“Em thấy mình may mắn!”
Nhiều giải pháp hỗ trợ người khuyết tật đã được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động áp dụng và phát triển mô hình vừa học vừa làm cho thanh niên khuyết tật” do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM phối hợp Tổ chức SC (Save the Children) tổ chức ngày 7/10.
Là phiên dịch viên cho buổi thảo luận, L. H. A. học sinh lớp Chín, Trường chuyên biệt khiếm thính H. V. Bình Thạnh - tập trung lắng nghe ý kiến từ các thầy cô để dịch lại cho các bạn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Dù mới học ngôn ngữ ký hiệu được 1 năm, nhưng H. V. tự tin và chuyên nghiệp trong việc chuyển tải nội dung thảo luận đến những người bạn khiếm khuyết giống mình.
Cậu là một trong những đối tượng đang thụ hưởng những lợi ích từ dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM phối hợp Tổ chức SC thực hiện.
Ngoài hội trường, H. A. chia sẻ lý do dẫn đến khuyết tật của em là “câu chuyện khá buồn”. 18 năm trước, khi đang mang thai H. A., do không giải quyết được mâu thuẫn với người chồng rượu chè, mẹ H. A. rơi vào trầm cảm và muốn giết chết đứa con trong bụng.
Một buổi sáng, chị cố hết sức vận động để đẩy cái thai ra khỏi cơ thể. May thay, mẹ chồng đi chợ về kịp lúc, đã vội đưa con dâu vào bệnh viện. Mặc cho bác sĩ khẳng định đứa bé trong bụng không còn dấu hiệu của sự sống, hoặc nếu cứu được, khả năng sẽ bị khuyết tật rất cao, bà chấp nhận và cầu xin bác sĩ cứu lấy cháu mình.
“Người ta tiêm vào cơ thể mẹ 1 loại thuốc gì đó và đứa bé bên trong hồi sinh trở lại. Bà nội cũng chuẩn bị tinh thần để đón nhận 1 đứa cháu khuyết tật. Nhưng may mắn em chỉ có vấn đề ở thính giác” - H. A. kể.
Từ ngày chào đời, H. A. ở với bà và đi học bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, thính giác của em ngày càng giảm. Cho đến lớp Năm, H. A. không còn nghe được nữa. Kết quả học tập ngày càng giảm khiến em mặc cảm, thu mình và dần trở thành 1 đứa trẻ tự kỷ.
Không thể đứng nhìn cháu mình chìm dần vào bóng tối, bà nội H. A. đưa em vào trường chuyên biệt. Ở đây, em thấy mình hoàn toàn thay đổi. Hoàng Anh tâm sự: “Các thầy cô đã dạy em rất nhiều. Các bạn mới đón nhận và hòa đồng khiến em dần hòa nhập và thấy tự tin hơn.
Hiện tại, em cảm thấy rất hạnh phúc vì dù không nghe được, nhưng em vẫn nói được. Em mơ ước sẽ trở thành 1 giáo viên, phiên dịch viên và mọi người đang giúp em thực hiện ước mơ đó”.
Hiện tại, H. A. đang theo học lớp ngôn ngữ ký hiệu 1 năm tại Trung tâm Ngôn ngữ ký hiệu Nắng Mới. Tổng kinh phí khóa học là 11 triệu đồng được hỗ trợ từ dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững”.
Doanh nghiệp sẵn sàng nhập cuộc
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM - thông tin, dự án được triển khai năm 2023 và chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 2/2024 với mục tiêu hỗ trợ 500 thanh niên khuyết tật (ưu tiên nhóm khuyết tật vận động và khiếm thính) tại TPHCM tiếp cận tốt hơn với định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu của các em thông qua các mô hình vừa học vừa làm.
Các hoạt động của dự án bao gồm: hỗ trợ thanh niên khuyết tật xác định con đường nghề nghiệp, phát triển kỹ năng và tạo việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng thông qua việc định hướng nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương trong việc hỗ trợ tạo cơ hội việc làm và môi trường làm việc cho thanh niên khuyết tật thông qua thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, tài liệu hóa mô hình và chia sẻ kết quả mô hình để nhân rộng dự án. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã trao học bổng học nghề cho 70 trường hợp, giới thiệu 20 thanh niên khuyết tật có việc làm ổn định.
