Lớp học "trẻ dạy già"
Ông Yoon Sang-ki (75 tuổi) mỉm cười khi “gia sư” của ông - một học sinh cấp II trạc tuổi cháu ông - tán thành câu trả lời ông cẩn thận viết ra trên vở bài tập toán trong một buổi dạy kèm tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Jin Hyung, khu vực trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ngày xưa, ông Yoon không thể học cấp II vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Ông nói: “Tôi đã chờ đợi gần 60 năm để có cơ hội được học tập. Bây giờ, tôi rất mong đến thứ Bảy để học lớp này”.
Ông Yoon là 1 trong hơn 1.200 học sinh tại ngôi trường đặc biệt dành cho những người học muộn, nơi độ tuổi trung bình của “học sinh” là 67. Buổi dạy kèm kéo dài 2 giờ được tổ chức vào thứ Bảy cách tuần là một sự bổ sung đặc biệt được thiết kế để giúp các cụ ông, cụ bà học thêm về môn toán, tiếng Anh và các môn học khác. Chương trình phụ đạo 2 tuần/lần, được giới thiệu theo sáng kiến của Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul, còn nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ giữa những người lớn tuổi theo học tại các cơ sở giáo dục suốt đời và nhóm học sinh trung học cơ sở.
|
Ông Yoon Sang-ki (phải) giải một bài toán với sự giúp đỡ của người cố vấn Han Da-young trong chương trình gia sư vào ngày 18/11/2023 - Nguồn ảnh: Yonhap |
Năm nay, 108 người cao tuổi và 104 học sinh trung học cơ sở đã đăng ký tham gia chương trình phụ đạo thí điểm từ tháng Mười đến tháng Mười hai. Dự kiến số lượng đăng ký sẽ được mở rộng vào năm tới để thu hút nhiều trường học hơn. Các “học sinh” cho biết chương trình cố vấn 1-1 là cách để họ ôn lại những gì đã học vào các ngày trong tuần, bởi thời gian thường trôi qua quá nhanh để họ có thể nắm bắt triệt để các khái niệm mới. Một “học sinh” cho hay: “Vì gia sư của chúng tôi là học sinh cấp II, họ thường chỉ chúng tôi các mẹo hữu ích để tiếp thu bài giảng và ghi nhớ kiến thức”.
Bà Lee Bong-ye (72 tuổi) cho biết chương trình phụ đạo này nổi tiếng đến mức một nửa số bạn cùng lớp của bà ở trường học trọn đời muốn tham gia nhưng chỉ có 2 người được chọn. Bà nói: “Tôi có những người bạn cùng lớp đang chờ đợi cơ hội này. Tôi mong chính phủ mở rộng chương trình để hỗ trợ thêm nhiều người cao niên ham học hỏi”.
Theo khảo sát của Viện Giáo dục suốt đời quốc gia vào năm 2020, gần 2 triệu người Hàn Quốc (tương đương 4,5% người trưởng thành) có trình độ ngang bằng học sinh lớp Một hoặc lớp Hai. Điều này nghĩa là họ thiếu các kỹ năng đọc, viết và đếm cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Jin Hyung, tọa lạc tại phường Jongno, là một trong 10 cơ sở giáo dục suốt đời ở thành phố này. Học sinh tốt nghiệp tại trường, bất kể lứa tuổi, được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Theo dữ liệu từ Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul, tính đến tháng 4/2023, 6.622 học sinh đã đăng ký vào các trường giáo dục trọn đời ở Seoul và con số này không ngừng tăng lên trong vài năm qua, đạt 6.091 vào năm 2021 và 6.593 vào năm 2022.
|
Một “học sinh” ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Jin Hyung giải bài tập cùng gia sư, với cách phát âm tiếng Hàn của các từ tiếng Anh được viết nguệch ngoạc trên giấy - Nguồn ảnh: Yonhap |
Ở quốc gia nơi giáo dục tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc theo luật và giáo dục trung học phổ thông được cung cấp miễn phí, học sinh tại các cơ sở thuộc nhóm quy định trong Đạo luật Giáo dục suốt đời cũng được học tập miễn phí.
Bà Yoon Jung-nyu (69 tuổi) cho biết, bà đến lớp sau khi rửa sạch bắp cải và ngâm nước muối để làm kim chi. Lần tốt nghiệp đầu tiên và cuối cùng của Yoon là ở trường tiểu học tại địa phương vào năm 1967. Bà kể: “Tôi làm công nhân từ năm 18 tuổi và thành lập nhà máy dệt của mình khi tôi 23 tuổi”. Bà Yoon đã che giấu trình độ học vấn ngay cả với những người bạn thân nhất. Mọi người vẫn cho rằng bà đã tốt nghiệp trung học.
|
“Lớp học công nghệ dành cho người cao tuổi” giúp gắn kết học sinh với người cao tuổi tại quận Red Deer, tỉnh Alberta, Canada - Nguồn ảnh: Phân hiệu trường Chinook’s Edge/Central Alberta Online |
Với hầu hết học sinh cấp II, đây là lần đầu tiên các em dạy kèm cho ai đó. Các em nhiệt tình phục vụ nhóm “học sinh” cao tuổi. Đa phần thậm chí còn lớn tuổi hơn cả ông bà của các em.
