Dạy online mùa dịch: Thu học phí thế nào?

07/06/2021 - 08:32

PNO - Học phí học online từng là câu chuyện tranh chấp gay gắt giữa nhà trường và phụ huynh khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu vào năm 2020. Bước sang năm COVID-19 thứ hai, dù đã có hành lang pháp lý để bảo vệ người học và không gây thiệt hại cho người dạy nhưng những bất đồng giữa các bên liên quan vẫn chưa chấm dứt.

Chỉ được tính học phí thực dạy

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ tư vào tháng 5/2021, học sinh - sinh viên (HS-SV) cả nước phải chuyển sang học trực tuyến. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND TPHCM ra quyết định, từ ngày 10/5 HS ngừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để hoàn tất chương trình năm học. Trong tình thế bắt buộc, giải pháp này trở nên quen thuộc, dường như cả người dạy và người học đều đã chuẩn bị tâm thế và nhanh chóng thích ứng với việc học qua internet.

 

Học sinh học online khi trường học tạm đóng cửa
Học sinh học online khi trường học tạm đóng cửa

Tất cả trường học tại TPHCM triển khai ngay kế hoạch học trực tuyến để đảm bảo chuẩn kiến thức theo khung chương trình của năm học. Vì thế, từ trường công lập đến ngoài công lập đều kích hoạt việc dạy trực tuyến các môn học, tiết học theo thời khóa biểu. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng được nhiều trường áp dụng linh hoạt hơn. Thay vì làm bài kiểm tra trên giấy trực tiếp, tùy từng môn, HS làm bài kiểm tra trực tuyến hoặc thực hiện dự án học tập...

Khúc mắc còn lại của câu chuyện chính là học phí được tính theo nguyên tắc nào?

Tại một số trường quốc tế, dân lập, phụ huynh nhận được thông báo về việc đóng học phí học online 100%. Nhà trường nêu cụ thể rằng, trong những ngày HS ngừng đến trường sẽ không thu tiền ăn, xe đưa đón… nhưng vẫn phải đóng học phí đầy đủ. Một số phụ huynh cho rằng, việc thu đủ học phí trong thời gian học online kéo dài ba tuần cuối của tháng Năm là chưa hợp lý vì chất lượng dạy online không thể bằng dạy trực tiếp...

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, ngày 9/5, sở đã ban hành văn bản về việc thu các khoản thu trong thời gian HS ngừng đến trường do dịch COVID-19. Theo đó, sở lưu ý về thời gian thu học phí và các khoản thu khác phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung quy định trong kế hoạch thời gian năm học. Trong thời gian HS ngừng đến trường, nếu các trường không triển khai học trực tuyến thì không thu học phí. Chỉ thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Các khoản thu thỏa thuận và thu - chi hộ phải thu theo thời gian thực học và chi phí thực tế phát sinh. 

Nhiều nhà sư phạm cho rằng, thực tế chứng minh rằng dạy online không hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng việc đầu tư dạy online tốn kém công sức và chi phí nhiều hơn so với hình thức truyền thống. Còn để có những tiết học sinh động qua màn hình, một giáo viên người Úc đang dạy chương trình tích hợp kể: “Trẻ em bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị công nghệ, trò chơi. Giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức, nghĩ ra nhiều cách thức để thu hút HS hơn các trò chơi hấp dẫn trên internet”.

Chi phí dạy trực tuyến có thấp hơn trực tiếp?

Từ ngày 17/5, các trường đại học (ĐH) cũng chuyển sang dạy trực tuyến để phòng chống dịch. SV của hàng loạt trường ĐH như Văn Lang, Hoa Sen, Hồng Bàng, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… cũng băn khoăn về mức thu học phí không thay đổi dù SV không đến trường sử dụng cơ sở vật chất. 

Một SV của Trường ĐH Công nghệ TPHCM phản ánh, khi học trực tuyến, người học không sử dụng cơ sở vật chất, điện, nước, trang thiết bị học tập. Điều này giúp nhà trường tiết kiệm một khoản chi phí so với việc tổ chức lớp học trực tiếp, nhưng tại sao nhà trường không giảm học phí? Đại diện trường này phản hồi: Ở đợt dịch năm 2020, một số SV sắp tốt nghiệp nhưng trường không dạy trực tuyến khiến các bạn bị trễ tiến độ. Do đó, năm nay trường tổ chức dạy trực tuyến để thêm lựa chọn cho SV. Những SV không đủ điều kiện, ở quê có thể xin bảo lưu, trường chuyển các môn học này vào kỳ sau. Dù SV không đến lớp, dạy trực tuyến nhưng giảng viên vẫn phải lên lớp, sử dụng cơ sở vật chất. Hơn nữa, trường cũng phải đầu tư hạ tầng mạng, đường truyền để đảm bảo dạy học đạt kết quả. 

Lý giải việc năm 2020 giảm học phí nhưng năm nay lại không, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, do năm nay trường đã xây dựng bài giảng các môn học hoàn chỉnh, hấp dẫn. Chi phí thực hiện một video bài giảng rất tốn kém, có khi lên đến vài chục triệu đồng từ soạn bài giảng, tổ chức quay, dựng phim…

Còn theo các trường phổ thông, năm nay, thời gian HS dừng đến trường, học online trong khoảng ba tuần cuối năm học. Phần lớn thời gian của năm học đã học trực tiếp nên các trường không thể tiếp tục gồng gánh miễn giảm học phí thêm nữa. Vì vậy, không giảm học phí học online của ba tuần cuối. 

Phúc Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI