sao lại vừa học giỏi vừa chơi thể thao giỏi như vậy”, “Sáng nay ba xuống nhà, nhìn thấy cái gì đen đen trong hộc tủ, ba sợ quá tưởng con chuột đi lấy chổi thì hóa ra nó là cái cột tóc của mẹ, mẹ đang cột con chuột kìa”...
Cả nhà sẽ cười vui vẻ vì những mẩu chuyện nho nhỏ và điều quan trọng nhất là “ơn giời con bé tỉnh táo hẳn để vui vẻ đến trường rồi”. Giờ bé đã lên lớp 3, cả nhà tôi đều đã quen với lịch trình này và thấy rất thoải mái, lành mạnh. Vợ chồng tôi cũng luôn đến nơi làm đúng giờ.
Có thể thấy, trong lịch sinh hoạt của gia đình tôi không có thời gian dành cho tivi, điện thoại hay iPad. Những thiết bị đó chỉ được dùng khi bé cần tìm hiểu về bài đọc trong môn Tiếng Việt hoặc những bài hát trong môn Âm nhạc. Nói chung là chỉ dùng để phục vụ cho công việc học tập hoặc tìm hiểu thêm các kiến thức mở rộng. Tuyệt đối không có chuyện chơi game, lướt web, TikTok đến khuya mới ngủ.
Mọi người thi nhau đưa ý kiến về việc lùi giờ học để có thêm thời gian ăn ngủ, để học sinh tỉnh táo hơn nhưng chưa ai lắng nghe ý kiến của giáo viên, những người trong cuộc trực tiếp.
Tôi có nhiều bạn bè hiện đang là giáo viên dạy cấp I và cả cấp II, cấp III. Họ nói rằng sau nhiều năm giảng dạy, theo dõi từng em trong lớp thì nhận thấy rằng, em nào “nghiêm chỉnh” luôn đi học đúng giờ và tập trung trong giờ học; em nào hay đi học trễ, hay đến trường trong cảnh vội vàng, quýnh quáng, miệng ngậm ổ bánh mì và suốt năm học đều như thế.
Cả lớp đều bắt đầu học từ 7g30 như nhau, tại sao có bạn tỉnh táo học hành, đầu tóc, áo quần chỉnh tề còn có những em lại gà gật, áo quần xộc xệch. Trùng hợp là khi họp phụ huynh, phụ huynh của những em chỉnh tề rất chỉnh tề giờ giấc, còn phụ huynh những em hay đi học trễ giờ cũng đi họp trễ giờ. Rõ ràng yếu tố gia đình ảnh hưởng rất nhiều.
Bé nhà tôi nghe ở đâu đó rằng có thể lùi giờ học nên cũng tỏ ý muốn đi học trễ hơn. Bé nghĩ đi học trễ hơn thì buổi tối có thêm thời gian để chơi. Tôi giải thích rằng ngủ sớm để dậy sớm tốt hơn rất nhiều so với việc ngủ trễ dậy trễ, mặc dù thời gian ngủ như nhau. Vì các bộ phận trong cơ thể cũng hoạt động có giờ giấc. Ví dụ như hormone chiều cao chỉ tiết ra khi con ngủ trước 22g. Khi con ngủ sớm, thức dậy sớm con sẽ tỉnh táo để tiếp thu bài tốt hơn.
Tôi còn lấy ví dụ rằng các trường học ở Nhật Bản bắt đầu khá trễ, tại sao Shizuka, Suneo, Jaian, Dekisugi đều đi học đúng giờ và vui vẻ, riêng chỉ Nobita hậu đậu và lười biếng là luôn đi học trễ không kịp ăn sáng? Vậy thì lỗi tại trường học hay tại bản thân Nobita không chú trọng việc học và giờ giấc?
Trở lại với việc có nên lùi giờ học sang 8g như tại một số nước hay không, tôi vẫn bảo vệ quan điểm là không. Trẻ vào học trước 7g thì bất tiện cho một số gia đình xa trường, nhưng ở khung giờ 7g15 và 7g30 là hợp lý. Hợp lý cho cả sự phát triển thể chất (nếu bé ngủ từ 21g30 đến 6g30 sáng vẫn đủ đủ 8-9 tiếng chưa kể giờ ngủ trưa trên trường), hợp lý cho giao thông - tránh cao điểm ùn ứ kẹt xe. Quan trọng nhất là hợp lý cho việc cha mẹ kịp đi làm (với giờ làm việc phổ biến là 8g như hiện nay)
Nếu nói chuyện ngủ không đủ thì kể cả khi đã là sinh viên hoặc công nhân viên đi làm cũng muốn ngủ nướng, nhiều lúc gà gật tại trường hoặc nơi làm việc, chứ huống chi trẻ nhỏ. Quan trọng là buổi tối hôm trước có sắp xếp công việc học hành để ngủ sớm hay không.
T. Thanh
(Quận 10, TP.HCM)