Gia sư Im Hyun-jun (14 tuổi) cho biết em mang theo bài tập riêng chuẩn bị từ tối hôm trước đến buổi phụ đạo, trong đó có các khái niệm toán học và các bài toán tùy chỉnh theo khả năng của học sinh. Một gia sư khác, Maeng Ji-eun, nói rằng em thường thức dậy trước buổi học vài giờ để xem các bài giảng trực tuyến nhằm tìm cách giải thích mọi thứ dễ hiểu hơn cho “học sinh” của mình. Choi Yoon-jung - giáo viên dạy môn xã hội tại trường giáo dục trọn đời - tiết lộ, bản thân cô luôn có nhiều điều để học hỏi từ những học sinh “tóc bạc”. Nhiều người trong số đó đã bỏ học để chăm sóc gia đình trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Cô Choi nói: “Không ai ngủ trong giờ học và tất cả những gì bạn nghe thấy suốt buổi học là âm thanh ghi chép bằng bút chì”.
Theo Han Da-young - gia sư 15 tuổi của ông Yoon Sang-ki, dù gặp khó khăn khi thức dậy vào lúc sáng sớm nhưng em cảm thấy rất hạnh phúc trong quá trình từng bước giúp ông Yoon giải một bài toán khó. Da-young bày tỏ: “Em hy vọng ông ấy có thể học hết cấp III. Em chắc chắn ông ấy có thể vì ông ấy có niềm đam mê".
Giúp người lớn tuổi làm quen công nghệ
Người cao tuổi và thanh thiếu niên tại quận Red Deer, tỉnh Alberta, Canada đang hình thành những kết nối quan trọng nhờ một chương trình mới được cung cấp tại Trường trung học Spruce View. “Lớp học công nghệ dành cho người cao tuổi - Tech Time” là chương trình được cung cấp thường xuyên bởi Dịch vụ Hỗ trợ Gia đình và Cộng đồng (FCSS) ở quận Red Deer. Dù vậy, nó đã được thay đổi một chút để thanh niên có thể trở thành cố vấn công nghệ cho người cao tuổi thay vì tình nguyện viên trong cộng đồng.
Nhân viên xã hội Kevin Velthuis Kroeze cho biết: “Chúng tôi vận hành Tech Time cho người cao tuổi ở một số địa điểm nhằm cung cấp cho người dân sống ở khu vực nông thôn khả năng tiếp cận công nghệ bằng cách hỗ trợ họ tìm hiểu về công nghệ”. Cơ hội tham gia tình nguyện hiện được mở rộng cho học sinh từ lớp Tám đến lớp Mười hai tại trường. Đến nay, đã có 16 học sinh và khoảng 15-20 người cao niên tham dự chương trình, trong đó có một số người chưa từng bỏ buổi học nào.
|
Học sinh tại Trường trung học Spruce View hướng dẫn người cao tuổi cách sử dụng điện thoại cùng các món đồ công nghệ khác. Đổi lại, họ nhận về những câu chuyện cuộc sống - Nguồn ảnh: Phân hiệu trường Chinook’s Edge/Central Alberta Online |
Nhóm bắt đầu họp mặt mỗi tháng từ tháng 9/2023 và đến nay, đã có 3 lớp học. Scott Stefanek - Phó hiệu trưởng Trường trung học Spruce View - thông tin: “Chúng tôi rất hài lòng và mọi việc đang diễn ra tốt đẹp. Hình thức phản hồi tốt nhất là nụ cười trên khuôn mặt những người cao tuổi và học sinh hỗ trợ họ. Ngoài ra, khi lắng nghe những cuộc trò chuyện giữa họ, bạn sẽ hiểu rằng buổi học có thể bắt đầu từ kiến thức công nghệ nhưng cũng dần chuyển sang các chủ đề khác, bao gồm kinh nghiệm sống và giao tiếp xã hội. Thật tuyệt vời khi chứng kiến những kết nối tích cực dần hình thành giữa các thế hệ trong cộng đồng”.
Jake Buhler - học sinh lớp Tám tại Trường Spruce View - chia sẻ: “Lớp học khiến em cảm thấy thật tuyệt vời. Em rất ngạc nhiên khi biết có nhiều người cao tuổi không biết gì về điện thoại di động. Em hiểu rằng họ cần nó để gọi cho con cháu, vì vậy em cảm thấy rất vui khi được giúp đỡ. Buổi học cũng giúp em trở nên tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người và cảm thấy được chào đón ở trường”. Jean Kaiser - một cư dân cao tuổi ở khu vực Spruce View - bày tỏ: “Thật tuyệt vời. Tôi thường mang theo danh sách các câu hỏi mà tôi viết ra trong tháng và nhận được rất nhiều câu trả lời ở đây. Bọn trẻ rất tuyệt vời. Chúng kiên nhẫn và không phán xét. Thật tốt khi thế hệ trẻ hiểu rằng những người già vẫn minh mẫn và có thể học hỏi, đồng thời thật tốt khi học sinh tham gia tình nguyện. Lớp học mang lại cho người cao niên một cái nhìn tốt hơn về thế hệ trẻ. Những đứa trẻ ngoan là món quà tuyệt vời nhất cho cộng đồng".
Ngọc Hạ