Xem đây là 1 dự án nhân văn, chị Lương Thị Kiều Thúy - Giám đốc Công ty cổ phần Nhượng quyền kinh doanh xã hội Sáng Group - chuỗi cơ sở giặt là Sáng - cho biết, sẵn sàng đồng hành với mô hình trong việc đào tạo, tạo việc làm cho người khiếm thính thông qua việc cung cấp dịch vụ giặt là chất lượng với nhiều chi nhánh tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai.
Chị Thúy cho biết, chuỗi cửa hàng sử dụng nhân sự hoàn toàn là người khiếm thính, nên trong vòng 5 năm qua, công ty đã đào tạo nghề, tạo việc làm cho rất nhiều lao động khiếm thính. Với những nhân viên có tay nghề và có mong muốn mở cửa hàng mới, công ty sẵn sàng hỗ trợ vốn.
Anh Nguyễn Thái Thành - Sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Thành Nguyễn - cũng sẵn sàng đồng hành. Anh cho biết, salon tóc Thành Nguyễn được thành lập từ năm 2011 từ ước mơ của 1 cậu bé khiếm thính luôn mong có 1 salon tóc. Để nuôi ước mơ đó, năm 13 tuổi, anh học ngôn ngữ ký hiệu và 17 tuổi thì học nghề tóc.
Vượt qua vô vàn khó khăn, anh đã tự tin tham gia cuộc thi tạo mẫu tóc mà ở đó chỉ mình anh là người khuyết tật. “Như 1 cái cây mới nảy mầm, tôi phải chăm sóc, dành nhiều tâm huyết cho salon tóc. Tôi nghiên cứu những mẫu thời trang khác nhau, các xu hướng tóc mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Khách hàng của tôi có hơn 100.000 người trong suốt những năm qua” - anh Thành chia sẻ.
Với 100% nhân viên là người khiếm thính, nhiều năm nay, salon tóc Thành Nguyễn được khách hàng yêu quý gọi tên “Tiệm tóc không lời”. Năm 2023, ngoài hỗ trợ dạy nghề, salon tóc Thành Nguyễn còn thành lập tổ chức “Những bàn tay xanh” để hỗ trợ kỹ năng mềm cho các học viên, nhân viên khuyết tật, giúp các bạn giải quyết vấn đề một cách tự tin, chuyên nghiệp.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Cần sự tham gia của nhiều bên liên quan
Ông Trình Ngọc Giáp - đại diện Trung tâm Reach (Hà Nội) chuyên hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm cho bạn trẻ - nhận xét, mô hình “vừa học vừa làm” mà dự án đang triển khai mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật nhờ tính thực hành cao, thời gian đào tạo ngắn và có nguồn lực chất lượng.
Tuy nhiên, cần có bước khảo sát đầu vào để đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của thanh niên khuyết tật và yêu cầu từ phía doanh nghiệp để giúp quá trình đào tạo thuận lợi hơn.
Theo ông, yếu tố quan trọng nhất giúp mô hình thành công là cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, phụ huynh, nhà trường, doanh nghiệp… để tạo nên một vòng tròn kết nối.
Đồng ý mô hình vừa học vừa làm cho người khuyết tật là khả thi và ý nghĩa, nhưng theo bà Võ Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương, “tính khả thi đó chỉ có được từ sự hỗ trợ của rất nhiều nguồn lực trong xã hội, từ gia đình, nhà trường cho đến cộng đồng”.
Bà Thanh Tâm cho biết, nhiều phụ huynh phản ánh việc giám định y khoa để biết trẻ đang gặp khiếm khuyết gì hiện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nhà nước cần tạo mọi điều kiện, có cơ chế hướng dẫn cụ thể giúp gia đình xác định mức độ khiếm khuyết của trẻ để trẻ có cơ hội học tập ở môi trường phù hợp, thúc đẩy sự thành công của mô hình.
TPHCM hiện có khoảng 70.000 người khuyết tật, trong đó khoảng 95% đã xác định mức độ khuyết tật. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xác định đây là đối tượng yếu thế cần được quan tâm đặc biệt. Chúng tôi đã tham mưu để thành ủy, UBND, HĐND ban hành các chỉ thị, nghị quyết về chăm lo đối tượng yếu thế với những chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để các sở ngành tùy vào chức năng, nhiệm vụ mà hỗ trợ người khuyết tật. Riêng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các giải pháp liên quan đến các trung tâm bảo trợ xã hội đang quản lý cũng như thực hiện các chính sách trợ giúp để tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật có việc làm phù hợp. Nguyễn Tăng Minh - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM |
Nguyệt Minh